MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng kết thị trường tháng 8: Thép giảm giá ngày thứ 8 liên tiếp, nhiều mặt hàng cũng giảm sâu

01-09-2018 - 08:48 AM | Thị trường

Thị trường hàng hóa thế giới khép lại phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8/2018 với giá dầu quay đầu giảm, thép giảm phiên thứ 8 liên tiếp, cà phê cũng giảm mạnh và chỉ một số ít mặt hàng tăng trong đó có vàng. Tuy nhiên, tính chung cả tháng 8, xu hướng giá hoàn toàn trái ngược.

Phiên 31/8/2018 trên thị trường thế giới, yếu tố tác động mạnh nhất tới nhiều thị trường quan trọng là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 31/8/2018 đã dọa sẽ rút Mỹ ra khỏi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và áp thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc ngay khi thời gian khảo sát ý kiến người dân về vấn đề này kết thúc vào tuần tới.

Dầu giảm vì lại dấy lên lo ngại cuộc chiến thương mại

Giá dầu thô giảm trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8/2018 khi thị trường lại dấy lên lo ngại cuộc chiến thương mại toàn cầu có thể làm giảm nhu cầu năng lượng, mặc dù việc Mỹ trừng phạt Iran và sản lượng của Venezuela sụt giảm ngăn giá dầu giảm sâu.

Dầu Brent chốt phiên cuối cùng của tháng 8 giảm 35 US cent xuống 77,42 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 45 US cent xuống 69,80 USD/thùng. Tuy nhiên, tính cả tháng 8/2018 thì dầu Brent vẫn tăng 4,3% trong khi dầu WTI tăng 1,5% vì nhiều phiên tăng giá mạnh do sản lượng của Venezuela giảm nhanh và xuất khẩu từ Iran cũng giảm khi thời điểm Mỹ trừng phạt Tehran vào tháng 11/2018 không còn bao xa.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang triển khai kế hoạch áp thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào tuần tới. Cho đến nay Mỹ đã áp thuế bổ sung 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc. Nếu đợt áp thuế mới lần thứ ba được triển khai thì khoảng một nửa hàng hóa Mỹ nhập của Trung Quốc sẽ chịu các mức thuế bổ sung.

Trong khi đó, số giàn khoan ở Mỹ - chỉ báo về sản lượng trong tương lai – đã tăng tuần đầu tiên trong vòng 3 tuần, theo thống kê của công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes. Số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, sản lượng dầu thô nước này trong tháng 6/2018 đã lên 10,674 triệu thùng/ngày, cao kỳ lục lịch sử. Xuất khẩu dầu thô Mỹ tăng gần 200.000 thùng mỗi tháng, lên kỷ lục mới 2,2 triệu thùng/ngày, nhiều gấp đôi tháng 6/2017.

Sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) cũng tăng 220.000 thùng/ngày trong tháng 8/2018.

Vàng tăng do căng thẳng thương mại

Giá vàng tăng trong phiên vừa qua mặc dù USD mạnh lên. Các nhà đầu tư trên thị trường vàng cũng lo ngại về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sau tuyên bố mới đây của Tổng thống Mỹ.

Vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.200,7 USD/ounce, vàng giao tháng 12/2018 tăng 1,7 USD (0,1%) lên 1.206,7 USD/ounce.

Tuy nhiên, tính cả tháng 8 thì vàng vẫn giảm gần 2% vì nhiều phiên mất giá, điển hình là ngày 16/8/2018 đã xuống mức thấp nhất 19 tháng khi chỉ còn 1.159,96 USD/ounce. Tính từ đầu năm tới nay, vàng đã giảm hơn 7% mặc dù hồi phục tới 4% chỉ trong nửa cuối tháng 8/2018.

Bạc và bạch kim giảm mạnh trong tháng 8, riêng palađi tăng lớn

Bạc giảm 0,4% trong phiên vừa qua, xuống 14,48 USD/ounce, tính chung cả tuần giảm 2% và trong tháng 8 giảm hơn 6%. Bạc vừa lập "kỷ lục" có giá đóng cửa phiên cuối tháng thấp nhất kể từ tháng 11/2016.

Palađi tăng 1,8% trong phiên vừa qua, lên 982,6 USD/ounce, tính chung trong tuần qua cũng như trong tháng 8/2018 đều tăng hơn 6%. Tuy nhiên, tháng 8/2018 cũng đánh dấu giá palađi có "kỷ lục" giá đóng cửa phiên cuối tháng thấp nhất kể từ tháng 1/2017.

Bạch kim giảm 0,6% xuống 784,20 USD/ounce trong phiên vừa qua, tính chung cả tháng 8/2018 giảm hơn 5%.

Khí gas tăng tuần thứ 3 liên tiếp

Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay trên thị trường châu Á tăng tuần thứ 3 liên tiếp do nhu cầu vững từ Nhật Bản và Hàn Quốc để bổ sung vào kho dự trữ (bị cạn kiệt vì mùa hè năm nay khá nóng) trong khi việc giao hàng từ Brunei bị chậm trễ. LNG kỳ hạn giao tháng 10/2018 tuần này tăng 10 US cent so với tuần trước.

Thép giảm phiên thứ 8 nhưng cả tháng 8/2018 vẫn tăng nhẹ

Giá thép tại Trung Quốc đã giảm 8 phiên liên tiếp do lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang. Thép cây kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn Thượng Hải giảm 1,1% xuống 4.086 CNY (598 USD)/tấn. Tuy nhiên, tính chung cả tháng 8/2018, giá vẫn tăng 2,5%, nhờ có lúc lên cao nhất 7 tuần (4.418 CNT hồi tuần trước).

