Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc: Sẽ kiểm toán giá điện nếu được yêu cầu
Trả lời báo chí bên hành lang Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định sẽ vào cuộc kiểm toán giá điện, nếu được Chính phủ hoặc Quốc hội giao.
- 22-05-2019Chủ tịch EVN phản hồi thông tin 'giá điện không phải tăng 8,36%'
- 22-05-2019“Kiểm toán Nhà nước cần vào cuộc làm rõ giá điện để dân yên tâm“
Những ngày qua, trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã có kiến nghị cho rằng Báo cáo giải trình về tăng giá điện của EVN có nhiều điểm chưa thuyết phục, đặc biệt về cơ sở tăng giá điện.
Tại phiên thảo luận ở tổ về kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội đã kiến nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc để kiểm toán giá điện và công bố công khai, minh bạch thông tin.
Cụ thể, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng Chính phủ đã có giải trình về cơ sở tính giá điện, nhưng cần làm rõ hơn để người dân yên tâm. Đại biểu đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm toán lại giá điện và giá xăng dầu xem có đúng như đề xuất của các cơ quan hay không.
Trước kiến nghị của đại biểu Quốc hội, trao đổi với báo chí bên hành lang Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, Kiểm toán Nhà nước muốn vào cuộc phải cần có 3 điều kiện.
Một là, theo kế hoạch kiểm toán hằng năm đã được Quốc hội thông qua. Hai là theo yêu cầu của đơn vị kiểm toán. Ba là làm theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, đợt này, nếu Chính phủ và Quốc hội yêu cầu Kiểm toán Nhà nước kiểm toán giá điện thì sẽ bố trí lực lượng để kiểm toán theo yêu cầu. Trong trường hợp Chính phủ không yêu cầu, nhưng Quốc hội có yêu cầu, thì Kiểm toán Nhà nước vẫn vào cuộc.
Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cũng trình bày báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Theo báo cáo, kiểm toán đã kiểm tra thuế của 4.150 DN ngoài quốc doanh đã truy thu cho ngân sách 3.411 tỷ đồng. Kiểm toán, đối chiếu 329 dự án đất khu đô thị đã kiến nghị xử lý tài chính 7.778 tỉ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi NSNN 3.856 tỉ đồng, kiến nghị địa phương xem xét xử lý 3.911 tỉ đồng.
Kiểm toán tài nguyên giai đoạn 2014-2016, Kiểm toán Nhà nước đã xác định truy thu thuế tài nguyên tăng thêm 560,6 tỉ đồng và kiến nghị xử lý 1.177,9 tỉ đồng....
Kết quả kiểm toán năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính 92.600 tỉ đồng, trong đó, tăng thu, giảm chi cho NSNN 44.466 tỉ đồng. Qua đối chiếu thuế 2.969 DN ngoài quốc doanh tại 43 địa phương, Kiểm toán Nhà nước xác định tăng thu NSNN 1.684,6 tỉ đồng, kiến nghị giảm lỗ 3.341,5 tỉ đồng.
Cũng theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, doanh nghiệp có quyền khởi kiện nếu kết luận kiểm toán sai.
Lao động