MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng giám đốc Vinaconex Đỗ Trọng Quỳnh: 'Tôi tin tưởng nhà đầu tư sẽ không bỏ cọc'

28-11-2018 - 08:31 AM | Doanh nghiệp

Thương vụ bán vốn 79% vốn của Vinaconex có giá trị gần 9.000 tỷ đồng, phần nào cho thấy giá trị của doanh nghiệp. Cùng với nhà đầu tư mới, Vinaconex sẽ tiến hành tái cơ cấu lại bộ máy, trở thành doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

Sau khi buổi đấu giá cổ phần Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HNX: VCG, Vinaconex) của SCIC và Viettel thành công, ông Đỗ Trọng Quỳnh, Tổng giám đốc của VCG đã chia sẻ về thương vụ này, cùng những dự định của Vinaconex trong thời gian tới.

- Nhiều ý kiến cho rằng Vinaconex có giá cao là do đất, ông nghĩ như thế nào?

Theo tôi đây chỉ là ý kiến đấy phiến diện, Vinaconex là đơn vị hoạt động tốt ở mọi lĩnh vực. Tài sản đất đai cộng ra là 3,2 triệu m2 đất nhưng thực tế không phải nhiều như vậy. Có một số khu công nghiệp mới chỉ cho thuê được hạ tầng, gần 200ha nhưng cứ cộng vào đó thôi. Hay như có những đất trường dạy nghề hầu như không có học sinh, chưa phát huy được tại Bỉm Sơn, Xuân Hòa. Các nhà đầu tư đánh giá giá trị ở đất, nhưng đó chỉ là một phần. Một phần còn lại là từ năng lực hoạt động của Vinaconex thực hiện công tác đầu tư, xây lắp tốt.. Con người tại Vinaconex, thương hiệu của Vinaconex cũng có giá trị lâu và nhiều bạn hàng tin cậy. Tổng hòa mọi thứ tạo nên giá trị của Vinaconex, là yếu tố để nhà đầu tư rót vốn.

- Sau khi SCIC hoàn tất chuyển giao vốn (57,71% vốn VCG) cho nhà đầu tư trúng giá, Vinaconex sẽ không còn là doanh nghiệp Nhà nước, công ty đã có những chuẩn bị như thế nào?

Việc Vinaconex chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang doanh nghiệp có vốn ngoài Nhà nước có ý nghĩa đặc biệt. Từ khi thành lập với hai bàn tay trắng, sau hơn 30 năm, các thế hệ của Vinaconex đã tạo nên thương hiệu của Tổng công ty, thể hiện qua giá cổ phiếu đấu thành công thu về cho Nhà nước hơn 7.000 tỷ đồng, đóng góp cho việc xây dựng đất nước.

Về tâm tư của các cán bộ Vinaconex, chúng tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần từ cách đây nhiều năm trước, vì việc tái cấu trúc này trước sau cũng diễn ra. Chúng tôi phải đón nhận nó. Mong muốn của cán bộ công nhân viên và người lao động Vinaconex là nhà đầu tư mới sẽ sát cánh cùng Vinaconex, xây dựng doanh nghiệp, mặc dù đơn vị ngoài quốc doanh nhưng vẫn giữ được đà phát triển, giữ được giá trị và thương hiệu của Vinaconex. Đồng thời, mong muốn các nhà đầu tư mới sẽ đảm bảo được công ăn việc làm và quyền lợi của cán bộ công nhân viên Vinaconex.

- Ông có thể chia sẻ thêm về chiến lược đầu tư phát triển của Vinaconex khi có nguồn lực từ nhà đầu tư mới?

Thời gian tới, tôi nghĩ Vinaconex sẽ làm tốt hơn với cơ chế thông thoáng hơn, quyết định nhanh gọn hơn và với nguồn lực lớn của nhà đầu tư mới. Những nhà đầu tư tham gia mua cổ phần của Vinaconex chắc chắn sẽ có năng lực tài chính rất lớn. Cùng khả năng thực hiện dự án, đầu tư, sản xuất vật liệu công nghiệp, sẽ hỗ trợ cho Vinaconex phát triển.

- Ông có tin tưởng rằng những nhà đầu tư mới này có đủ năng lực để giúp Vinaconex phát triển?

Tôi tin tưởng. Những nhà đầu tư đã bỏ tới cả ngàn tỷ đồng thì họ phải tự lượng sức mình và sẽ tham gia cùng Vinaconex chứ không bỏ cọc.

- Ông có lo lắng khi nhà đầu tư mới nắm quyền chi phối doanh nghiệp và sẽ tái cơ cấu nhân sự như Sabeco?

Chúng tôi cũng lo, nói không lo là không đúng. Nhưng lúc đó quyền là của các ông chủ sở hữu mới, nếu họ vẫn tin tưởng ban lãnh đạo, Tổng giám đốc thì chúng tôi vẫn cố gắng làm việc. Chúng tôi làm việc cũng không phải chỉ vì riêng chủ sở hữu mà còn vì quyền lợi, công ăn việc làm và phát triển nghề nghiệp, trình độ của nhiều tầng lớp cán bộ công nhân viên.

Có một cái khó là chuyển đổi từ Nhà nước sang ngoài Nhà nước thì tâm tư tình cảm đều dao động. Ngày trước làm để công hiến cho Nhà nước nhưng bây giờ cống hiến cho một ông chủ cụ thể nào đó thì tâm lý cũng không được như ngày xưa. Nhưng chúng tôi đều phải xác định từ đầu năm, việc đó là tất yếu và phải thích nghi với nó. Chủ sở hữu mới nào thì chúng tôi đều phải làm tròn trách nhiệm và phấn đấu thì chủ đầu tư mới sẽ tôn trọng những con người Vinaconex. Vinaconex sẽ vẫn là Vinaconex. Còn nếu chúng ta đối kháng, không làm tốt thì thậm chí chủ sở hữu mới có thể xóa tên của Vinaconex, đừng nói là Tổng giám đốc.

- Ông là lãnh đạo của Vinaconex cống hiến cho doanh nghiệp nhiều năm qua, nếu như ông không được làm nữa khi nhà đầu tư mới kiểm soát doanh nghiệp, ông cảm thấy như thế nào?

Nói không buồn thì không đúng, cũng phải buồn. Vì cả một thời 30 năm các thế hệ gắn bó với Vinaconex, cống hiến thời gian trí tuệ sức lực. Trong công việc cán bộ công nhân viên đang làm tốt, phấn đấu công hiến cho Vinaconex. Tôi đang làm bí thư Tổng công ty. Nhưng chủ sở hữu mới có dùng mình hay không là cả một câu chuyện. Nếu họ dùng mình thì mình vẫn còn trách nhiệm với anh em, gắn bó với anh em.

- Theo ông thì cần có phương án tái cơ cấu như thế nào để Vinaconex phát triển?

Theo tôi, cơ cấu, bộ máy hiện nay của Vinaconex cũng là hợp lý. Nhưng chủ sở hữu mới có quan điểm riêng, họ sẽ sắp xếp lại, tinh giản thêm, bổ nhiệm vị trí để bộ máy của Vinaconex hoạt động trơn tru và hiệu quả hơn, tốt hơn. Ngày xưa thời gian còn là doanh nghiệp Nhà nước thủ tục mất thời gian, nhiều người phải làm. Với chủ sở hữu mới thì người ta sẽ quyết rất nhanh gọn, họ sẽ cần những người phù hợp của việc này. Tôi nghĩ chủ sở hữu mới chỉ cần vi chỉnh một chút, không cần thay đổi quá nhiều. Vì Vinaconex vốn là tốt rồi.

Xin cảm ơn ông.

Theo Lê Hải

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên