Tổng thống Trump chuẩn bị khơi mào cuộc chiến thương mại với EU
Một báo cáo mới cho thấy Chính quyền Trump sẽ áp thuế nhập khẩu vào thép và nhôm từ Liên minh châu Âu (EU) sau khi các cuộc đàm phán tìm giải pháp thay thế thất bại.
- 29-05-2018Ngành nông nghiệp có lịch sử vài trăm năm này của Mỹ đang có nguy cơ sụp đổ vì chiến tranh thương mại
- 23-05-2018Tổng thống Trump: Không có thỏa thuận nào với Trung Quốc về ZTE, không hài lòng với các cuộc đàm phán thương mại
- 21-05-2018Mỹ tuyên bố “tạm dừng” cuộc chiến thương mại với Trung Quốc
- 21-05-2018Đồng USD - "Con dao hai lưỡi" của Mỹ trong chiến tranh thương mại
- 19-05-2018Phải chăng Mỹ đang quá khắt khe với Trung Quốc trong các chính sách thương mại của mình?
Theo WSJ, công bố chính thức về mức thuế mới áp vào thép và nhôm nhập khẩu từ EU vào Mỹ sẽ được đưa ra sớm nhất vào ngày 31/5 theo giờ địa phương. Nếu động thái này của Washington trở thành sự thực, EU chắc chắn sẽ đưa ra những biện pháp đánh thuế đáp trả nhằm vào hàng hóa Mỹ, đẩy châu Âu và Mỹ tới gần hơn với một cuộc chiến tranh thương mại.
Vài tháng trước, Tổng thống Trump công bố mức thuế 25% với thép và 10% với nhôm nhập khẩu, động thái khiến cả thế giới náo loạn. Ban đầu, ông Trump dường như muốn để cho EU và các đồng minh chủ chốt khác một lối thoát nhưng hạn chót đàm phán tìm giải pháp là ngày 1/5 đã trôi qua mà không có bất cứ dấu hiệu tích cực nào.
Sau khi các cuộc đàm phán với EU và các nước khác như Canada và Mexico không đạt được hiệu quả, ông Trump tiếp tục nhượng bộ bằng cách đẩy lùi hạn chót tới ngày 1/6. Tuy nhiên, EU và các nước thành viên từ chối đàm phán tới khi nào Tổng thống Trump đồng ý từ bỏ việc đe dọa đánh thuế. Đây là lý do khiến không có bất cứ thỏa thuận nào được đưa ra giữa Mỹ với những nước được gọi là đồng minh quan trọng.
Trong một sự kiện của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã chỉ trích các nước châu Âu không ngồi vào bàn đàm phán nhằm tìm giải pháp cho việc đánh thuế thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Ông Ross lấy Trung Quốc ra làm dẫn chứng cho việc đàm phán dưới áp lực của việc đánh thuế.
"Trung Quốc là ví dụ điển hình. Họ đang phải trả thuế vì chúng có hiệu lực từ tháng 3 nhưng không lấy đó làm cái cớ để không ngồi vào bàn đàm phán. Chỉ có EU khẳng định rằng họ không thể đàm phán nếu phải chịu việc áp thuế", ông Ross chỉ trích.
Việc đánh thuế của Mỹ chắc chắn sẽ gặp phải những phản ứng mạnh mẽ từ EU. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Theresa May dự kiến đưa ra tuyên bố chung trước hạn chót mà Tổng thống Trump đề ra.
"Liên minh châu Âu sẵn sàng bảo vệ lợi ích chính đáng của mình trong khuôn khổ các quy tắc thương mại đa biên", bộ ba lãnh đạo quyền lực bậc nhất châu Âu nhấn mạnh.
Nếu Mỹ đánh thuế thép và nhôm của EU, các biện pháp đáp trả có thể nhằm vào hàng loạt mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Mỹ như xe máy, quần bò hay rượu.
Ở thời điểm hiện tại, vẫn có thể tránh được cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và EU nếu đạt được thỏa thuận vào phút chót. Tuy nhiên, WSJ cho rằng khả năng này khó có thể xảy ra.