MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng tài sản 813 doanh nghiệp Nhà nước đang sở hữu trị giá hơn 4 triệu tỷ đồng

14-10-2024 - 07:16 AM | Doanh nghiệp

Chính phủ đã có báo cáo Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) trong phạm vi toàn quốc năm 2023. Qua tổng hợp báo cáo của 813 DN cho thấy, đến hết năm 2023, tổng tài sản DN sở hữu trị giá hơn 4 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm.

Tổng số nợ phải trả hơn 2 triệu tỷ đồng

Chính phủ cho biết, tổng doanh thu năm 2023 của các DNNN đạt 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2022, lãi phát sinh trước thuế đạt 217.788 tỷ đồng, giảm 13% so với năm trước. Có 93/813 DN có tổng số lỗ phát sinh 33.794 tỷ đồng. Ngoài ra, có 169/813 DN lỗ lũy kế với tổng số 116.692 tỷ đồng. Tổng số nợ phải trả của các DN lên đến hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm 2023.

Tổng tài sản 813 doanh nghiệp Nhà nước đang sở hữu trị giá hơn 4 triệu tỷ đồng- Ảnh 1.

Lợi nhuận sau thuế của EVN âm 23.529 tỷ đồng, giảm lỗ 2.969 tỷ đồng so với năm 2022. (Ảnh minh họa)

Tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Chính phủ thông tin, năm 2023, sản lượng khai thác dầu đạt 10,41 triệu tấn và khai thác khí đạt 7,47 tỷ m3. Doanh thu của DN đạt 550.437 tỷ đồng - giảm 29.222 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, nhưng vượt 33% so với kế hoạch đề ra. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của tập đoàn đạt 56.389 tỷ đồng, giảm 19.708 tỷ đồng so với cùng kỳ 2022.

Tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Công ty mẹ EVN là 436.867 tỷ đồng, giảm 14.712 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu do tài sản cố định giảm. Tổng doanh thu của Công ty mẹ EVN đạt 420.470 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 23.529 tỷ đồng, giảm lỗ 2.969 tỷ đồng so với năm 2022. Theo Chính phủ, EVN “tiếp tục lỗ” là do ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino, nước hồ thủy điện rất thấp, nắng nóng trên diện rộng kéo dài; giá các loại nhiên liệu vẫn ở mức cao; giá bán lẻ điện chưa đủ bù đắp chi phí… Tính chung, lợi nhuận sau thuế toàn EVN năm 2023 âm 26.772 tỷ đồng, tăng lỗ 6.025 tỷ đồng so với năm 2022.

Theo đánh giá của Chính phủ, 2023 là năm Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội (Viettel) đạt thành tựu trên tất cả các lĩnh vực viễn thông trong nước, viễn thông nước ngoài, chuyển đổi số, nghiên cứu sản xuất & logistics. Tổng doanh thu hợp nhất của tập đoàn đạt 172.520 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 46.331 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2022.

Tăng trách nhiệm đại diện chủ sở hữu vốn

Đối với Tổng Công ty hàng không Việt Nam (VNA), Chính phủ cho biết, tổng doanh thu năm 2023 của Công ty mẹ VNA là 69.849 tỷ đồng, đạt 100,7% so với kế hoạch được giao. Dẫu vậy, kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2023 công ty mẹ vẫn lỗ 4.798 tỷ đồng. Báo cáo tài chính nêu rõ, khoản phải trả đã quá hạn của VNA là 8.859 tỷ đồng, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 38.646 tỷ đồng. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Theo Chính phủ, mặc dù trong năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh của VNA có cải thiện, nhưng tình hình tài chính của VNA vẫn “đang trong tình trạng khó khăn”, tiếp tục phát sinh lỗ, âm vốn chủ sở hữu, tiềm ẩn nguy cơ cao ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp.

Đối với Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, năm 2023 có tổng doanh thu 8.895 tỷ đồng (tăng 8,9% so với năm 2022). Năm 2023, đơn vị đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ mới, xây dựng chính sách giá vé linh hoạt, nên doanh thu vận tải đường sắt tăng và năm thứ hai liên tiếp có lãi (năm 2022 lãi 6,2 tỷ đồng, năm 2023 lãi 24,83 tỷ đồng).

Chính phủ đánh giá, DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, là các doanh nghiệp đầu tàu, giữ vai trò chủ chốt trong những lĩnh vực mà DNNN tham gia, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển. Bên cạnh đó, một số DNNN chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần khác phát triển, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng.

Giải pháp được Chính phủ đề ra trong thời gian tới là tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý theo hướng: Nhà nước thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu theo phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và người đại diện chủ sở hữu vốn. Chính phủ nhấn mạnh, vốn nhà nước sau khi đã đầu tư tại doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp.

Chính phủ cũng nhấn mạnh đến vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn phải chịu trách nhiệm quản lý , theo dõi vốn nhà nước đầu tư tại DN thuộc phạm vi quản lý.

Theo Thành Nam

Tiền phong

Trở lên trên