MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng Thanh tra Chính phủ nói về chống lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách, sân sau

26-03-2023 - 12:43 PM | Xã hội

Thanh tra Chính phủ cho rằng cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong quy trình xây dựng pháp luật

Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Đoàn Hồng Phong vừa có trả lời kiến nghị cử tri TP Hải Phòng về việc rà soát, điều chỉnh, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống các văn bản về công tác phòng chống tham nhũng; đồng thời có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội nhằm hạn chế sự tác động tiêu cực của "nhóm lợi ích", "sân sau", "tham nhũng chính sách", "tư duy nhiệm kỳ" để ngăn chặn nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, pháp luật.

Về hoàn thiện, đồng bộ hệ thống các văn bản về công tác phòng, chống tham nhũng, TTCP cho biết Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã bổ sung các quy định khắc phục một số hạn chế, bất cập như mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập; thêm một số loại tài sản, thu nhập phải kê khai; kê khai không trung thực có thể bị buộc thôi việc; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và người liên đới trách nhiệm nếu xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị...

Tổng Thanh tra Chính phủ nói về chống lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách, sân sau - Ảnh 1.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong vừa có trả lời kiến nghị cử tri TP Hải Phòng

Theo TTCP, hệ thống văn bản về công tác phòng, chống tham nhũng cơ bản đã hoàn thiện và đồng bộ, tuy nhiên để công tác này ngày càng hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ khác nhau. Trước hết, rà soát, xác định rõ những cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội còn thiếu chặt chẽ, sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ nảy sinh tham nhũng. Hoặc những khâu, lĩnh vực quản lý còn buông lỏng dẫn đến những cán bộ, công chức thoái hoá, biến chất...

Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; tập trung khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ. Cơ quan thanh tra cũng lưu ý cần tăng cường kiểm tra công tác quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước; kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm.

Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh kiểm soát quyền lực để phòng, chống "lợi ích nhóm", "tham nhũng chính sách", "sân sau"... trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng, trọng tâm nằm ở khâu xây dựng, hoàn thiện thể chế. Đây là một trong những khâu đột phá chiến lược trong mục tiêu phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Để thực hiện tốt mục tiêu này, TTCP cho rằng cơ quan soạn thảo cần thực hiện đúng các trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là tiến hành việc tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động của chính sách, đánh giá thủ tục hành chính đầy đủ, có chất lượng. Xây dựng chính sách minh bạch, cụ thể, rõ ràng, đồng bộ, thống nhất, đúng thẩm quyền, không có lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, bảo đảm thể chế hóa đúng chủ trương, đường lối của Đảng.

Cùng với đó, tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan tham gia thẩm tra. Các cơ quan này cần phải được tăng cường hơn nữa, đặc biệt về số lượng thành viên hoạt động chuyên trách; tăng cường vai trò, trách nhiệm của thường trực các cơ quan này trong công tác thẩm tra, nhất là các bước thẩm tra sơ bộ trước khi thẩm tra chính thức.

Theo Tổng TTCP, hoạt động thẩm tra cần công khai, huy động sự tham gia của các đại biểu quốc hội, sự theo dõi của báo chí, tổ chức xã hội, của nhân dân, qua đó giám sát hoạt động thẩm tra, bảo đảm hoạt động này diễn ra minh bạch, khách quan.

Thời gian tới, cơ quan thanh tra đề nghị nâng cao trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong quy trình xây dựng pháp luật. Xây dựng thể chế là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất nên cần phải coi kết quả hoạt động xây dựng pháp luật, chất lượng luật được xem xét, thông qua là một trong các tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong quy trình xây dựng pháp luật.

Đồng thời, cần nâng cao đạo đức, giáo dục chính trị - tư tưởng cho cán bộ, công chức, đảng viên, để phòng, chống "lợi ích nhóm", tham nhũng từ hoạch định chính sách. Ngoài ra, tăng cường các kênh, các hoạt động giám sát đối với hoạt động xây dựng pháp luật như hoạt động giám sát của Đảng đối với công tác lập pháp, hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thực thi pháp luật; hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, giám sát của báo chí và nhân dân.

Theo Minh Chiến

nld.com.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên