Tổng thống Obama và chuyện không có cầu thang ở Hàng Châu
Câu chuyện này cũng ít nhiều thể hiện những gam màu sáng tối trong mối quan hệ Mỹ Trung – mối quan hệ được cho là quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới hiện nay.
- 15-08-2016Mỹ cắn quả đắng “đầu tư Trung Quốc”
- 11-08-2016Lời khuyên của Khổng Tử cho quan hệ thương mại Mỹ - Trung
- 18-05-2016Mỹ tăng thuế thép Trung Quốc gấp hơn 5 lần
Đưa tin về các hội nghị quốc tế luôn là công việc rất vất vả cực nhọc đối với các phóng viên. Những tranh luận về lịch trình nghị sự diễn ra ở phía sau những cánh cửa đóng kín và nhiều tuần trước khi các cuộc họp chính thức diễn ra. Những thỏa thuận cuối cùng lại được miêu tả bằng những từ ngữ chung chung và đã được chau chuốt rất kỹ để tất cả các bên đều có thể chấp nhận. Phóng viên chỉ nhìn thấy những nụ cười ngoại giao và những cái nắm tay chặt chẽ thay vì những căng thẳng bất đồng trước đó.
Tại hội nghị G20 khai mạc ngày 4/9 vừa qua tại Hàng Châu, các phóng viên lại được chứng kiến một khởi đầu hiếm hoi đi ngược lại với các khuôn mẫu thường thấy. Sau khi máy bay của các nguyên thủ hạ cánh xuống đường băng, cầu thang được trải thảm đỏ sẽ chào đón họ. Tuy nhiên khi chiếc Air Force One của Tổng thống Mỹ Barack Obama đáp xuống, cầu thang trang trọng không xuất hiện. Thay vào đó ông phải bước ra từ bụng máy bay với chiếc cầu thang nhỏ và trơ khung kim loại.
Thêm vào đó, một quan chức Trung Quốc ngăn cản phóng viên đứng chụp ảnh ông Obama và đã có một cuộc xô xát nho nhỏ. “Đây là đất nước của chúng tôi, sân bay của chúng tôi”, vị này hét vào mặt các nhà báo khi bị phản đối. Sau đó người này còn chặn bà Susan Rice (cố vấn an ninh cấp cao của ông Obama) khi bà cố gắng vượt qua hàng rào cảnh vệ để gia nhập đoàn xe hộ tống Tổng thống. Những tranh cãi giữa giới chức Trung Quốc và một số nhân viên Nhà Trắng tiếp tục nổ ra với những câu quát tháo và hành vi xô đẩy.
Không chỉ đoàn đại biểu Mỹ, các nước khác cũng gặp phải nhiều rắc rối khi họ bước vào khách sạn, địa điểm họp và trung tâm báo chí. Tuy nhiên, sự vắng mặt của chiếc cầu thang trải thảm đỏ khi tiếp đón ông Obama được nhắc đến nhiều nhất.
Trước thềm hội nghị, Trung Quốc đã liên tiếp nhắc lại cam kết sẽ đảm bảo công tác tổ chức để sự kiện diễn ra tốt đẹp và trơn tru. An ninh được thắt chặt, các nhà máy cách đó vài trăm km cũng bị buộc phải đóng cửa để có một bầu không khí trong sạch. Trường học và công sở đóng cửa để đường phố bớt đông đúc. Thế nhưng tại sao Trung Quốc lại để lọt một nghi lễ hết sức cơ bản?
Có thể giải thích lý do đơn giản là đã có sự hiểu nhầm tai hại ở sân bay. Theo New York Times, vào phút chót Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ phải sử dụng cầu thang do phía Trung Quốc cung cấp thay vì cầu thang mà Mỹ đem theo như thường lệ. Tuy nhiên Mỹ đã từ chối vì người lái xe không nói được tiếng Anh. Về phần mình, ông Obama cho rằng báo giới đã “nâng tầm vấn đề”, rằng ông cảm thấy hoàn toàn thoải mái trước sự đón tiếp này.
Tuy nhiên, câu chuyện này cũng ít nhiều thể hiện những gam màu sáng tối trong mối quan hệ Mỹ Trung – mối quan hệ được cho là quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới hiện nay. Đó là mối quan hệ giữa siêu cường số một thế giới và quốc gia đang ngày càng mạnh lên, được cho là sẽ soán ngôi bá chủ thế giới.
Trên chính trường, chiến lược “xoay trục châu Á” của ông Obama là để nâng cao mối quan hệ giữa Mỹ và châu lục này. Thậm chí chiến lược này được cho là một nỗ lực kiềm chế sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á.
Còn trên thương trường, hai bên cũng có nhiều hiềm khích. Thị trường Trung Quốc – vốn chưa bao giờ nhiệt tình chào đón các nhà đầu tư nước ngoài – đặc biệt khắt khe với Mỹ. Các công ty Trung Quốc trở thành những đối thủ đáng gờm của tập đoàn Mỹ. Mỹ cũng đáp trả bằng cách tăng thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Không thể phủ nhận chuyện xét trên một số khía cạnh thì mối quan hệ Mỹ Trung đã có nhiều cải thiện trong một vài năm trở lại đây. Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ tiếp tục tăng, làm chất keo kết dính hai nền kinh tế. Hiện có hơn 300.000 sinh viên Trung Quốc đang du học ở Mỹ và sẽ là cầu nối giúp phát triển mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Năm 2014, hai nước đạt được đồng thuận về cắt giảm khí thải nhà kính và đây là tiền đề cho thỏa thuận về biến đổi khí hậu toàn cầu ở Paris năm ngoái. Là hai nước có lượng khí thải nhiều nhất, sự bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn là trở ngại lớn nhất đối với nỗ lực chống biến đổi khí hậu của toàn thế giới.
Bản thân việc Trung Quốc là nước chủ nhà cũng là một bước tiến lớn. Năm 2005, Robert Zoellick, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã hối thúc Trung Quốc hãy trở thành một thành viên có trách nhiệm hơn trong hệ thống quốc tế.
Khi ông Obama và ông Tập Cận Bình bắt tay nhau tại lễ khai mạc G20, cả hai đều nở nụ cười trên gương mặt. Nói rằng đó là biểu hiện cho thấy mối quan hệ Mỹ Trung đã cải thiện đáng kể thì không chính xác, nhưng có thể chắc chắn hình ảnh ông Obama bước xuống sân bay Hàng Châu bằng cầu thang đơn xơ, từ bụng chiếc Air Force Once sẽ là hình ảnh rất khó quên.