MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng cục Du lịch: Tập trung 8 nhóm giải pháp đẩy nhanh chuyển đổi số trong du lịch

Tổng cục Du lịch: Tập trung 8 nhóm giải pháp đẩy nhanh chuyển đổi số trong du lịch

Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nêu trong diễn đàn “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh với chuyên đề 2 “Chuyển đổi số: Động lực phát triển bền vững” do Tổng cục Du lịch phối hợp Liên đoàn Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam(VCCI) tổ chức.

Nói về thực trạng số hóa trong du lịch Việt Nam, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI phân tích, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch đã được một số đơn vị du lịch triển khai khi hội nhập quốc tế, nhất là đối với những khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, các đơn vị lữ hành lớn để phục vụ chính công tác quản lý của họ. “Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành du lịch vẫn đơn lẻ theo kiểu mạnh ai người ấy làm và chưa có sự thống nhất”, ông Phòng nói.

Đại dịch COVID-19 vừa qua đã làm chao đảo không chỉ ngành du lịch Việt Nam mà là một sự đả kích lớn với du lịch toàn cầu. “Đại dịch COVID-19 làm cho ngành du lịch trải qua những ngày đau đớn, cũng là cuộc thanh lọc chưa từng có. Chuyển đổi số đã chứng minh là tất yếu đối với mọi ngành nghề nếu muốn phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0. Điều đáng nói, nếu những năm trước câu chuyện chuyển đổi số trong du lịch vẫn chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp, địa phương có tư duy nhạy bén, linh hoạt và mạnh tiềm lực tài chính, thì nay chính ‘sóng thần’ COVID lại đẩy tất cả buộc phải lựa chọn: chuyển đổi số hay là chết”, ông Phòng nêu.

Tổng cục Du lịch: Tập trung 8 nhóm giải pháp đẩy nhanh chuyển đổi số trong du lịch - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nêu 8 nhóm giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch.

Về tầm nhìn định hướng số hóa trong du lịch Việt Nam, ông Phòng cho hay, để chuyển đổi số thành công, có thể sẽ mất vài ba năm nhưng không thể chậm hơn nữa.

Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định, chuyển đổi số là một quá trình khó khăn, đòi hỏi sự đổi mới về tư duy nhận thức, sự phối hợp chặt chẽ để hành động; kiến thức, năng lực và nguồn lực.

Trong thời gian qua, Tổng cục Du lịch xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh để tạo sân chơi chung cho các địa phương, doanh nghiệp trong đó có thể kể đến một số ứng dụng như Du lịch Việt Nam an toàn, Hướng dẫn Du lịch Việt Nam, Hệ thống đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID-19. Mới đây nhất, Tổng cục Du lịch hỗ trợ Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám ra mắt hệ thống vé điện tử hiện đại phục vụ khách.

Để có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nêu ra 8 nhóm giải pháp quan trọng như, hoàn thiện các đề án, chương trình chuyển đổi số trong ngành du lịch trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch, các kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ về chuyển đổi số; Tập trung phát triển một số nền tảng số căn bản của ngành du lịch; Tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành du lịch và ngành công nghệ thông tin để thiết kế giải pháp, mô hình công nghệ đáp ứng nhu cầu quản lý, kinh doanh du lịch số.

Tổng cục Du lịch: Tập trung 8 nhóm giải pháp đẩy nhanh chuyển đổi số trong du lịch - Ảnh 2.

Chuyển đổi số là lựa chọn, là giải pháp quan trọng để phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng cục Du lịch lưu ý cần phát huy cơ chế hợp tác công tư để huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số du lịch; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong ngành du lịch nâng cao kiến thức, kỹ năng và hiểu biết về công nghệ, chuyển đổi số...

Tham gia diễn đàn, lãnh đạo ngành du lịch nhiều địa phương, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp lữ hành và du lịch cũng đóng góp kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp cho chuyển đổi số trong ngành du lịch. Các đại biểu thống nhất quan điểm, trong công cuộc chuyển đổi số thì công nghệ chưa phải là yếu tố quan trọng nhất, trước hết cần đổi mới tư duy, nhận thức từ tư duy quản lý truyền thống sang tư duy mới về quản lý và khai thác các giá trị kinh tế số.

Theo Thùy Dương

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên