Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẵn sàng tiếp tục đàm phán trong tương lai
Dù không đạt được thoả thuận chung trong hội nghị thượng đỉnh lần này nhưng hai nhà lãnh đạo vẫn quyết tâm giải quyết những bất đồng bằng các cuộc đàm phán khác trong tương lai.
- 01-03-2019Sau buổi họp báo giữa đêm của Triều Tiên, ông Trump có bài phát biểu "bất thường" trên đường trở về Mỹ
- 01-03-2019Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Nỗi buồn, niềm hy vọng và một lời khen cho Việt Nam
- 01-03-2019Triều Tiên họp báo nói chỉ đề nghị Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố sẽ có một cuộc gặp khác với Tổng thống Mỹ Donald Trump để tiếp tục đàm phán về các vấn đề hạt nhân sau hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội. Hãng Thông tấn xã trung ương Triều Tiên (KCNA) đã đưa tin về tuyên bố của ông Kim, hãng tin này cũng nói về triển vọng khả quan hơn so với những phát biểu tại cuộc họp báo giữa đêm. Trong đó, ông Kim đánh giá cao những nỗ lực tích cực của ông Trump về các kết quả trong tương lai và cho biết hội nghị thượng đỉnh diễn ra "hiệu quả."
Triều Tiên đã tổ chức một cuộc họp báo bất ngờ vào đêm khuya 28/2 và rạng sáng ngày 1/3 tại khách sạn Melia Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên, Ri Yong-ho, đã lên tiếng về tuyên bố của ông Trump về việc ông Kim yêu cầu xoá bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt kinh tế, điều mà ông Trump cho rằng đó là nguyên nhân của việc cuộc đàm phán kết thúc bất ngờ. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên, Choe Son-Hui, trả lời các phóng viên: "Mỹ không chấp nhận những đề xuất của chúng tôi tức là họ đang bỏ lỡ cơ hội ngàn năm mới có một."
Ông Ri phát biểu, Triều Tiên đề nghị dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt, chứ không phải dỡ bỏ hoàn toàn: "Triều Tiên chỉ muốn gỡ bỏ 5 trong số 11 nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc, bởi những nghị quyết này ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân Triều Tiên".
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên - bà Choe Son Hui và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Ri Yong-ho, trong cuộc họp báo được tổ chức bất ngờ vào đêm qua tại khách sạn Melia, Hà Nội.
Ông cũng cho biết thêm, Triều Tiên đã đề xuất phá bỏ vĩnh viễn các cơ sở sản xuất tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon và sẵn sàng chấp nhận sự giám sát của các chuyên gia Mỹ nếu phía Mỹ đồng ý dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận, nhưng Washington lại không chấp nhận.
Tuy nhiên, thông báo từ KCNA cho biết nỗ lực để giảm bớt căng thẳng giữa hai bên có ý nghĩa rất lớn. KCNA cho biết thêm: "Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao hội nghị là cơ hội quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự tôn trọng và tin tưởng đối với hai quốc gia, phát triển quan hệ song phương với một bước tiến mới. Hai nhà lãnh đạo đồng tình sẽ tiếp tục những cuộc đàm phán khác trong tương lai để đạt được những bước tiến triển quan trọng trong việc dỡ bỏ vũ khí hạt nhân và với quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ."
Ông Trump bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể đạt được thoả thuận với Triều Tiên.
Theo hãng tin Yonhap, trên đường trở về Mỹ, ông Trump đã có một cuộc đối thoại từ xa với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, đề xuất về việc ông Moon sẽ "tích cực" giúp đỡ trong những cuộc đàm phán trong tương lai với ông Kim Jong Un.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết về nội dung cuộc đối thoại: "Khi nói về sự tiếc nuối vì không thể đạt được thoả thuận trong thời gian hội nghị thượng đỉnh diễn ra, Tổng thống Trump tái khẳng định rằng sẽ quyết tâm giải quyết vấn đề hạt nhân thông qua các cuộc đối thoại trong tương lai với Triều Tiên."
Cuộc gặp thượng đỉnh của hai nhà lãnh đạo diễn ra tại Hà Nội thu hút được sự chú ý rất lớn từ thế giới, hầu hết đều mong đợi rằng hai bên sẽ đi đến một thoả thuận chung và những gì được ký kết từ hội nghị tại Singapore năm ngoái được cụ thể hoá. Dẫu vậy, cuộc họp đã kết thúc một cách bất ngờ, lễ ký kết tuyên bố chung bị huỷ bỏ và hai nhà lãnh đạo cũng ra về trong sự tiếc nuối. Nhưng điều khiến nhiều người bối rối nhất lại là cách lý giải hoàn toàn khác nhau giữa Washington và Bình Nhưỡng.