Có thông tin rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị đẩy mạnh cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và đã nới với trợ lý của mình răng ông sẵn sàng áp thuế sớm đối với hơn 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vì thời hạn chót dự kiến vào tuần tới.

Thông tin trên làm lu mờ những yếu tố tác động tích cực của thị trường thép. Đó là việc Trung Quốc tiếp tục chiến dịch chống ô nhiễm môi trường một cách quyết liệt, và tồn trữ thép cây của các thương gia nước này trong tuần qua ở mức 4,12 triệu tấn, chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức thấp nhất 6 tháng (4,09 triệu tấn hồi giữa tháng 8/2018).

Cà phê giảm 8-10% trong tháng 8

Đồng real Brazil trượt giá khiến giá cà - mặt hàng mà Brazil giữ vị trí thống trị trên thị trường thế giới - liên tục sụt giảm.

Giá cà phê arabica giao tháng 12/2018 giảm 0,85 US cent tương đương 0,8% xuống 1,018 USD/lb, gần chạm mức thấp nhất 12 năm là 99,35 US cent hồi tuần trước, và tính chung trong tháng 8/2018 giảm 10%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2016. Robusta giao cùng kỳ hạn cũng giảm 21 USD tương đương 1,4% xuống 1.501 USD/tấn, tính chung cả tháng 8 giảm 8,3%, nhiều nhất kể từ tháng 4/2017.

Về triển vọng mặt hàng này, hãng Volcafe Ltd nhận định "Mặc dù nội tệ của một số nước sản xuất cà phê lớn trên thế giới yếu đi giúp tăng lợi nhuận cho các nhà xuất khẩu, song chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất như phân bón tăng lên (vì tính theo USD) có thể ảnh hưởng tới sản lượng vụ 2019/20".

Cao su giảm giá

Giá cao su tại Tokyo quay đầu giảm theo xu hướng tại Thượng Hải. Hợp đồng giao tháng 2/2019 giảm 0,2 JPY xuống 173,7 JPY (1,57 USD)/kg, tính chung cả tuần giảm 1,3%. Cao su giao tháng 1/2019 trên sàn Thượng Hải cùng phiên cũng giảm 110 CNY xuống 12.360 CNY (1.809 USD)/tấn.

Hiện cao su tại Tokyo vẫn quanh mức giá thấp nhất gần 22 tháng vì tồn trữ ở các nước tiêu thụ như Trung Quốc và Nhật Bản đều tăng, mặc dù có tin sản lượng trong tháng 8/2018 sụt giảm ở nhiều nơi.

Xuất khẩu cao su Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay ước tính đạt 866.918 tấn, trị giá 1,21 tỷ USD, khối lượng tăng so với 803.783 tấn cùng kỳ năm ngoái nhưng trị giá giảm so với 1,38 tỷ USD. Nhập khẩu trong cùng kỳ ươc đạt 384.065 tấn, trị giá 705 triệu USD, so với lần lượt 342.213 tấn và 715 triệu USD cùng kỳ năm 2017.

Bông giảm 8% trong tháng 8

Giá bông kỳ hạn giao tháng 12/2018 trên sàn New York kết thúc phiên cuối tháng giảm nhẹ 0,04 US cent tương đương 0,05% xuống 88,22 US cent/lb sau khi giao dịch trong khoảng 82,06 US cent tới 82,97 US cent trong ngày. Tuy nhiên, tiinhs chung cả tuần vừa qua, giá đã giảm 0,7%, và trong tháng 8/2018 giảm mạnh 8%. Các thương gia trên thị trường bông cũng theo dõi sát tình hình áp thuế hàng hóa của nhau giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ là nước xuất khẩu bông lớn nhất thế giới, trong khi Trung Quốc là nước tiêu thụ bông hàng đầu.

Rau củ Trung Quốc tiếp tục tăng

Như tin đã đưa, khu vực Sơn Đông của Trung Quốc bị ngập lụt nặng do mưa bão. Giá rau tại Trung Quốc tiếp tục tăng, tác động tới cả những nước lân cận (có thương mại rau củ với Trung Quốc). Lúc này đang là mùa giao thời của mặt hàng rau, khi rau mùa Hè ít dần nhưng rau mùa Thu Đông chưa nhiều. Bão lũ đúng thời điểm đó khiến giá cả càng thêm đắt đỏ vì đa số các loại rau khó bảo quản lâu.

Tại Sơn Đông, giá rau trung bình đã tăng tiếp 2-4 CNY (0,29 – 0,59 USD)/kg chỉ trong một tuần qua, trong đó rau xanh tăng khoảng 6 CNY (0,88 USD), một số loại thậm chí tăng 20 CNY/kg. Rau mùi hiện có giá tới 100 CNY (14,64 USD)/kg.

Bão lũ đã khiến cho khoảng 30% các hầm chứa gừng tươi bị ngập. Sau khi nước thoát, việc bảo quản gừng trở nên khó khăn hơn và rất dễ bị thối rữa. Do đó nông dân không muốn trữ hàng nữa mà vội vã bán ra, do đó nguồn cung gừng tươi trên thị trường đang tăng đột biến, trong khi gừng trong các kho dự trữ giảm mạnh. Hiện gừng bán trên thị trường chủ yếu là gừng bảo quản, nhưng chi phí bảo quản tương đối cao nên những thương nhân không có kho lưu trữ lớn không muốn mua gừng vào vì trừ đi chi phí bảo quản thì lãi không còn bao nhiêu. Nói chung, khi được giá là nông dân bán đi.

Giá một số mặt hàng chủ chốt cập nhật sáng ngày 01/9

Tổng kết thị trường tháng 8: Thép giảm giá ngày thứ 8 liên tiếp, nhiều mặt hàng cũng giảm sâu - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên