Tổng quan hàng không châu Á: Cơ hội thuộc về giá rẻ
Bối cảnh châu Á hiện nay lại rất thuận lợi để các hãng hàng không giá rẻ phát triển nhờ sự nổi lên của nhóm dân số có thu nhập trung bình.
- 22-03-2017Thái Lan 4.0: Ngôi sao trong ngành công nghiệp hàng không Đông Nam Á
- 06-03-2017Hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ dự báo cái chết của "nữ hoàng bầu trời"
- 26-02-2017Lọt top những khoản đầu tư lớn nhất, cổ phiếu Apple và hàng không giúp Buffett thắng lớn
Hội nghị Đầu tư Invest ASEAN 2017 do Tập đoàn Maybank Kim Eng tổ chức vừa diễn ra thành công trong hai ngày 21-22 tháng 3 tại khách sạn Ritz Carlton Singapore, thu hút hơn 800 đại biểu. Hội nghị có sự tham gia của đại diện 49 tập đoàn đến từ Thái Lan, Malaysia, Philippine, Indonesia, Singapore và Việt Nam với tổng giá trị vốn hóa là 129,7 tỷ USD và 126 quỹ đầu tư trên toàn cầu với tổng tài sản quản lý lên tới 18.000 tỷ USD.
Tại hội nghị, chuyên gia phân tích Mohshin Aziz của Maybank KimEng đã trình bày tham luận có tiêu đề “Asia Aviation – Going low cost” nói về bức tranh của ngành hàng không châu Á ở thời điểm hiện tại cũng như những tiềm năng phát triển trong tương lai.
Tổng quan năm 2016
2016 là năm mà ngành hàng không châu Á ghi nhận nhiều kỷ lục với lợi nhuận ròng đạt 7,3 tỷ USD. Nhu cầu tăng trưởng 9,2% so với năm ngoái, cao hơn mức tăng trưởng 8,1% của nguồn cung. Hệ số tải (load factor – tức tỷ lệ lấp đầy các chỗ ngồi trên máy bay) ở mức cao kỷ lục 80%. Chi phí cũng giảm do giá nhiên liệu giảm và năng suất tăng. Năm 2015 là năm đầu tiên kể từ 2010, ngành hàng không châu Á ghi nhận dòng tiền tự do dương.
Tuy nhiên, diễn biến ở từng thị trường là khác nhau. Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc tăng trưởng tốt trong khi Australia, Ấn Độ, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore phát triển chậm.
Tính từ tháng 1/2016 đến nay, các cổ phiếu hàng không châu Á tăng trưởng trung bình 7,7% với 11 cổ phiếu tăng, 16 cổ phiếu giảm. Tăng mạnh nhất là cổ phiếu AirAsia X và Thai Airways (đều là 117%). AirAsia X là công ty “chị em” của hãng hàng không giá rẻ AirAsia, tập trung vào các chuyến bay chặng trung và dài.
Những yếu tố ảnh hưởng đến ngành hàng không châu Á và cơ hội cho hàng không giá rẻ
Có 4 yếu tố sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành hàng không nói chung: tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng dân số, tốc độ đô thị hóa và cơ cấu dân số.
Theo số liệu thống kê, giữa tốc độ tăng trưởng lưu lượng đi lại bằng đường hàng không và tốc độ tăng trưởng GDP có mối quan hệ tỷ lệ thuận. Xét trên khía cạnh này, châu Á có được lợi thế khi là khu vực có nền kinh tế tăng trưởng tốt, nhiều thị trường mới nổi thuộc loại tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Quá trình đô thị hóa vẫn là cỗ máy tạo động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế. Sau khi tăng trưởng liên tục từ năm 1975 tới nay, hiện số dân sống ở thành thị chiếm khoảng 48,8% tổng dân số của các nước ASEAN.
Trong khi các nước như Mỹ, Nhật Bản và tính chung cả châu Âu đều đã vượt qua “điểm vàng” 66%, hầu hết các nước châu Á nói chung và ASEAN nói riêng đều đang ở dưới. Tỷ trọng dân số thành thị trên tổng dân số của cả ASEAN là 49%.
Về tốc độ tăng trưởng dân số và cơ cấu dân số, ASEAN được dự báo sẽ sớm nối gót Trung Quốc và Ấn Độ khi tỷ lệ tăng trưởng dân số ngày càng giảm. Tỷ lệ sinh cũng giảm mạnh, nhưng hiện vẫn ở mức 2,33 – cao hơn so với tỷ lệ thay thế là 2,1.
Trên thực tế, già hóa dân số không phải là vấn đề của riêng châu Á, và dân số châu Á sẽ ngày càng già hơn. Theo số liệu của Liên hợp quốc, hiện độ tuổi trung bình của Trung Quốc và Thái Lan là 38, Việt Nam là 33, Indonesia là 31. Ấn Độ và Philippines có dân số khá trẻ với độ tuổi trung bình lần lượt là 28 và 24 tuổi.
Trong vòng 2-3 năm tới, độ tuổi trung bình của các nước ASEAN sẽ lớn hơn 30 do tỷ lệ sinh giảm đồng thời người châu Á có xu hướng kết hôn và sinh con muộn hơn để theo đuổi sự nghiệp cũng như tích lũy tài sản. Đây lại là nhóm di chuyển bằng máy bay ít nhất.
Thống kê cho thấy những người trong độ tuổi 18 đến 30 là nhóm bay nhiều nhất (trung bình 4,7 lần/năm), nhóm từ 46 đến 65 di chuyển trung bình 4,2 lần/năm và nhóm từ 31 đến 45 là 3,6 lần/năm.
Như vậy, đối với hàng không châu Á, chỉ có duy nhất yếu tố tăng trưởng kinh tế sẽ đem lại những tác động tích cực.
Tuy nhiên, bối cảnh châu Á hiện nay lại rất thuận lợi để các hãng hàng không giá rẻ phát triển. Yếu tố thuận lợi hàng đầu là sự nổi lên của nhóm dân số có thu nhập trung bình. Theo dự đoán của OECD, đến năm 2030, quy mô của nhóm này sẽ tăng lên mức 4,9 tỷ người so với 1,8 tỷ năm 2009. Trong đó châu Á là khu vực tăng trưởng nhanh nhất (tăng 83,7%).
Đối với những người có thu nhập trung bình đặt yếu tố giá cả lên hàng đầu và không cần nhiều tiện nghi, rõ ràng hàng không giá rẻ là sự lựa chọn hàng đầu. Đây cũng là điểm giải thích cho việc cổ phiếu của AirAsia - hình mẫu cho hàng không giá rẻ - tăng trưởng vượt bậc như đã đề cập ở trên.