MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng điều tra kinh tế trong bối cảnh... "bình thường mới"

Tổng điều tra kinh tế trong bối cảnh... "bình thường mới"

Tổng điều tra kinh tế năm 2021 nói chung và Điều tra doanh nghiệp năm 2021 nói riêng là cuộc Tổng điều tra khó nhất của ngành thống kê ...

Kể từ ngày 1/3, Tổng cục Thống kê tiến hành Tổng điều tra kinh tế năm 2021. Đây là cuộc điều tra quan trọng nhằm thu thập thông tin đầy đủ để thấy rõ bức tranh kinh tế toàn diện của cả nước, sự phát triển của từng khối đơn vị kinh tế, từng địa phương và khu vực. Từ đó, giúp đề ra các chính sách, giải pháp cụ thể, hữu hiệu nhằm thực hiện mục tiêu, chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025 của cả nước.


photo-1

Từ năm 2020, phương án điều tra doanh nghiệp đã có sự thay đổi để phù hợp với xu hướng và tình hình mới. Theo đó, khâu thu thập thông tin được thực hiện bằng phiếu điện tử, doanh nghiệp tiến hành cung cấp thông tin và trả lời trên website. Đây là bước cải tiến cơ bản, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, tiết kiệm thời gian, nhân lực.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Kể từ ngày 1/3/2021, Tổng cục Thống kê sẽ tiến hành Tổng điều tra kinh tế năm 2021. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, thưa bà?

Tổng điều tra kinh tế là cuộc điều tra được triển khai 5 năm 1 lần, có quy mô lớn và độ phức tạp nhất của ngành Thống kê. Tổng điều tra kinh tế gần đây nhất được thực hiện vào năm 2017 nhằm đánh giá việc thực thi chính sách phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2012 – 2017.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến 31/12/2019, cả nước có khoảng trên 758,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, cộng thêm khoảng 134,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2020. Điều này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp trong những năm vừa qua. Ngoài ra, hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể cũng có nhiều khởi sắc.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 xảy ra trong năm 2020, tiếp diễn vào năm 2021 là những trở ngại không nhỏ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của từng doanh nghiệp và người dân. Chính vì vậy, triển khai Tổng điều tra kinh tế năm 2021, tuy là việc diễn ra thường xuyên 5 năm 1 lần theo Chương trình điều tra quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng Tổng điều tra lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm thu thập thông tin đầy đủ để thấy rõ bức tranh kinh tế toàn diện của cả nước, sự phát triển của từng khối đơn vị kinh tế thế nào, của từng địa phương, khu vực ra sao, bộ, ban, ngành, các địa phương xây dựng, đề ra các chính sách, giải pháp cụ thể, hữu hiệu nhằm thực hiện mục tiêu, chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025 của cả nước, từng ngành và từng địa phương.

Cụ thể, dựa trên kết quả của Tổng điều tra có thể đánh giá sự phát triển về số lượng, quy mô và lao động của các cơ sở kinh tế; kết quả sản xuất kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu, sự phân bố của các cơ sở và của lao động theo địa phương, theo ngành kinh tế và theo hình thức sở hữu nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, nhà nước, các bộ, ngành và địa phương.

Điều tra doanh nghiệp năm 2021 diễn ra trong bối cảnh tình hình giãn cách xã hội và cách ly ở các vùng trung tâm dịch. Vậy chương trình điều tra sẽ có những thay đổi như thế nào để phù hợp với bối cảnh mới?

Những năm trước đây, việc điều tra doanh nghiệp được thực hiện theo hình thức điều tra gián tiếp hoặc trực tiếp bằng phiếu giấy; điều tra viên liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp để thu thập thông tin tại chỗ hoặc gửi phiếu giấy để doanh nghiệp trả lời.

Từ năm 2020, phương án điều tra doanh nghiệp đã có sự thay đổi để phù hợp với xu hướng và tình hình mới. Theo đó, khâu thu thập thông tin được thực hiện bằng phiếu điện tử, doanh nghiệp tiến hành cung cấp thông tin và trả lời trên website. Đây là bước cải tiến cơ bản, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, tiết kiệm thời gian, nhân lực.

Do đó, Điều tra doanh nghiệp năm 2021 sẽ tiếp tục được triển khai đến doanh nghiệp theo hình thức trực tuyến nên mặc dù tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng cuộc điều tra vẫn bảo đảm diễn ra đúng theo yêu cầu về nội dung, cách thức và tiến độ thực hiện Tổng điều tra. Đây là năm thứ hai ngành thống kê tiến hành Điều tra doanh nghiệp trực tuyến nên đã có kinh nghiệm trong việc thiết kế, xử lý và thu thập bằng hình thức này.

Theo bà, đâu sẽ là những khó khăn, thách thức trong quá trình tổ chức thực hiện Điều tra doanh nghiệp 2021?

Để tiến hành thu thập thông tin theo hình thức trực tuyến, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phải đáp ứng yêu cầu cao hơn nhiều so với hình thức thu thập truyền thống bằng phiếu giấy. Yêu cầu về tính bảo mật, an toàn của hệ thống đòi hỏi ở mức độ cao với dung lượng trong chuyển tải và lưu giữ; số lượng lớn các tài khoản truy cập đồng thời trên phạm vi rộng. Tuy nhiên, hạ tầng công nghệ thông tin của ngành Thống kê còn nhiều hạn chế nên trong quá trình triển khai không tránh khỏi có những thời điểm hệ thống bị quá tải hoặc gián đoạn. Ngành thống kê đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan để khắc phục và hạn chế  tối đa khó khăn, bất cập này.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên sẽ tồn tại các doanh nghiệp chưa đảm bảo điều kiện để tham gia cung cấp thông tin trực tuyến trên Trang thông tin điện tử của Điều tra doanh nghiệp.

Thông tin thu thập trong phiếu điện tử năm nay có thay đổi lớn so với Điều tra doanh nghiệp năm trước; đặc biệt trong việc xác định rõ cơ sở sản xuất với tên, số lượng sản phẩm chính và địa điểm để phản ánh hoạt động sản xuất, kinh doanh đến ngành cấp 3 trên địa bàn cấp xã. Tức là, Điều tra doanh nghiệp năm 2021 sẽ tiếp cận để cập nhật, khai thác thông tin của các đơn vị điều tra theo định nghĩa chuẩn của quốc tế. Doanh nghiệp cung cấp thông tin chi tiết của các chi nhánh, cơ sở sản xuất cùng với địa chỉ, doanh thu hoặc số lượng các sản phẩm chính, chi phí sản xuất và số lượng lao động.

Với hình thức thu thập thông tin bằng phiếu điện tử trên Webform, các doanh nghiệp sẽ tự kê khai thông tin trên bảng hỏi trực tuyến. Để thu thập đầy đủ về số lượng và chất lượng thông tin từ doanh nghiệp là thách thức không nhỏ đối với các điều tra viên của ngành Thống kê. Vì vậy đòi hỏi điều tra viên cần nắm rất rõ quy trình thu thập thông tin, luồng thông tin và các chỉ tiêu cần thu thập để hướng dẫn, hỗ trợ đảm bảo cho doanh nghiệp cung cấp thông tin tính đầy đủ, chính xác.

Trong quá trình triển khai thu thập thông tin, có nhiều doanh nghiệp không sẵn sàng hợp tác để cung cấp thông tin, điều tra viên phải mất rất nhiều thời gian và công sức để thuyết phục doanh nghiệp tự điền thông tin vào phiếu điều tra cũng như kiểm tra, xác minh và hỗ trợ hoàn thiện phiếu điều tra.

Hơn nữa, thời gian triển khai thu thập thông tin doanh nghiệp năm 2021 trùng vào thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương, gây khó khăn cho công tác tập huấn cho điều tra viên và công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn triển khai thu thập thông tin.

Tổng cục Thống kê dự kiến sẽ khắc phục những khó khăn này như thế nào, thưa bà?

Tổng điều tra kinh tế năm 2021 nói chung và Điều tra doanh nghiệp năm 2021 nói riêng là cuộc Tổng điều tra khó nhất của ngành thống kê. Đây là cuộc Tổng điều tra khó trong cả lý luận và thực tiễn triển khai thực hiện, với nội dung, đơn vị, đối tượng điều tra phức tạp, phạm vi rộng. Song với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ban, ngành và chính quyền các cấp, Tổng cục Thống kê sẽ nỗ lực thực hiện thành công, cung cấp thông tin, dữ liệu tốt nhất phục vụ công tác xây dựng và hoạch định chính sách và chỉ đạo điều hành kinh tế-xã hội của đất nước theo đúng mục tiêu, định hướng trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Theo đó, cùng với việc tăng cường mạnh mẽ việc tuyên truyền, phổ biến thông tin về Tổng điều tra kinh tế năm 2021, đẩy mạnh công tác tập huấn nghiệp vụ cho điều tra viên, hướng dẫn, hỗ trợ về nghiệp vụ, giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp trong quá trình điền thông tin phiếu điều tra trực tuyến để tránh việc bỏ sót thông tin và nâng cao chất lượng số liệu... Tổng cục Thống kê sẽ phối hợp với các cơ quan để có phương án xử lý phù hợp những doanh nghiệp không hợp tác để cung cấp thông tin.

Chẳng hạn, phối hợp với Chi cục Thuế hoặc Cục Thuế nhắc nhở, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin; đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cấp tỉnh gửi công văn đôn đốc, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin; tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành nghĩa vụ cung cấp thông tin của doanh nghiệp...

Theo Anh Nhi

Theo VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên