Tổng giám đốc WTO- ông Roberto Azevedo: Con ngỗng ngồi yên sẽ bị bắt
“Xu hướng bảo hộ của các nước tăng lên bằng các biện pháp phi thương mại, như chống bán phá giá, tem, nhãn; kiểm dịch… Tham gia WTO cũng như các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam được hỗ trợ, tránh được nhiều tác động xấu. Như con ngỗng, nếu ngồi yên thì sẽ bị bắt”- TGĐ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ông Roberto Azevedo nói khi đối thoại với DN trong lần đầu tiên đến Việt Nam hồi giữa tháng 4.
Thực tế để tìm cơ hội
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong buổi đối thoại với ông Roberto Azevedo chia sẻ rằng: Gia nhập WTO là sức ép để Việt Nam sửa đổi, điều chỉnh khung khổ pháp luật, chính sách thương mại, đầu tư, từ “theo nhu cầu quản lý” của Việt Nam sang “tuân thủ các tiêu chuẩn” của thế giới. Đó cũng là động lực để Việt Nam chuyển dần từ phương thức quản lý Nhà nước can thiệp hành chính sang phương thức quản lý Nhà nước kiến tạo - tôn trọng quyền tự do kinh doanh, theo quy luật thị trường.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, dù rất nhiều kỳ vọng, nhưng gần 10 năm qua, Việt Nam cũng đã bỏ lỡ nhiều cơ hội trên “chuyến tàu” WTO. Đó là tăng trưởng không đạt được kỳ vọng; nền nông nghiệp còn lạc hậu; cơ cấu xuất khẩu có vấn đề... Ông Lộc cho rằng: “Phải chăng, nhóm đối tượng thu nhập thấp, dễ bị tổn thương nhất trong xã hội là nông dân dường như đã không được lợi hoặc đang chịu áp lực lớn từ hội nhập?”.
Hay, mũi nhọn xuất khẩu vẫn sử dụng nhiều tài nguyên, nông nghiệp, gia công thâm dụng lao động; nhập siêu lớn và tăng mạnh trong thời kỳ sau WTO. “Phải chăng xuất khẩu mang lại giá trị gia tăng thấp, dựa trên các lợi thế không bền vững, không tạo động lực cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cho thấy các DN sản xuất của Việt Nam đã không tận dụng được cơ hội của WTO”- ông Lộc đặt vấn đề.
Theo TGĐ WTO Azevedo, trong phát triển thương mại, mấu chốt là phải thực dụng, thực tế để tìm cơ hội. “Nếu chúng ta tìm ra thị trường, nhưng lợi nhuận bị bào mòn thì hiệp định như thế không nên tham gia. Nếu lo sợ chậm trễ hội nhập, thì bạn nên tìm những hiệp định phù hợp để đàm phán”- ông Azevedo nói.
“Việt Nam chưa tận dụng tốt các không gian, cơ hội của WTO. Trong 10 năm qua, có những lúc ngập ngừng thay đổi về thể chế, nhưng nợ công lớn như thế, DN không thể lớn lên được, nông nghiệp vẫn tiểu nông… Nếu hài lòng với quá trình đó, thì 10 năm sau vẫn thế. Do vậy, phải tăng tốc, chứ không ngập ngừng được nữa, phải vươn tới chuẩn mực của thế giới, kể cả Chính phủ và DN và không còn con đường nào khác”.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc
Theo ông, trong WTO, không có việc giảm thuế trong thời gian gần và trong hệ thống thương mại đa phương cũng không thấy giảm mạnh về thuế quan. Còn các hiệp định trong khu vực thường giảm thuế quan về 0%. Nên khi đàm phán, các bạn phải “biết nó sẵn trong đầu rồi”. Tuy nhiên, theo ông Azevedo, hiện các hiệp định thương mại thế hệ mới (như TPP), ngoài thuế quan, còn nhiều vấn đề như: Khung pháp lý, chính sách cạnh tranh… khiến công thức tính toán phức tạp hơn; nên các nước phải tìm cách duy trì sức cạnh tranh của mình.
Ông cũng lưu ý về “sức khỏe” của các DN vừa và nhỏ Việt Nam khi hội nhập. Theo ông, mức chênh lệch 5-10% về thuế là một con số rất lớn với DN vừa nhỏ, và họ khó có thể hấp thụ được cú sốc lớn như các DN nghiệp lớn. Nếu họ tham gia vào các dòng thương mại này, phải cạnh tranh về mặt giá cả.
TGĐ WTO cũng quan ngại tình trạng quan liêu khi hỗ trợ DN nhỏ. Ông cho biết, các DN lớn có thể thuê người làm các giấy tờ, thủ tục, nhưng DN nhỏ thường phải tự làm, và chi phí hậu cần đắt đỏ hơn. “DN nhỏ cũng không có nguồn vốn lớn, trong khi với thương mại quốc tế cần rất nhiều vốn tài trợ, thư bảo lãnh…”- ông Azevedo nói.
Theo TGĐ WTO, xu hướng bảo hộ của các nước tăng lên bằng các biện pháp phi thương mại, như chống bán phá giá, tem, nhãn; kiểm dịch thực, động vật… Việc tham gia WTO cũng như các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam được hỗ trợ, tránh được nhiều tác động xấu. “Như con ngỗng, nếu ngồi yên thì sẽ bị bắt đi”- ông ví von.
Nói về cách xử lý bị các nước kiện chống bán phá giá, ông Azevedo nói rằng, khi gia nhập WTO, ngoài trách nhiệm, “anh phải biết quyền lợi của mình, nếu không thì có cũng như không”. “Với DN thậm chí họ không biết các biện pháp được áp đặt đó không phù hợp với cam kết WTO hay không. Việc này ở Brazil từng xảy ra. Vì thế, Brazil đã thành lập một bộ phận, không chỉ khởi kiện quốc gia khác, còn phổ biến thông tin, kiến thức cho các chuyên gia luật trong nước… thậm chí sang tận trụ sở của WTO tại Geneva dự họp… Khi chúng ta không biết những quyền gì, thì làm sao mà kiện được người ta”- ông Azevedo nói.
Doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp sức, để không bỏ lỡ nhiều cơ hội khi hội nhập. Ảnh: Quốc Tuấn.
Dạy Kiếm tiền thay vì cho tiền
Tại buổi đối thoại, chia sẻ về những vấn đề bị “bỏ lỡ” của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, đôi khi chúng ta quá khắt khe khi đánh giá về mình. Chúng ta có thể hỏi ông TGĐ WTO, để thấy rằng Việt Nam là một trong những nước thành công nhất nhờ WTO… Trong 10 năm qua, Việt Nam xuất khẩu tăng 3 lần, từ chưa đến 50 tỷ USD (năm 2006) đến trên 160 tỷ USD (năm 2015).
Theo ông Khánh, một điều luôn bị phê bình là thể chế, môi trường kinh doanh của ta chậm đổi mới, nhưng cũng phải thừa nhận rằng, chúng ta đã có thay đổi rất cơ bản. Ông nói: “Trước năm 2006, anh muốn nhập ô tô, xe máy phải xin giấy phép nhập khẩu, quota, nhưng nay đâu cần. Bây giờ, chúng ta coi việc trước khi ban hành các nghị định, thông tư phải lấy ý kiến người dân, DN là đương nhiên, nhưng trước khi vào WTO thì không có chuyện đương nhiên đó”.
Về xuất khẩu, ông Khánh cho biết, đúng là tỷ trọng của DN Việt trong xuất khẩu đang giảm xuống. “Chúng ta hoan nghênh DN FDI, vì họ tạo ra công ăn việc làm, tạo năng lực xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu chưa có gắn kết với DN trong nước, sự thành công của DN FDI chưa gắn với sự thành công của DN nội”- ông Khánh nói.
Thứ trưởng Khánh cũng cho rằng: Đôi khi DN ta nghĩ rằng, cái cốc này tôi làm được, tôi bán giá rẻ cho anh dùng, sao lại mang DN khác đến để làm cho anh cái cốc này. Điều đó chưa đúng. Để làm nhà cung ứng các công ty lớn như Samsung, Intel, Microsoft… có rất nhiều tiêu chuẩn, đó là chất lượng, thời gian giao hàng, bảo đảm về môi trường, quyền lợi người lao động, sở hữu trí tuệ… Trừ khi chúng ta làm được điều đó, còn không thì chúng ta khó tham gia chuỗi của các DN lớn. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, từ chỗ không có nhà sản xuất trong nước nào đáp ứng được, nay đã có DN cung ứng được cho Samsung, đó là điều đáng mừng và hy vọng tăng lên.
Ông Khánh cũng đề cập việc hỗ trợ DN lâu nay của Việt Nam chưa đúng cách. “Chúng ta chỉ tập trung cho tiền vốn, cho vay lãi suất thấp, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước. Nhưng nước ngoài họ bày cho cách kiếm tiền hơn là cho tiền. VCCI gần đây đã thiên về đào tạo nâng cao năng lực tài chính, cách kiếm tiền cho DN. Đây là hướng đi tốt. Cái DN cần đôi khi không phải tiền, mà kiến thức, để trụ vững khi hội nhập và kinh doanh tốt”- ông Khánh nói.
Chia sẻ về chuỗi liên kết với DN FDI, TGĐ WTO Azevedo cho rằng: “Nếu anh từ chối Samsung, họ sẽ đi nước khác. Nhưng muốn làm vệ tinh, DN nội phải nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là chất lượng lao động. Lúc đầu là lắp ráp, rồi công nghiệp hỗ trợ, cung ứng cho công ty lớn, rồi dần dần phát triển kỹ năng, kỹ thuật… Muốn làm thế, không thể một sớm một chiều được đâu, cần kiên nhẫn một thời gian lâu dài”.
Tiền phong