Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thoái sạch vốn tại SSG, thu về gần 30 tỷ đồng
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã thoái sạch vốn tại SSG
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) mới thông báo bán 1,32 triệu cổ phiếu đang sở hữu tại Công ty cổ phần Vận tải biển Hải Âu (mã chứng khoán: SSG) để thu về gần 30 tỷ đồng.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thành lập công ty con vốn nghìn tỷ
Trước đó, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thông báo thoái vốn tại Công ty cổ phần Vận tải biển Hải Âu bằng phương thức thoả thuận lẫn khớp lệnh trong giai đoạn từ 22/1 đến 20/2.
Tuy nhiên, trong thông tin gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Công ty cổ phần Vận tải biển Hải Âu cho biết toàn bộ 1,32 triệu cổ phiếu được phân phối cho 2 nhà đầu tư trong nước bằng phương thức đấu giá được tổ chức vào ngày 29/1.
VIMC là Tổng công ty có liên quan đến bà Phạm Thị Anh Thư – Chủ tịch HĐQT Sesco đồng thời là người đại diện phần vốn góp của VIMC. Hiện bà Anh Thư không nắm giữ cổ phiếu SGG.
Mức trúng giá bằng với giá chào bán là 22.300 đồng mỗi cổ phiếu, cao hơn gần 10.000 đồng mỗi cổ phiếu so với thị giá trên sàn chứng khoán. Như vậy, tổng giá trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thu được từ thương vụ này xấp xỉ 30 tỷ đồng. Sau giao dịch, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam không còn sở hữu cổ phiếu nào tại Công ty cổ phần Vận tải biển Hải Âu.
Cổ phiếu của Công ty cổ phần Vận tải biển Hải Âu hiện giao dịch trên thị trường UPCoM từ năm 2011. Công ty hiện có vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Cổ phiếu SSG đóng cửa phiên giao dịch gần nhất (ngày 16/2) tại 12.500 đồng, giảm gần 7% so với tham chiếu. Vốn hoá thị trường của công ty tính theo mức này chưa đến 63 tỷ đồng.
Thông tin về đợt thoái vốn này được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam công bố vào cuối tháng 1, cùng với đợt thoái vốn tại Công ty cổ phần Hàng hải Sài Gòn (mã chứng khoán: SHC).
Theo kế hoạch kinh doanh năm nay, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đặt mục tiêu giữ vững thị trường, thị phần, khách hàng, tập trung phát triển cảng nước sâu, đội tàu container đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đào tạo nhân tài, phát triển nguồn nhân lực.
Dự kiến sản lượng vận tải biển trong năm 2024 đạt 15,8 triệu tấn (76% ước thực hiện 2023, do thanh lý, giảm số lượng tàu); sản lượng khối cảng biển: 123,7 triệu tấn (109% ước thực hiện 2023); doanh thu đạt 17.742 tỷ đồng (99% ước thực hiện 2023); lợi nhuận đạt 2.169 tỷ đồng (104% ước thực hiện 2023 và cao hơn 2023 do thanh lý tàu già hết khấu hao).
Ban lãnh đạo Tổng công ty dự báo thị trường vận tải biển tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi chiến tranh tiếp tục căng thẳng, leo thang tại nhiều khu vực kéo theo nhiều hệ lụy, sức tiêu dùng chưa có dấu hiệu phục hồi gây ảnh hưởng tới nhu cầu vận tải hàng hóa.
Các yếu tố khác như hạn hán tại kênh đào Panama, những cuộc tấn công lên các tàu thuyền thương mại liên tục leo thang ở khu vực biển Đỏ, kênh đào Suez gây ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng tàu và có thể dẫn tới tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đôi nét về CTCP Vận tải Biển Hải Âu
CTCP Vận tải Biển Hải Âu được thành lập từ năm 2000, hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển trong và ngoài nước; thực hiện dịch vụ đại lý như tàu biển, giao nhận vận tải đa phương thức; môi giới hàng hải; cung ứng tàu biển; kinh doanh xuất nhập khẩu .
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán, doanh thu thuần của Sesco đạt gần 93,8 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021; lợi nhuận sau thuế của Sesco gấp 14,2 lần so với cùng kỳ, đạt mức 58,4 tỷ đồng.
Do lãi sau thuế năm 2022 cao nên sau khi xóa lỗ lũy kế, trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi, vẫn còn lợi nhuận và dòng tiền đủ để chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Do đó, giữa tháng 5/2023, Sesco đã thực hiện trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 37% (một cổ phiếu được nhận 3.700 đồng). Với gần 5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Sesco chi gần 18,5 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.
Kết phiên 16/2, giá cổ phiếu SSG dừng tại 12.500 đồng/cp, tăng gần 39% sau gần hai tháng.
Nhịp Sống Thị Trường