Tổng thống Biden vừa có động thái lịch sử với hy vọng "hạ gục" đà tăng giá dầu
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa tuyên bố giải phóng lượng dầu dữ trữ lớn chưa từng có trong lịch sử, động thái nhằm hạ nhiệt giá dầu trước một kỳ nghỉ lễ lớn.
- 22-11-2021Triển vọng giá dầu, vàng tuần 22 - 26/11
- 19-11-2021Cách người Nhật Bản 'chống chọi' với giá xăng dầu và mọi thứ tăng cao: Đi bộ, tự trồng rau, hủy bỏ các chuyến du lịch
- 19-11-2021Chưa cần hành động, chỉ bằng lời nói ông Biden đã hạ nhiệt giá xăng dầu như thế nào?
- 13-11-2021Giá xăng dầu tăng không ngừng và nguyên nhân khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden "bó tay"
Theo Nhà Trắng, Bộ Năng lượng Mỹ sẽ giải phóng 50 triệu thùng dầu từ kho Dự trữ Dầu mỏ chiến lược, đợt xả kho lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tuy nhiên, ngày 23/11, Tổng thống Joe Biden đã khẳng định động thái này của chính quyền "sẽ không giải quyết được vấn đề giá khí đốt cao trong một sớm một chiều".
"Sẽ mất thời gian nhưng chẳng bao lâu nữa, các bạn sẽ thấy giá xăng giảm xuống. Và trong dài hạn, chúng ta sẽ giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ khi chuyển sang năng lượng sạch", Tổng thống Biden nhấn mạnh.
Động thái của Mỹ nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tác dụng của nó có thể bị hạn chế. Năm 2019, Mỹ sử dụng trung bình khoảng 20,5 triệu thùng dầu mỗi ngày. Vào năm 2020, lượng dầu tiêu thụ trung bình của Mỹ giảm xuống còn 18,1 triệu thùng/ngày. Dẫu vậy, nguyên nhân tới từ đại dịch chứ không phải Mỹ tìm ra nguồn năng lượng thay thế.
Các thùng dầu liên quan đến thông báo mới nhất của Chính quyền Biden sẽ chưa xuất hiện trên thị trường cho đến trung tuần tháng 12.
"Chúng tôi phải hành động. Phần lớn lý do khiến người Mỹ phải đối mặt với giá khí đốt cao là do các nước xuất khẩu và các công ty lớn không gia tăng nguồn cung đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu. Khi nguồn cung ít hơn, đồng nghĩa với việc giá sẽ cao hơn trên toàn thế giới", ông Biden nói tại Nhà Trắng.
Trong đợt xả kho này, nhiều nước bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Vương quốc Anh sẽ phối hợp với Mỹ. Các quan chức tin rằng nỗ lực phối hợp có thể có nhiều tác động hơn trong việc hạ giá xăng dầu. Tính tới cuối tuần trước, Mỹ đang có 604,5 triệu thùng dầu trong các kho dự trữ chiến lược.
Việc xả kho của Mỹ cũng diễn ra trong bối cảnh Nhà Trắng phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ lạm phát, điều khiến người Mỹ thất vọng và tức giận. Tổng thống Biden thì nói rằng việc tăng giá là vấn đề chung của Mỹ và cả thế giới đồng thời nhấn mạnh dù giá cả tăng đột biến chỉ là tạm thời nhưng Mỹ sẽ không ngồi yên chờ giá tự giảm.
Nhà Trắng cũng công bố kế hoạch đưa 32 triệu thùng dầu trở lại kho dự trữ trong những tháng tới và phần còn lại sẽ được đưa trở lại kho "trong những năm tới".
Thực tế, Tổng thống Biden đã được các cố vấn cho biết động thái xả kho sẽ không có nhiều tác động. Tuy nhiên, đây có thể là biện pháp cứu trợ tạm thời. Ngoài ra, ông Biden cũng có thể giải phóng nhiều hơn nữa dầu dự trữ.
Trong khi đó, gia tăng khai thác dầu của Mỹ có thể giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, động thái này sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới hình ảnh của Tổng thống. Ông Biden mới thúc giục thế giới hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu Liên Hợp Quốc COP26 và khẳng định Mỹ sẽ dẫn đầu tiến trình này bằng các sáng kiến về năng lượng sạch.
Tuy nhiên, động thái này có thể là một tín hiệu mà Mỹ muốn gửi tới các nước OPEC và Nga rằng Washington đang rất nghiêm túc hiện thực hóa việc giảm giá nhiên liệu, qua đó thúc ép các nhà xuất khẩu dầu gia tăng sản lượng. Tuy nhiên, nhiều nước đã từ chối, bao gồm Saudi Arabia, một đồng minh thân cận của Mỹ.