MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Tổng thống Trump” và chiếc cặp có thể hủy diệt kẻ thù ngay khi nước Mỹ chưa bị tấn công

30-11-2016 - 12:01 PM | Tài chính quốc tế

Tổng thống Mỹ không phải nhà độc tài nên bị Hiến pháp, Tòa án Tối cao và Quốc hội kiềm tỏa quyền lực nhưng vẫn được toàn quyền sử dụng mã phóng hạt nhân với sức hủy diệt chưa từng được biết tới.

Vũ khí hạt nhân luôn nằm hoàn toàn dưới quyền sử dụng của các tổng thống Mỹ. Trong cuộc phỏng vấn năm 2008, cựu phó tổng thống Mỹ Dick Cheney nhấn mạnh rằng: “Trong suốt 50 năm qua, Tổng thống nước Mỹ luôn được một phụ tá quân sự theo sát cùng chiếc cặp hạt nhân, cho phép người đứng đầu Nhà Trắng sử dụng vũ khí hủy diệt trong trường hợp nước Mỹ bị tấn công hạt nhân”.

Theo đó, Tổng thống Mỹ toàn quyền sử dụng các loại vũ khí hủy diệt với mức tàn phá chưa bao giờ được biết tới. Ông sẽ không phải thông qua ai hay báo cáo với bất cứ người nào khi sử dụng loại vũ khí này. Các tên lửa hạt nhân chiến lược sẽ được phóng đi mà không cần nhận được sự cho phép của Quốc hội hay Tòa án tối cao Mỹ.


Vali hạt nhân trứ danh của nước Mỹ. Ảnh: USA Today

Vali hạt nhân trứ danh của nước Mỹ. Ảnh: USA Today

Trên thực tế, quyền hạn của Tổng thống Mỹ còn rộng hơn so với những gì cựu phó tổng thống Cheney mô tả. Mỹ không cam kết không phải quốc gia đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân. Cụ thể, sau ngày 20/1/2017, ông Trump có thể sử dụng vũ khí hủy diệt để tấn công kẻ thù ngay cả khi nước Mỹ chưa bị tấn công hạt nhân.

Trong suốt cuộc đua vào Nhà Trắng, nhiều người lên tiếng chỉ trích tính khí thất thường của vị tỷ phú New York và cho rằng ông không phù hợp để giữ vali hạt nhân của nước Mỹ. Đối thủ của ông Trump, bà Hillary Clinton, khoét sâu thêm vấn đề bằng việc nhấn mạnh tổng thống Mỹ chỉ cần 4 phút để tấn công phủ đầu một quốc gia kể từ khi sử dụng mã hạt nhân. Nó quá nhanh để có thể ngăn chặn.

Kể từ thời điểm ông Trump đắc cử vào Nhà Trắng, không ai tiếp tục bàn cãi về khả năng chống lệnh Tổng Tư lệnh của nước Mỹ. Tuy nhiên, trong suốt chiến dịch, một nhóm quan chức quân đội, những người chịu trách nhiệm phóng các loại tên lửa hạt nhân, đã công bố một bức thư ngỏ, đề cập khả năng ông Trump không đủ sức chịu áp lực trong việc nắm giữ mã phóng hạt nhân. Thậm chí, 22% số người ủng hộ ông Trump cũng cho rằng vị tỷ phú New York có thể phát động một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Trên thực tế, việc sử dụng vũ khí hạt nhân dựa vào 3 yếu tố gồm tính khí tổng thống, quan điểm các cố vấn cũng như tình huống họ phải đối đầu. Trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, Tổng thống John F Kennedy đã làm ngược lại với tư vấn của các cố vấn quân sự hiếu chiến, ngăn chặn cuộc xung đột với Liên Xô trên đất Cuba. Người ta đặt câu hỏi sẽ ra sao nếu ông Trump được đặt vào tình thế ấy.

Trong một cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại, cố vấn quan trọng nhất với tổng thống Mỹ là người chuyên trách an ninh quốc gia, với văn phòng nằm ngay tại Nhà Trắng. Ông Trump chọn tướng Michael Flynn, một người vốn có tiếng nóng nảy, vào vị trí này. Chính quyền Tổng thống George W Bush từng không mấy hài lòng với tướng Flynn.

Sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Trump sẽ phải đối đầu với vấn đề cấp bách nhất là chương trình hạt nhân Triều Tiên. Đây cũng là vấn đề được ông Trump và tổng thống Obama thảo luận trong cuộc gặp mặt đầu tiên chuẩn bị cho quá trình chuyển giao quyền lực. Triều Tiên được cho là đang phát triển loại tên lửa đạn đạo có thể bắn tới Mỹ.


Tính khí của Tống thống Trump khiến nhiều người lo ngại về khả năng sử dụng vũ khí hủy diệt chống kẻ thù. Ảnh: Financial Times

Tính khí của "Tống thống Trump" khiến nhiều người lo ngại về khả năng sử dụng vũ khí hủy diệt chống kẻ thù. Ảnh: Financial Times

Người ta từng nói rằng, không tổng thống Mỹ nào có thể chấp nhận khả năng nằm dưới sự tấn công của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Tổng thống Obama đã làm được điều đó. Ông từ chối các giải pháp quân sự chống lại Triều Tiên bởi lo ngại cuộc tấn công của Mỹ sẽ khiến Bình Nhưỡng trả thù tàn khốc quốc gia láng giềng Hàn Quốc, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Một lần nữa, người ta lại đặt câu hỏi ông Trump có đủ bình tĩnh để làm điều ấy.

Tại Đông Âu, Mỹ và Nga đang mâu thuẫn sâu sắc về tình hình chính trị Ukraine cũng như lá chắn tên lửa mà Washington định dựng lên xung quanh Nga. Trước tình hình này, Moscow đã tiến hành nhiều cuộc tập trận, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân đề phòng xung đột với NATO. Tổng thống Trump cũng cần làm quen với vấn đề này.

Trong những tuần tới, tổng thống mới đắc cử Donald Trump sẽ được giới thiệu về chương trình hạt nhân của Mỹ, bao gồm cả chiếc vali hạt nhân lừng danh. Bên cạnh mã phóng, chiếc cặp còn chứa các hướng dẫn để Tổng thống Trump lựa chọn các mục tiêu tấn công và số người chết ước tính, có thể lên tới hơn 100 triệu người. Trong 4 năm tới, ông Trump sẽ là người nắm quyền quyết định những vấn đề to lớn này.

Linh Anh

Financial Times

Trở lên trên