Tổng giám đốc Vietravel: Mỗi năm chúng tôi chi 3.000 tỷ tiền mua vé, việc tham gia hàng không là nhiệm vụ tự thân chứ không phải bắt theo trend
Với các hãng hàng không hiện nay, bay thông dụng là thị trường chính, bay du lịch là thị trường ngách, nhưng với Vietravel thị ngược lại, bay du lịch là thị trường chính. Ở đây không có sự đối chọi, việc Vietravel tham gia thị trường hàng không chỉ là bổ trợ.
Ngày 27/9, ngày Du lịch thế giới, CTCP Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) đưa cổ phiếu VTR lên sàn Upcom. Theo Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty Nguyễn Quốc Kỳ, Vietravel chọn ngày này để lên sàn, chính thức trở thành công ty đại chúng với kỳ vọng đưa du lịch Việt nam tiếp tục phát triển, đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư và cổ đông.
Trí thức trẻ đã có trao đổi với ông Nguyễn Quốc Kỳ về chiến lược của Vietravel tham gia thị trường hàng không (Vietravel Air) cũng như kế hoạch kinh doanh của công ty trong tương lai.
Tại sao Vietravel chọn thời điểm này để lên sàn thưa ông?
TTCK là thang đo đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp, muốn có kênh huy động vốn tốt bản thân Vietravel phải đảm bảo kết quả kinh doanh và uy tín của mình với các nhà đầu tư và cổ đông.
Năm 2018, công ty đạt doanh thu 7.200 tỷ nhưng chỉ lãi sau thuế 58 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2019 doanh thu công ty đạt 3.600 tỷ, lợi nhuận sau thuế 26 tỷ. Có thể nói là biên lợi nhuận của Vietravel không cao, theo ông là vì sao?
Biên lợi nhuận của ngành du lịch lữ hành chỉ ở mức vừa phải, muốn gia tăng biên lợi nhuận Vietravel phải mở rộng kinh doanh để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dịch vụ của ngành du lịch.
Với thời đại 4.0 như hiện nay khách hàng tiếp cận thông tin rất nhanh do đó Vietravel phải tăng được giá trị gia tăng trên cả hành trình chuyến đi của khách. Định hướng của công ty sẽ là hoàn thiện hệ sinh thái trong đó có hệ thống lưu trú, khách sạn, nhà hàng, hệ thống vận chuyển... Đó là nhóm hoạt động Vietravel sẽ đầu tư đến năm 2022 để đẩy cao hơn biên lợi nhuận của mình. Chúng tôi đặt mục tiêu biên lợi nhuận phải đạt trên 10%.
Chúng tôi đang xây dựng trang thương mại điện tử Estore bán hàng trên mạng cho tất cả khách du lịch mua sản phẩm sau khi đi du lịch về. Ngoài ra, Vietravel đang trong thời gian tiến hành mua cổ phần tại một số khách sạn 4 sao và 5 sao tại Nghệ An, Đà Nẵng, Huế và một số tỉnh thành khác.
Việc tham gia vào ngành hàng không thì sao thưa ông?
Vietravel đã tham gia thị trường này 5 năm, không phải hứng lên thì làm. Hiện nay chúng tôi mỗi năm bay 500 chuyến charter, đứng đầu thị trường bay charter hiện nay (trong du lịch, charter flight thường được hiểu là một chuyến bay thuê bao dành riêng cho du khách của một hãng lữ hành). Nhưng bên cạnh đó, 1 năm charter bay từ nước ngoài bay về Việt Nam là 51.000 chuyến, thị phần này đang hoàn toàn nằm ở công ty nước ngoài, con số 500 chuyến của Vietravel chỉ như muối bỏ biển.
Với các hãng hàng không hiện nay, bay thông dụng là thị trường chính, bay du lịch là thị trường ngách, nhưng với Vietravel thị ngược lại, bay du lịch là thị trường chính. Ở đây không có sự đối chọi, việc Vietravel tham gia thị trường hàng không chỉ là bổ trợ. Với tốc độ đi lại rất nhanh hiện nay, trong du lịch thì 50% là của chữ du nghĩa là di chuyển, thì nếu bỏ hệ thống vận chuyển sang một bên thì không còn chữ lịch đằng sau nữa.
Chúng tôi nhận ra vấn đề này 5 năm nay, nếu mình không làm thì 51.000 chuyến bay đó ai làm, đơn vị như Vietravel kinh doanh du lịch là chính, mình không chọn thì mình đã bỏ phí thị trường ngách. Chúng tôi đã bay hơn 1000 chuyến, có những chuyến bay liên tục từ Cần Thơ đi Nha Trang, Cần Thơ đi Đà Lạt, từ Sài Gòn đi Phuket, một số hãng đã nhảy vào khai thác các chuyến đó. Nếu mình phát triển thị trường rồi để người khác khai thác thì công sức mình bị bỏ phí, các hãng hàng không khác khi họ bay có lời thì họ lấy hết chỗ luôn và chúng tôi không mua được vé, do đó Vietravel tham gia vận chuyển hàng không để giữ thành quả của mình.
Hàng năm chúng tôi tổ chức 57 chuyến đi Fukusima, tháng 11 này mùa lá vàng lá đỏ đi Hàn Quốc và Nhật Bản, đến năm 2020 có 200 chuyến đã ký xong, điều đó để thấy rằng Vietravel đã chuẩn bị rất kỹ kế hoạch dài hơi cho thị trường của mình.
Về nhân sự, khung nhân sự đã hoàn thiện. Chúng tôi không giành giật lao động, Vietravel là khách hàng và đối tác thân thiết với các hãng hàng không, chúng tôi cung cấp khách cho các đơn vị đó nên không có lý do gì mình gây xung đột. Các cán bộ đã làm ở các hãng hàng không hết tuổi nghỉ hưu muốn cống hiến chúng tôi mời họ, tận dụng kinh nghiệm của họ để đào tạo đội ngũ kế cận.
Vietravel đã mua trường Cao đẳng quốc tế Kent, đây là trường được Úc và Anh công nhận, trường này đào tạo khoa du lịch và Aviation, một số hãng bay hiện nay đang tuyển tiếp viên do chính trường Kent đào tạo. Do đó, tính toán trong định hướng dài hạn Vietravel công bố cái đã có, vay thì đã vay, nhân lực đã có, về thị trường thì không có hãng bay nào mới ra đời đã có 40 chi nhánh và 56 văn phòng hoạt động trên cả nước. Ngoài ra chúng tôi còn có hệ thống bán vé qua sàn giao dịch điện tử Worldtran, TripU, đảm bảo hạ tầng về vé.
Một năm riêng tiền mua vé của Vietravel là 3.000 tỷ, nên việc chúng tôi tham gia thị trường hàng không không phải cái hứng, không phải trend mà là kinh doanh bắt buộc. Với mục tiêu tăng từ 1 triệu khách hàng từ nay lên 2 triệu khách hàng vào năm 2022, các hãng bay hiện nay không đáp ứng được vị họ trả lời họ vẫn phải phục vụ khách đi lại nên mỗi chuyến bay chúng tôi mua được rất ít chỗ, hiện tại chúng tôi đã rất vất vả khi làm việc với các hãng hàng không thì đến lúc 2 triệu khách là vô phương. Do đó đây là nhiệm vụ tự thân của Vietravel.
Chúng tôi kỳ vọng với sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước và sự ủng hộ của khách hàng những hãng bay du lịch được cho phép triển khai.
Vietravel đã phải đi huy động vốn trái phiếu 700 tỷ đồng, hoàn toàn bằng vốn vay, điều này có rủi ro hay không?
Các cổ đông rót vốn vào Vietravel họ đều nhìn thấy tiềm lực tài chính của công ty nên mới đầu tư, không ai bỏ tiền ra mà không chắc chắn cả. Có 4 nhà đầu tư tham gia góp vốn, họ thảo luận rất nhanh và chúng tôi huy động được 700 tỷ không có gì khó khăn. Nhiều người muốn vào góp thêm vốn nhưng chúng tôi cân nhắc kế hoạch, thị trường và độ tiếp cận phải từng bước không vội được.
Nguồn vốn huy động 100% trong nước, hoàn toàn không có vốn nước ngoài. Chúng tôi lập hãng bay không để kiếm vốn nước ngoài. Có những đơn vị vào trả gần gấp đôi nhưng tôi không bán, tôi giữ đây là doanh nghiệp Việt Nam, cho người Việt. Tôi có thể hơi bảo thủ và tự tôn, nhưng đây là công ty hoàn toàn vốn Việt Nam không lấy 1 đồng nào của nước ngoài.
Ảnh: Hương Xuân
Vietravel tham gia thương mại điện tử và hàng không, đều là các lĩnh vực "đốt tiền", vậy kế hoạch tăng vốn của công ty thời gian tới ra sao?
Vietravel làm thương mại điện tử nhưng chưa đốt tiền, trang web travel.com.vn đứng đầu Việt Nam về doanh số bán qua mạng hiện nay về du lịch, vấn đề không phải là đốt hay không mà anh xài cái nào cho đúng, nếu vì tiền thì chẳng lẽ lẽ phải chỉ thuộc về người có tiền sao.
Về lộ trình tăng vốn, chúng tôi có lộ trình và sẽ tăng từng bước, phụ thuộc vào độ mở của thị trường mình phát triển hiện nay bao gồm phát triển hàng không và mở văn phòng nước ngoài. Chúng tôi đã lập 6 văn phòng ở nước ngoài và sẽ hoàn thành 11 thị trường trọng điểm để Vietravel nhận khách, Vietravel đã mở văn phòng tại Mỹ và sắp tới là London và Dubai, định hướng nhắm vào oversea network.
Tại sao Vietravel lại chọn Phú Bài làm sân bay cát cứ, đó có phải là "chiêu" để xin giấy phép bay hay không?
Nếu Vietravel không phải hãng du lịch thì câu chuyện chọn Phú Bài làm sân bay cát cứ là điều đáng bàn. Nhưng hãy chỉ cho tôi tại Việt Nam chỗ nào tầng văn hóa sâu hơn Huế đi, nếu nói đến văn hóa thì cố đô cuối cùng của Việt Nam ở đó, cung điện giá trị văn hóa của người Việt ở đó.
Việc chọn sân bay ở đâu, tôi nghĩ không nằm ở việc có slot (chỗ đậu máy bay) hay không, đó là câu chuyện quá nhỏ hạ tầng sẽ giải quyết, còn chỗ đậu thì đâu đó vẫn còn, vấn đề là giờ nào. Anh đòi bay giờ đẹp thì làm gì còn, nhưng tôi bay charter tôi bay đêm, sân bay rộng lắm. Câu chuyện là có giá trị gì để mình khai thác, và giá trị văn hóa ở Huế có thể lan tỏa được ra khỏi Việt Nam. Tôi cũng đánh giá cao thái độ cởi mở ủng hộ nhà đầu tư của lãnh đạo Thừa Thiên Huế rất thiện chí và chân thành.
Ông đánh giá như thế nào về sự cạnh tranh trên thị trường hàng không hiện nay, không chỉ có sự tham gia của các hãng hàng không mới trong nước như Bamboo mà một số hãng nước ngoài như AirAsia cũng đang muốn vào Việt Nam?
Nhìn lại con số hiện nay 90 triệu dân có 200 máy bay, cứ cho là 300 đi, thì 300.000 dân mới có 1 máy bay so với các nước xung quanh là quá ít, không ai hình dung nổi. Người dân hiện nay có bao nhiêu triệu người được đi máy bay? 85% khách du lịch thế giới đi bằng máy bay, khoảng cách trên 300km thì không có phương tiện nào địch lại máy bay.
Việt Nam có tốc độ phát triển du lịch rất tốt, một năm đón 18 triệu lượt khách nhưng nhìn sang Thái Lan họ có 38 triệu lượt khách kìa. Chúng ta không thể khống chế "chỉ làm được đến thế thôi, làm sao cạnh tranh nổi". Vấn đề là làm sao giữ được thị trường Việt Nam.
Tôi không đồng ý việc đưa một hãng nước ngoài vào bay nội địa Việt Nam, tôi cho là hành động đó không đúng. Tôi đã rất vất vả khi khai thác khách nước ngoài vào VN, chúng ta cấp dễ quá. Hãy chỉ cho tôi bao nhiêu máy bay thường lệ mà hãng của chúng tôi đâu có mua được vé, 1 chiếc vé không có. Vậy thì cần phải suy nghĩ lại với việc cấp phép hàng không, khuyến khích tốc độ phát triển hạ tầng nhưng đừng quên đất nước không thể cất cánh được nếu không có hàng không.
Ông nghĩ nút thắt thị trường du lịch Việt Nam hiện nay ở đâu?
Tôi có tham dự một cuộc họp mà khi được hỏi các nút thắt hiện nay và biện pháp tháo gỡ thì thấy thắt nhiều quá (cười). Vấn đề ở đây là chúng ta có thực sự coi du lịch là mũi nhọn hay không và hàm lượng mũi nhọn là bao nhiêu. Lực lượng sản xuất còn rất tốt nên nếu chính sách tốt sẽ khơi gợi đầu tư phát triển.
Gần đây công ty Thomas Cook là một công ty du lịch lớn nhất của Anh phá sản, ông nhìn nhận về sự phát triển của các công ty lữ hành như thế nào?
Tôi cho rằng Thomas Cook đã có lịch sử 178 năm, họ có thừa kinh nghiệm, nhân lực, vật lực, đôi lúc có thể do hoàn cảnh họ thay đổi không kịp và sự ổn định lâu quá làm người ta tự mãn. Chúng tôi gặp họ rồi, rất khó gặp, họ đi theo con đường riêng của họ chúng tôi không bình luận. Làm gì thì làm phải linh hoạt và luôn luôn đi trước. Việc lựa chọn đường đi là của mỗi người nhưng đúng hay không là câu chuyện phải do thị trường quyết định, tôi nghĩ Thomas Cook thay đổi hơi chậm.
Xin cảm ơn ông.
Trí Thức Trẻ