MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may: "Ngành Sợi tăng trưởng ngoạn mục năm 2021, nhưng có những lúc chúng tôi đã tuyệt vọng"

26-12-2021 - 16:52 PM | Doanh nghiệp

Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May ông Cao Hữu Hiếu (giữa)

Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May ông Cao Hữu Hiếu (giữa)

Bà Phạm Thị Thanh Tâm- Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ, năm nay các doanh nghiệp dệt may phía Bắc dự kiến chi thưởng tháng lương thứ 13 cho người lao động 1,5-2 tháng, các doanh nghiệp phía Nam đạt 1,5 tháng (tối thiểu), cá biệt sẽ có một số đơn vị chi 3 tháng.

Năm 2021, đại dịch Covid-19 càn quét nền kinh tế. Hàng nghìn doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất do giãn cách xã hội, chuỗi sản xuất bị đứt gãy, tăng chi phí chống dịch khi phải thực hiện "3 tại chỗ" và gặp áp lực khi người lao động bỏ về quê. Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) bất ngờ báo lãi lớn, với doanh thu năm 2021 ước đạt 16.436 tỷ đồng, tăng 10,7% cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.200 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước, vượt 70% kế hoạch và cao hơn năm 2019 trước đại dịch 70%. 

Như vậy, Vinatex đã hoàn thành mục tiêu phục hồi như trước đại dịch với nhiều chỉ tiêu cao hơn, nhờ các doanh nghiệp ngành Sợi có mức tăng trưởng "ngoạn mục" cả về doanh thu và lợi nhuận.

Nhưng đạt được kết quả này, ngành dệt may đã có những lúc "lên bổng xuống trầm". Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May ông Cao Hữu Hiếu chia sẻ: "Năm 2021 là một năm khó khăn, có những lúc chúng tôi tuyệt vọng khi 19 tỉnh phía Nam và miền Tây bị đóng cửa giãn cách, các Tổng công ty lớn như May Việt Tiến có 34.000/36.000 lao động phải nghỉ. Đây là những cái trong tiền lệ mấy chục năm hình thành phát triển của May Việt Tiến chưa bao giờ từng trải qua. Trong 26 năm hoạt động của Tập đoàn Dệt May, chưa bao giờ một loạt đơn vị trong hệ thống tập đoàn phải ngừng, Công đoàn Dệt may chưa bao giờ đối diện với lực lượng lao động phải nghỉ và cần sự hỗ trợ nhiều đến như vậy". 

Số liệu báo cáo cho thấy, trong năm 2021, đại dịch đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp dệt may, người lao động trong hệ thống Công đoàn Dệt may với 49 doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp (32 doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" với 15.267 người lao động, 17 doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất), 12 NLĐ tử vong, 6.300 NLĐ là F0, 35.023 NLĐ phải ngưng việc từ 2-2.5 tháng do thực hiện phong toả, cách ly hoặc DN ngừng sản xuất, thu nhập giảm sút, đời sống khó khăn. Bên cạnh đó, các DN còn phải chịu thêm nhiều chi phí về phòng dịch, trả lương ngừng việc, tổ chức "3 tại chỗ", điều trị, cách ly tại chỗ cho NLĐ khi DN có F0..

Tuy nhiên sau 3 tháng đỉnh điểm thì các tỉnh phía Nam dần mở cửa trở lại. Chính phủ, các Bộ ban ngành đã đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp dần trở lại sản xuất, các chỉ thị dần được nới lỏng ra và người lao động quay trở lại làm việc.

"Điều mà chúng tôi rất vui mừng là ngay từ những ngày đầu khi lệnh giãn cách được gỡ bỏ và các doanh nghiệp quay lại làm việc bình thường thì tỷ lệ người lao động quay lại các đơn vị của tập đoàn rất cao. Bản thân công đoàn tập đoàn và các doanh nghiệp trong thời gian bị đóng cửa thường xuyên tổ chức họp trao đổi và đưa ra các kịch bản khi trở lại thì người lao động như thế nào, để đưa ra kịch bản đơn hàng và sản xuất tương ứng. 

Chúng tôi chỉ dám dự đoán những tháng đầu như tháng 10,11 tỷ lệ người lao động quay lại làm việc nếu cao chỉ đạt khoảng 70% nhưng không ngờ với những đơn vị phía Nam như Việt Tiến tỷ lệ quay lại là 85-90% ngay từ tháng đầu tiên. Điều này cho thấy sự quan tâm của công đoàn với người lao động. Hệ thống công đoàn và các hệ thống chính trị trong công ty vẫn duy trì liên lạc với người lao động, tổ chức chương trình cứu trợ hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi lấy phương châm người lao động là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp nên mới có tỷ lệ người lao động quay lại cao như vậy, trong khi nhiều doanh nghiệp khác trong hệ thống may mặc hay các doanh nghiệp FDI, hay cùng địa phương thì tỷ lệ người lao động quay lại chỉ đạt khoảng 50-60%. Bây giờ có thể nói chúng tôi lấy lại được toàn bộ lực lươngj lao động trước khi giãn cách", Tổng giám đốc Cao Hữu Hiếu tự hào. 

Bà Phạm Thị Thanh Tâm- Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ, năm nay các doanh nghiệp dệt may phía Bắc dự kiến chi thưởng tháng lương thứ 13 cho người lao động 1,5-2 tháng, các doanh nghiệp phía Nam đạt 1,5 tháng (tối thiểu), cá biệt sẽ có một số đơn vị chi 3 tháng. "Với tình hình khó khăn như 2021 thì đây là cố gắng rất lớn của doanh nghiệp. Không chỉ đảm bảo lương hàng tháng cho người lao động, lương tháng thưởng Tết và lương tháng 13 là nguồn khích lệ mang lại cái tết ấm áp cho người lao động", bà Tâm cho biết.

Được biết, Tết Nhâm Dần 2022, Công đoàn Dệt may dự kiến chi 3 tỷ đồng (gấp đôi Tết 2021) để chăm lo, hỗ trợ cho người lao động. Trong đó đặc biệt ưu tiên NLĐ tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19. Các DN và công đoàn cơ sở cũng tiến hành các hoạt động chăm lo tại chỗ cho NLĐ như: tháng lương thứ 13, thưởng Tết, tặng qùa Tết cho 100% NLĐ, tổ chức liên quan cuối năm, bố trí xe, hỗ trợ vé cho NLĐ về quê đón tết, tổ chức đón tết cho NLĐ không về quê...với tổng số tiền dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng.

Lương bình quân hiện nay của người lao động trong hệ thống Vinatex khoảng 8 triệu đồng/tháng. Một số doanh nghiệp phía Nam (chiếm 40%) nghỉ 4 tháng nên bình quân lương năm 2021 đạt khoảng 7,2-7,3 triệu đồng/người/tháng, còn phía Bắc đạt 8,3 triệu đồng/tháng.

Châu Cao

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên