Tổng quan thị trường, sản xuất và nhập khẩu xe máy 2017
Kể từ 1/1/2018 thuế nhập khẩu xe máy về 0%, tuy nhiên giá xe máy nhập khẩu vẫn ở mức cao bởi nguồn cung khan hiếm do không nhập tiếp trong khi nhu cầu mua sắm tăng cao trong dịp cận tết Nguyên đán Mậu Tuất.
Cụ thể, như tại Thành phố Hồ Chí Minh, xe máy nhập khẩu nguồn cung hạn chế, cùng với đó giá bán cũng biến động, thậm chí một số cửa hàng không công bố giá xe cụ thể hoặc chỉ ước chừng giá và cao hơn so với thời điểm tháng 12/2017. Ví dụ, như xe Honda Vario 150 được nhập khẩu trực tiếp từ Indonesia với giá bán bao gồm thuế và thủ tục đăng ký ra biển số tại Tp.Hồ Chí Minh ở mức 63,5 triệu đồng, tăng 2,5 triệu đồng so với tháng 12/2017.
Theo Nghị định 116/2017, từ ngày 1/1/2018, thuế nhập khẩu ô tô và xe máy từ các nước ASEAN (chủ yếu từ Thái Lan và Indoensia) sẽ giảm về 0% với điều kiện áp dụng là tỷ lệ nội địa hóa của xe phải đạt từ 40%, tuy nhiên với dòng sản phẩm xe máy nhập khẩu tư nhân thì không thể có đủ điều kiện trên.
Về nhập khẩu, theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ, kim ngạch nhập khẩu xe máy và linh kiện, phụ tùng của Việt Nam trong tháng 11/2017 đạt 42,4 triệu USD, tăng 2,2% so với tháng 10 – đây là tháng có mức tăng trưởng thứ hai liên tiếp, nâng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này 11 tháng đầu năm 2017 lên 414,4 triệu USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Biểu đồ kim ngạch nhập khẩu xe máy và linh kiện phụ tùng tính từ đầu năm đến tháng 11/2017
ĐVT: USD
(Nguồn số liệu: thống kê sơ bộ TCHQ)
Biểu đồ trên cho thấy, kể từ đầu năm đến hết tháng 11/2017 kim ngạch nhập khẩu xe máy và linh kiện, phụ tùng luôn ở mức tăng trưởng, trong đó tháng 8 là tháng có kim ngạch cao nhất 43,4 triệu USD nhưng chỉ tăng 5,1% so với tháng 7, nhưng tháng 3 tuy kim ngạch chỉ đạt 41,5 triệu USD lại có mức tăng mạnh nhất tăng 19,4%. Ở chiều ngược lại, kim ngạch giảm mạnh ở tháng đầu năm 2017, giảm 24,3% tương ứng với 30,3 triệu USD.
Về tình hình sản xuất, theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho biết, tổng doanh số bán hàng của các thành viên VAMM năm 2017 đạt trên 3,2 triệu xe, tăng gần 5% so với năm 2016.
Cụ thể, trong quý 4/2017, thành viên của VAMM là Công ty Honda Việt Nam, Công ty Piaggio Việt Nam, Công ty Suzuki Việt Nam, Công ty SYM Việt Nam và Công ty Yamaha Motor Việt Nam đã bán ra 899.461 chiếc xe máy. Tổng doanh số bán hàng năm 2017 của VAMM là 3.272.373 xe, tăng 4,8% so với năm 2016.
Theo VAMM, doanh số bán hàng là tổng lượng bán ra của cả 5 thành viên tại thị trường Việt Nam, không phải là số sản xuất và không bao gồm số lượng xuất khẩu.
Hiện tại, 5 thành viên VAMM đang cung cấp cho thị trường Việt Nam các dòng sản phẩm đa dạng bao gồm các dòng xe số, xe tay ga, xe tay côn và xe thể thao.
Với số lượng xe máy trung bình bán ra xấp xỉ 2 triệu xe/năm, Việt Nam hiện đang là một trong những thị trường xe máy lớn không chỉ trong khu vực mà trên cả thế giới. Hiện tại, Việt Nam có sự góp mặt của khoảng 10 thương hiệu, bao gồm các sản phẩm lắp ráp trong nước và nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước khác trong khu vực.
Vinanet