Tổng thống Putin cho phép coi báo chí nước ngoài là tình báo
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 25-11 ký đạo luật cho phép các nhà chức trách nước này liệt cơ quan báo chí nước ngoài vào danh sách “đặc vụ nước ngoài” và phải tiết lộ các nguồn tài chính.
- 11-11-2017Cái bắt tay vui vẻ của ông Trump và Putin tại Việt Nam
- 10-11-2017Nhà Trắng: Ông Trump và ông Putin không gặp riêng ở APEC
- 10-11-2017Không chỉ ông Trump, ông Putin cũng mang theo vali có sức mạnh khủng khiếp tới Việt Nam
- 10-11-2017Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Việt Nam tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC
- 07-11-2017Tổng thống Putin chỉ đạo dành ra 5 triệu USD hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bão Damrey
Hãng tin Sputnik dẫn nội dung đạo luật cho biết những cơ quan báo chí nhận hỗ trợ tài chính từ chính phủ hoặc tổ chức nước ngoài có thể bị coi là đặc vụ nước ngoài. Bộ Tư pháp Nga sẽ quyết định cơ quan báo chí nào là "đặc vụ nước ngoài".
Theo hãng tin Reuters, động thái này nhằm đáp trả điều mà Moscow cho là sức ép không thể chấp nhận của Mỹ đối với các phương tiện truyền thông Nga.
Luật mới được lưỡng viện của Quốc hội Nga nhanh chóng thông qua trong 2 tuần vừa qua. Một bản của luật này được đăng lên cơ sở dữ liệu pháp luật trực tuyến của chính phủ Nga hôm 25-11, nêu rõ nó có hiệu lực kể từ ngày công bố.
Hành động của Nga nhắm vào truyền thông Mỹ xuất phát từ các cáo buộc nói rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2016 theo hướng có lợi cho ông Donald Trump.
Cụ thể, đài CNN cho biết Kênh truyển hình Russia Today (RT) và Sputnik cũng bị chỉ mặt trong báo cáo của tình báo Mỹ về việc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái.
RT bị cáo buộc truyền các thông điệp chiến lược của chính phủ Nga với mục đích gây ảnh hưởng chính trị và thổi bùng bất mãn tại Mỹ.
Các quan chức tình báo Mỹ đã cáo buộc Điện Kremlin sử dụng các tổ chức truyền thông Nga để gây ảnh hưởng đến cử tri Mỹ, và Washington đã buộc đài RT của nhà nước Nga phải đăng ký văn phòng đặt ở Mỹ dưới tư cách "đặc vụ nước ngoài".
Điện Kremlin nhiều lần phủ nhận can thiệp vào cuộc bầu cử và nói những hạn chế đối với các đài của Nga tại Mỹ là một cuộc tấn công nhắm vào tự do ngôn luận.
Tuần trước, Bộ Tư pháp Nga công bố danh sách gồm 9 hãng tin được Mỹ tài trợ mà họ nói là có thể bị ảnh hưởng bởi những thay đổi này. Bộ này nói rằng họ đã viết thư thông báo cho Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) và Đài châu Á Tự do/Đài Tự do (RFE/RL) do chính phủ Mỹ tài trợ cùng với bảy cơ quan tin tức tiếng Nga hoặc tiếng địa phương do RFE/RL điều hành.
Tom Kent, Giám đốc RFE/RL, nói rằng vẫn còn quá sớm để suy đoán về hiệu ứng của luật mới. Tuy nhiên trước đây, vào giữa tháng 9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo Moscow sẽ trả đũa nếu Mỹ có hành động chống lại RT và Sputnik.