Tổng thống Macron tuyên bố giải tán Quốc hội: Cơn địa chấn chính trường Pháp
Hôm qua (9/6), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố giải tán Quốc hội để tổ chức tổng tuyển cử sớm sau khi đảng Phục hưng cầm quyền ở Pháp thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Quyết định của ông Macron đã gây ra một “cơn địa chấn” đối với chính trường Pháp.
- 10-06-2024Ông Macron giải tán quốc hội Pháp trước nguy cơ thất bại bầu cử lớn
- 09-06-2024Lệnh trừng phạt bất hợp pháp góp phần khiến thị trường thế giới mất cân bằng
- 05-06-2024Mỹ triển khai 2 biện pháp để chặn bước tiến của Nga ở Ukraine
- 05-06-2024Nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới ghi nhận tỷ lệ sinh thấp kỷ lục, 8 năm giảm liên tiếp: Quan chức lập tức ra biện pháp để giữ ổn định kinh tế xã hội
Trong tuyên bố giải tán quốc hội và kêu gọi bầu cử lập pháp sớm vào cuối tháng này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh:
“Sau khi tiến hành các cuộc tham vấn như quy định tại Điều 12 trong Hiến pháp, tôi quyết định trao lại cho các bạn quyền lựa chọn cho tương lai quốc hội của chúng ta bằng một cuộc bỏ phiếu. Và vì vậy, tôi quyết định giải tán Quốc hội. Quyết định này rất nghiêm túc, khó khăn, nhưng trên hết là một hành động tin tưởng - tin tưởng vào các bạn, đồng bào của tôi, vào khả năng của người dân Pháp trong việc đưa ra lựa chọn công bằng nhất cho chính mình và cho thế hệ tương lai, tin tưởng vào nền dân chủ của chúng ta, để tiếng nói có thể được trao cho những người có quyền quyết định. Điều này tốt hơn bất kỳ sự sắp xếp, bất kỳ giải pháp bấp bênh nào - đây là thời điểm cần phải làm rõ”.
Quyết định của Tổng thống Macron được đưa ra trong bối cảnh, đảng Phục hưng cầm quyền ở Pháp nhiều khả năng sẽ gặp thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu. Theo kết quả thăm dò đáng tin cậy sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu diễn ra ở Pháp hôm 9/6, đảng trung hữu Phục hưng của ông Macron dự kiến chỉ giành được từ 14,8 - 15,2% phiếu bầu. Đây được coi là kết quả dự đoán khá thất vọng vì Đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) của phe đối lập do bà Marine Le Pen lãnh đạo dự kiến giành từ 31,5 - 33% số phiếu bầu. Đảng Xã hội về thứ 3 với 14 % số phiếu bầu. Kết quả này đồng nghĩa với việc phe đối lập ở Pháp sẽ có tiếng nói trong các quyết định liên quan tới các chính sách của EU.
Một bộ phận người dân Pháp tỏ ra sốc trước thông báo của Tổng thống Emmanuel Macron khi lo ngại sự trỗi dậy của phe cực hữu theo chủ nghĩa dân tộc. Tuy nhiên, bà Marine Le Pen, lãnh đạo Đảng cực hữu Tập hợp quốc gia ở Pháp hoan nghênh quyết định tổ chức tổng tuyển cử sớm của ông Macron. Nữ chính trị gia đối lập cũng bày tỏ sẵn sàng làm Thủ tướng nếu đảng của bà giành chiến thắng trong các cuộc bỏ phiếu sắp tới.
Trong khi đó, ông Jordan Bardella - Chủ tịch Đảng cực hữu Tập hợp quốc gia khẳng định các con số trong cuộc bầu cử vừa qua đã thể hiện rõ quyết tâm của người dân Pháp:
“Với việc chúng tôi nhận được hơn 30% số phiếu bầu, người Pháp đã gửi thông điệp rõ ràng tới Tổng thống Emmanuel Macron và các nhà lãnh đạo châu Âu về sự thay đổi, đánh dấu sự quyết tâm của Pháp trong việc thay đổi hướng đi của EU”.
Giới phân tích nhận định, quyết định giải tán Quốc hội sớm của Tổng thống Macron được coi là “canh bạc lớn” khi đặt cược quyền quyết định vào người dân Pháp. Trong trường hợp suôn sẻ, liên minh của ông giành lại đa số ghế ở quốc hội. Tuy nhiên, trong kịch bản không mong muốn, nếu Đảng cực hữu Tập hợp quốc gia chiến thắng, lãnh đạo đảng là ông Jordan Badella hoặc bà Marine Le Pen có thể trở thành Thủ tướng, đưa nước Pháp vào tình trạng “chung sống chính trị” và 3 năm cuối trong nhiệm kỳ của ông Macron sẽ thật sự không dễ dàng.
VOV