Tổng thanh tra Chính phủ "bắt bệnh" doanh nghiệp Nhà nước
Theo Tổng thanh tra thì những tồn tại, hạn chế và những hậu quả đã xảy ra đối với doanh nghiệp nhà nước đều xuất phát từ báo cáo tài chính...
- 28-05-2018Một “điều kỳ lạ” về doanh nghiệp Nhà nước
- 28-05-2018Qua 5 năm, lương "sếp" doanh nghiệp Nhà nước thay đổi ra sao?
- 28-05-2018Vì sao giá trị của doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa thường cao hơn nhiều lần trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước?
Lỗ hay lãi đều báo cáo thiếu chính xác, đó là "bệnh" của doanh nghiệp nhà nước được Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nêu tại phiên giám sát tối cao chiều 28/5 của Quốc hội.
Nội dung giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2016, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức được 19 cuộc thanh tra tại các tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp nhà nước.
Qua đó kiến nghị thu hồi từ ngân sách nhà nước trên 1.000 tỷ đồng và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý trên 344.000 tỷ đồng. Cơ quan thanh tra cũng kiến nghị xử lý nhiều tập thể, cá nhân và chuyển sang cơ quan điều tra xem xét, xử lý 16 vụ với 17 đối tượng, đã khởi tố 7 vụ với 24 đối tượng.
Từ kết qủa thanh tranh, ông Khái nhận định báo cáo tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm cuối năm thường không chính xác, không phản ánh được tình hình vốn, tài sản nhà nước tại thời điểm báo cáo.
Báo cáo không trung thực, không đầy đủ mà khi công khai ra thì người tiếp cận, đặc biệt các nhà đầu tư, quản lý, hậu quả khó lường, Tổng thanh tra nhấn mạnh.
Theo Tổng thanh tra thì những tồn tại, hạn chế và những hậu quả đã xảy ra đối với doanh nghiệp nhà nước đều xuất phát từ báo cáo tài chính.
Ông Khái phân tích, nhiều trường hợp báo cáo thiếu chính xác nhưng không được phát hiện, tức là doanh nghiệp "bị bệnh" rồi nhưng bác sĩ không chẩn đoán, phát hiện được, không bóc tách được loại bệnh, và không có đơn thuốc thì bệnh càng ngày càng nặng thêm và đi đến phá sản là điều đương nhiên.
Ông Khái nêu thực tế qua thanh tra, một số đơn vị kinh doanh có hiệu quả thường không báo cáo hết, kể cả về thuế, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp này "thận trọng" giữ lại để làm nguồn dự phòng, để phòng khi rủi ro trong những năm tiếp theo, do đó báo cáo cũng không chính xác, ông Khái phân tích.
Còn đối doanh nghiệp bị lỗ, thất thoát, gây mất mát tài sản vốn nhà nước, theo Tổng thanh tra thì thường cố tình tạo ra những khoản lãi không có thật để tránh trách nhiệm, tiếp tục tìm cơ hội khắc phục.
Một số ít cán bộ trong ngành tài chính kế toán chuyên môn hạn chế, đạo đức nghề nghiệp chưa được trong sáng, hội nghề nghiệp đặc biệt là kế toán, kiểm toán, chưa giám sát được hoạt động nghề nghiệp này, chưa có chế tài xử lý nghiêm, do đó những sai sót hạn chế vẫn tiếp tục tiếp diễn, ông Khái nhận xét.
Tổng thanh tra chỉ rõ, sai lớn nhất là sai về hạch toán doanh thu chi phí, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nộp thuế không được hạch toán và không được hình thành đầy đủ trong báo cáo.
Trong giai đoạn giám sát, theo Tổng thanh tra thì đầu tư ra ngoài ngành rất mạnh, lấy vốn dài hạn sử dụng cho vốn ngắn hạn. Như vậy, mục đích cũng như đối tượng sử dụng vốn không đúng, làm cho tình hình tài chính phức tạp.
Phần giải pháp, ông Khái cho rằng phải có một cơ chế khuyến khích lãnh đạo các doanh nghiệp, đặc biệt là tổng giám đốc, khi điều hành, quản lý, sử dụng vốn, tổ chức kinh doanh có lãi hơn mức bình thường thì phải có một cơ chế động viên.
Nếu sai thì xử lý trách nhiệm nhưng làm ăn có lãi nhiều mà không có thái độ rõ ràng thì tôi nghĩ không khuyến khích được lãnh đạo doanh nghiệp, Tổng thanh tra bày tỏ quan điểm.
Vneconomy