MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng thư ký Quốc hội: Không đồng tình thu 'phí chia tay'

15-06-2019 - 08:34 AM | Xã hội

Tại cuộc họp báo kết thúc kỳ họp Quốc hội chiều nay 14-6, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội khẳng định nếu biểu quyết thì ông sẽ không đồng tình với đề xuất thêm “phí chia tay” vào trong Luật Xuất cảnh, nhập cảnh.

Tại cuộc họp báo, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã nhận được câu hỏi: “Tại phiên thảo luận về dự luật xuất nhập cảnh vừa qua, ĐB Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) đã đề xuất thu thêm “phí chia tay” với người dân khi xuất cảnh ra nước ngoài. Quốc hội đã tiếp thu như thế nào đối với đề xuất này. Quan điểm của cá nhân ông về đề xuất này như thế nào?”

Trả lời câu hỏi trên, Tổng thư ký Quốc hội cho hay Luật Xuất cảnh, nhập cảnh mới chỉ trong giai đoạn cho ý kiến và đây mới chỉ là ý kiến phát biểu của một ĐBQH. Về chính thức sau này cơ quan soạn thảo tiếp thu và sẽ có trao đổi về việc này. “Còn có tiếp thu hay không tiếp thu thì sau này Quốc hội thảo luận lần hai về dự luật này sẽ rõ. Riêng cá nhân tôi thì không đồng tình với việc thêm một loại phí cho nhân dân thế này. Cá nhân tôi nếu biểu quyết thì không đồng tình”- Tổng thư ký Quốc hội nhấn mạnh.

Trước đó vào sáng 12-6, thảo luận tại hội trường về dự án luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, ĐB Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) đã đề xuất thu thêm một loại phí từ 3-5 USD gọi là “ phí chia tay ” khi công dân xuất cảnh ra nước ngoài…

Ông Hưng cho hay một số nước đã áp dụng chính sách visa và phí xuất nhập cảnh để điều chỉnh việc xuất, nhập cảnh của công dân, có nước không khuyến khích công dân xuất cảnh thì người ta áp dụng thuế hoặc phí.

Ông dẫn chứng vào năm 2018 Quốc hội Nhật Bản đã ban hành đạo luật áp dụng từ tháng 1-2019, tức là mỗi công dân Nhật Bản khi ra nước ngoài thì phải đóng một phí gọi là phí chia tay hay gọi là phí du lịch là 1000 yên/người, khoảng 9,3 đô la.

Phí này sử dụng để thực hiện một số dự án nhằm phát triển ngành công nghiệp không khói của Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản dự kiến hàng năm sẽ thu được 400 triệu đô la để hoàn thiện việc xuất, nhập cảnh cho công dân được tốt hơn. Đồng thời đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông du lịch ở một số vùng còn khó khăn và thực hiện một số chính sách khác.

“Vì vậy, tôi có một suy nghĩ nên chăng Việt Nam cũng giống một số nước là khi công dân ra nước ngoài thì có trách nhiệm đóng góp một khoản tiền gọi là phí chia tay . Số tiền này khoảng 3-5 đô la/người khi xuất cảnh, ta dùng số tiền đó trích một phần cho các cơ quan ngoại giao dùng để có kinh phí bảo hộ công dân Việt Nam, hỗ trợ công dân khi công dân Việt Nam ra nước ngoài gặp khó khăn…”- ông đề nghị.

Theo ông số tiền này cũng có thể dùng một phần để cơ quan xuất nhập cảnh Việt Nam đầu tư nâng cấp máy móc kỹ thuật cũng như những việc khác để phục vụ công tác xuất nhập cảnh, đầu tư xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh của đất nước…

Theo Trọng Phú - Viết Long

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên