Tổng giám đốc SCIC: Đã sẵn sàng nguồn lực để đầu tư vào Vietnam Airlines
Chỉ đạo của các cấp lãnh đạo cao nhất là rất khẩn trương, chậm nhất là đầu tháng 11 phải có phương án trình các cấp có thẩm quyền quyết định.
- 05-11-2020Vietnam Airlines dự tính sang năm 2021 vẫn lỗ vài chục tỷ đồng mỗi ngày
- 30-10-2020Vietnam Airlines (HVN): 9 tháng lỗ ròng 10.471 tỷ đồng, giảm gần 4.000 tỷ tiền mặt tiền gửi và vay ngắn hạn thêm 6.000 tỷ đồng
- 19-09-2020Vietnam Airlines khôi phục bay quốc tế thường lệ sang Nhật Bản, kết hợp chở hàng hóa phục vụ giao thương sản xuất
Giới đầu tư đang quan tâm tới thông tin Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ tham gia mua cổ phần phát hành cho cổ đông hiện hữu của Vietnam Airlines. Ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SCIC cho biết, các bước chuẩn bị được khẩn trương thực hiện suốt thời gian qua, để đến giờ, SCIC đã sẵn sàng cho việc đầu tư vào Vietnam Airlines.
Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã được thảo luận, mổ xẻ rất nhiều. Cho đến thời điểm này, mức độ sẵn sàng tham gia tăng vốn tại Vietnam Airlines của SCIC ra sao, thưa ông?
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong suốt vài tháng qua, SCIC đã chủ động làm việc, trao đổi với Vietnam Airlines để xây dựng các phương án, kịch bản tối ưu nhất. Có thể nói, hai bên đã làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, thậm chí phải huy động cán bộ cả trong thời gian nghỉ hoặc vào cuối tuần. Một khối lượng thông tin, dữ liệu lớn về hoạt động của Vietnam Airlines nói riêng, ngành hàng không khu vực nói chung, đã được hai bên cập nhật đầy đủ. Đến thời điểm này, mọi việc đã được tính toán đầy đủ, sẵn sàng. Ngay sau khi Quốc hội xem xét, thảo luận và bấm nút cho phép triển khai, chúng tôi sẽ lập tức bắt tay vào việc một cách nhanh nhất.
Trên thị trường, các nhà đầu tư có niềm tin rất lớn vào khả năng tái hồi phục của hãng hàng không quốc gia. Bằng chứng là giá cổ phiếu của VNA không giảm mạnh như một số dự đoán. Ông nhìn nhận về cơ hội đầu tư này như thế nào, nếu so sánh trong mối tương quan với các hãng hàng không trong khu vực?
Các hãng hàng không quốc gia luôn là lĩnh vực mà Nhà nước phải nắm giữ, nhiều hãng hàng không hoạt động rất hiệu quả, đồng thời còn đóng góp lớn cho công tác ngoại giao, quảng bá văn hóa, kết nối quan hệ bang giao giữa các nước, các nền kinh tế trên thế giới.
Trong thời gian vừa qua, hoạt động của ngành hàng không bị tác động rất lớn bởi đại dịch Covid-19 và Chính phủ các nước đã can thiệp, hỗ trợ rất kịp thời, ở quy mô lớn
Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia, hơn nữa trong hệ sinh thái của Vietnam Airlines có rất nhiều lĩnh vực hoạt động có hiệu quả không chỉ là vận tải hàng không mà còn các lĩnh vực phụ trợ khác. Việc giữ và duy trì được các ngành hoạt động này là cần thiết.
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines có các khoản vay, có bảo lãnh của Chính phủ. Bởi vậy, việc can thiệp của Nhà nước vào Vietnam Airlines là hết sức cần thiết và đảm bảo cho chiến lược phát triển của Vietnam Airline trong 5 năm tiếp theo.
Nhà nước tham gia vào Vietnam Airlines trong trường hợp này khác so với các hãng hàng không quốc tế. Đó là chúng ta tham gia với vai trò chủ sở hữu. Khi một công ty đại chúng niêm yết và phát hành cổ phiếu thì các cổ đông có quyền tham gia đầu tư thêm. Căn cứ vào phương án kinh doanh của công ty đó, các cổ đông sẽ quyết định việc tăng vốn. Bởi vậy, cổ đông nhà nước có quyền quyết định tăng vốn thông qua SCIC. SCIC trong trường hợp này với tư cách là nhà đầu tư của Chính phủ thay mặt nhà nước thực hiện vai trò cổ đông, vai trò đại diện chủ sở hữu mua cổ phần của cổ đông nhà nước tham gia tăng vốn tại Vietnam Airlines.
Ở đây có điểm cần xử lý. Đó là SCIC chưa phải là cơ quan đại diện trực tiếp làm chủ sở hữu vốn nhà nước tại Vietnam Airlines mà là Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các quy định pháp luật cho phép Ủy ban quản lý vốn báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan, các cấp thẩm quyền căn cứ vào quy định pháp luật chỉ định SCIC thay mặt cho Nhà nước thực hiện vai trò đại diện, vai trò chủ sở hữu thông qua việc tăng vốn vào Vietnam Airlines. Còn việc tăng vốn sẽ dựa vào phương án phát hành, trong đó làm rõ quy mô phát hành, giá trị phát hành và quan trọng nhất là sử dụng các nguồn lực phát hành đó như thế nào.
Ủy ban quản lý vốn đã chỉ đạo Vietnam Airlines và SCIC xây dựng Đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines và báo cáo Ủy ban quản lý vốn, báo cáo Chính phủ để đảm bảo tăng vốn là một những giải pháp để thực hiện tái cơ cấu VNA. Trong đề án tái cơ cấu đó có rất nhiều các nội dung như phương án kinh doanh, phương án lao động, phương án tái cơ cấu các tài sản khác của Vietnam Airlines, về lĩnh vực ngành nghề mở rộng, lĩnh vực ngành nghề kinh doanh mới…
Đề án tái cơ cấu tổng thể Vietnam Airlines sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền quyết định trước khi có phương án tăng vốn của VNA.
Việc cấp cứu, trợ thở cho doanh nghiệp là cấp thiết, vậy thời hạn để đưa ra đề án này là bao lâu?
Chỉ đạo của các cấp lãnh đạo cao nhất là rất khẩn trương, chậm nhất là đầu tháng 11 phải có phương án trình các cấp có thẩm quyền quyết định.
Với nguồn lực của SCIC hiện nay thì khả năng có thể tham gia tăng vốn đến đâu ở Vietnam Airlines?
Theo nhu cầu tăng vốn mà Vietnam Airlines xây dựng, họ có nhu cầu bổ sung hơn chục nghìn tỷ đồng thông qua 2 nguồn tái cấp vốn và phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. VNA tăng vốn bao nhiêu, sẽ phụ thuộc vào nguồn tái cấp vốn ở mức độ nào. Hai phương án này có mối quan hệ biện chứng, nhân quả, bởi tăng vốn lên nhiều thì khả năng vay vốn cũng được nhiều hơn. Hơn nữa, Vietnam Airlines cũng mong muốn, vốn điều lệ tăng lên thì chi phí vốn sẽ giảm bớt, giúp doanh nghiệp chủ động hơn so với sử dụng vốn vay.
SCIC cũng sẽ thuê tư vấn về phương án phát hành của VNA để quyết định theo thẩm quyền.
Tham gia tăng vốn như vậy, SCIC sẽ phải đồng hành cùng Vietnam Airline trong chặng đường dài. Bên cạnh tài chính, về mặt nhân sự, kinh nghiệm quản lý, quản trị, SCIC có thể hỗ trợ Vietnam Airlines như thế nào?
Vấn đề này phụ thuộc vào đề án tái cơ cấu. Nếu sau này được Chính phủ chỉ định thay mặt cho Chính phủ thực hiện hoạt động đầu tư vốn vào Vietnam Airlines, chúng tôi sẽ báo cáo với Ủy ban quản lý vốn tham gia vào Hãng hàng không quốc gia với tư cách dại diện chủ sở hữu hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua Ủy ban quản lý vốn tại doanh nghiệp. Với cơ chế nào, chúng tôi đều có thể hỗ trợ Vietnam Airlines cả về nhân sự chuyên môn, về kinh nghiệm quản lý tài chính và kết nối các mối quan hệ hợp tác quốc tế. SCIC cũng từng có thời gian quản lý vốn và quản lý Jetstar, với sự hợp tác của cổ đông nước ngoài. Chúng tôi tin có thể phát huy được những mặt tích cực đã có.
Từ câu chuyện của Vietnam Airlines, nhìn rộng hơn về nhu cầu tháo các nút thắt cho đầu tư ở khu vực doanh nghiệp nhà nước. Theo ông, vấn đề này có ý nghĩa như thế nào ở thời điểm khó khăn cần phát huy các nguồn lực đầu tư như hiện nay?
Việc thúc đẩy đầu tư của khu vực DNNN, theo chúng tôi có tầm quan trọng và cần thiết không còn phải bàn cãi nữa. Nội dung này đã được thể hiện tại các nghị quyết của Đảng, các văn kiện của Đảng, dự thảo văn kiện đại hội 13 và các chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm. Chúng ta đang tiến tới những mốc thời gian quan trọng như 100 năm thành lập nước, 100 năm thành lập Đảng với khát vọng Việt Nam sẽ phát triển, trở thành nước hùng cường. Rõ ràng, đầu tư của nhà nước vào DNNN là rất cần thiết vì đây là các lĩnh vực Nhà nước tạo động lực cho nền kinh tế, ví dụ về cơ sở hạ tầng, viễn thông, năng lượng, những lĩnh vực công nghệ mới… Chắc chắn, phải có sự đầu tư của nhà nước, tạo vốn mồi thu hút các nguồn lực xã hội. Để giải phóng, thúc đẩy đầu tư ở khu vực DNNN, tôi thấy 4 vấn đề lớn chúng ta phải xem xét:
Một là sửa đổi các quy định pháp luật để phục vụ cho các hoạt động đầu tư nhà nước đúng với kinh tế thị trường và tạo tính chủ động cho DNNN trong quyết định hoạt động đầu tư.
Hai là tăng quy mô vốn, có tiền mới đầu tư được nên phải tăng và để lại nguồn lực cho DNNN. Đồng thời có quỹ đầu tư của Chính phủ, khi đó SCIC trong vai trò là nhà đầu tư tài chính cùng các nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chuyên ngành như năng lượng, viễn thông, dầu khí, cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, nông nghiệp... tạo ra các dự án, tạo vốn mồi, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp khác để cùng nhà nước thực hiện hoạt động đầu tư.
Thứ ba là vấn đề con người, phải có cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm, đãi ngộ, lương thưởng cho những nhân sự, lãnh đạo gánh trách nhiệm trong doanh nghiệp nhà nước, tạo động lực cho họ, sử dụng hết chất xám để họ phát huy trong chỉ đạo DN trong hoạt động đầu tư.
Cuối cùng, có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và đặt lợi ích của DN, của nhà nước lên trên.
Bốn yếu tố đó là cơ sở quan trọng để thúc đẩy đầu tư của nhà nước vào doanh nghiệp tới đây.
Trí Thức Trẻ