Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - "Kẻ trừng phạt" được dân chúng mến mộ
Dư luận quốc tế nhìn vào ông Duterte với sự e dè nhưng đằng sau những lời nói bốc đồng lại là những chiến thuật khôn ngoan. Kết quả thăm dò mới nhất cho thấy ông nhận được tỷ lệ ủng hộ rất cao, tới gần 90%.
- 12-10-2016Doanh nghiệp Philippines chen nhau theo ông Duterte sang Trung Quốc
- 04-10-2016Tổng thống Philippines: Ông Obama "có thể chết đi được rồi"
- 26-09-2016Nhà đầu tư nước ngoài "nháo nhào" rút vốn khỏi Philippines vì tân Tổng thống
Dù mới chỉ nhậm chức khoảng 100 ngày ngắn ngủi, ông Rodrigo Duterte của Philippines đã tạo ra nhiều tin tức hơn cả số tin tức mà một số người tiền nhiệm của ông tạo ra trong suốt nhiệm kỳ. Vị tân Tổng thống triển khai một cuộc chiến chống ma túy đẫm máu, đe dọa sẽ rũ bỏ mối quan hệ đồng minh với Mỹ và khiến dư luận quốc tế sửng sốt với những lời chỉ trích có phần thô lỗ nhắm thẳng vào Tổng thống Mỹ Barack Obama hay Liên hợp quốc. Ông được coi là “Donald Trump của châu Á” hay thậm chí tự ví mình với Adolf Hitler.
Tuy nhiên, dường như ẩn sau vẻ ngoài bốc đồng ấy lại là một chính trị gia từng trải khôn ngoan lọc lõi, người đã bất ngờ giành được chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử hồi tháng 5. Phong cách của ông là sự pha trộn giữa tính dân nguyện của chính trị cánh tả, phảng phất một chút tính cách mạnh mẽ có phần độc đoán (như những gì các đối thủ chính trị của ông đã mô tả) và lối nói khoa trương giật gân.
“Người dân Philippines đánh giá cao những điều ông Duterte cam kết, còn các nhà quan sát quốc tế lại đang tập trung quá nhiều vào những lời phát biểu lạ lùng”, Richard Javad Heydarian, một chuyên gia phân tích chính trị nhận xét. Ông cho rằng ở Tổng thống Philippines có tới 3 hình ảnh: một kịch sĩ, một kẻ trừng phạt và một chính trị gia lõi đời. Đó cũng chính là lý do khiến ông Duterte vẫn nhận được tỷ lệ ủng hộ cao ở trong nước nhưng lại khiến thế giới phải e dè.
Hôm 2/10, ông lên tiếng xin lỗi vì đã nói rằng bản thân sẽ “lấy làm vui mừng” nếu tiêu diệt được 3 triệu người nghiện và những kẻ buôn bán ma túy ở Philippines. 2 ngày sau đó ông lại khiến dư luận dậy sóng khi nói rằng ông Obama “hãy chết đi”, đồng thời dự đoán Manila sẽ đổi mối quan hệ liên minh quân sự với Mỹ lấy những thỏa thuận buôn bán vũ khí với Bắc Kinh hay Moscow. Thế nhưng kết quả thăm dò dư luận được công bố 2 ngày sau đó lại cho thấy 3/4 người dân Philippines hài lòng với những gì Tổng thống của họ đã thể hiện.
Những ai hiểu sâu về quê nhà của vị Tổng thống này sẽ tìm thấy một vài manh mối quan trọng để hiểu hơn về con người ông. Sinh ra và lớn lên ở Mindanao, một hòn đảo chứng kiến nhiều xung đột ở miền Nam Philippines, Rodrigo Duterte là con trai của Vincent Duterte, nguyên thị trưởng thành phố Davao từ năm 1959 đến 1965.
Cũng trở thành thị trưởng của Davao từ năm 1988 và đảm nhiệm cương vị này tới 20 năm, Rodrigo Duterte nổi danh nhờ chiến dịch trấn áp tội phạm và nhận được sự ủng hộ của đông đảo công chúng. Chiến dịch này cũng từng khiến các nhóm nhân quyền lo ngại và lên tiếng chỉ trích.
Một “mảnh ghép” tạo nên con người Duterte là những gì ông đã học được khi theo nghiệp luật sư và mối quan hệ thân thiết với những nhân vật chính trị cánh tả (một vài người trong số này đã trở thành Bộ trưởng trong nội các mới). Ngoài ra những lời hứa như sẽ khởi động lại các dự án đường sắt đang bị trì hoãn hay giảm thiểu tình trạng tắc đường đều là thứ mà người dân luôn mong đợi và do đó giúp vị Tổng thống mới có thể chạm đến trái tim người dân.
Ông Duterte cũng luôn gọi tiến trình hòa bình ở đảo Midanao (vốn là trung tâm của cuộc xung đột ly khai kéo dài 40 năm ở Philippines) là ưu tiên số một và đang cố gắng tận dụng những quan hệ đã có từ trước với các lãnh đạo của phe nổi dậy. Rõ ràng vị tân Tổng thống đã được hưởng lợi khi chiến dịch tranh cử của ông đánh trực tiếp vào những rắc rối khổng lồ mà bấy lâu nay các đời lãnh đạo chưa thể giải quyết.
“Tôi biết là có điều gì đó không đúng. Nhưng chúng tôi phải làm gì đó, và phải thật cứng rắn”, một người dân Philippines đã nói như vậy khi được hỏi về chiến dịch chống ma túy đẫm máu đang quét qua đất nước. Theo ước tính đã có hơn 3.000 người chết mà một nửa trong số này bị giết mà không qua quá trình đưa ra tòa xét xử.
Với những quan điểm như vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên khi sự nghiệp chính trị của ông Duterte vẫn tiếp tục khởi sắc. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cũng phải đối mặt với rủi ro bị nhấn chìm bởi những phát ngôn ngông cuồng và những canh bạc chính trị quá ư mạo hiểm. Bây giờ vẫn đang là “tuần trăng mật ngọt ngào” sau khi nhậm chức và là quãng thời gian để ông Duterte xây dựng những nền móng đầu tiên cho nhiệm kỳ 4 năm. Vẫn còn rất nhiều thời gian và trước một vị lãnh đạo không kiên định như vậy, công chúng có thể “vỡ mộng” bất cứ lúc nào.