Top 10 cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh nhất 6 tháng đầu năm 2023
6 tháng đầu năm 2023, ngành ngân hàng có cổ phiếu tăng hơn 68%. Vốn hóa Vietcombank lập đỉnh mới, vượt cả Deutsche bank.
- 28-06-2023Cổ phiếu ngân hàng được kéo mạnh vào cuối phiên, MBB dẫn đầu tăng giá và thanh khoản
- 28-06-2023Một ngân hàng chốt danh sách cổ đông vào tuần tới để chia thưởng 25% bằng cổ phiếu
- 27-06-2023Nhiều Phó Tổng giám đốc của LPBank cùng đăng ký bán cổ phiếu
Kết thúc tháng 6/2023, VN-Index đóng cửa ở mức 1.120,18 điểm, tăng hơn 112 điểm so với đầu năm. Thanh khoản bình quân/phiên tháng 6/2203 vào khoảng 17.021 tỷ, tăng hơn 62% so với đầu năm.
Sự tích cực hơn của thị trường cũng được nhìn thấy ở các cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, tính đến 30/06/2023, có đến 23/27 cổ phiếu ngân hàng được giao dịch trên thị trường chứng khoán tăng điểm so với đầu năm. Đồng thời có đến 18/27 mã chứng khoán của các nhà băng tăng trưởng trên 10%.
Trong đó, tăng mạnh nhất là mã PGB của PGBank với mức tăng gần 68%. Cổ phiếu này đã bước vào đà tăng từ hồi tháng 4/2023, sau khi có những thông tin về việc cổ đông lớn Petrolimex (chiếm hơn 40% cổ phần) thoái vốn. Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), 4 nhà đầu tư, gồm 3 tổ chức và 1 cá nhân đã trúng đấu giá 120 triệu cổ phiếu PGBank do Petrolimex bán ra. Kết thúc tháng 6/2203, PGB đóng cửa ở mức giá 27.400đ/cổ phiếu.
Theo sau là NAB của Nam Á Bank với mức tăng gần 68%. NAB hiện đang được giao dịch trên UpCOM và ngân hàng đang tiến hành các thủ tục niêm yết cổ phiếu này trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE). Theo thông tin mới nhất từ phía ngân hàng, HoSE đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu NAB. Kết phiên ngày 30/06/2023, NAB có giá là 14.100đ/cổ phiếu.
VBB ở vị trí thứ 3, khi ghi nhận thị giá tăng từ 7.800đ/cổ phiếu hồi đầu năm lên 10.800đ/cổ phiếu vào cuối tháng 6/2023 (tăng 38%). VietBank hiện cũng có kế hạch niêm yết trên HoSE. Được biết, hồi năm 2022, ngân hàng này đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện về kết quả kinh doanh, hiệu quả kinh doanh, các chỉ số tài chính và quản trị điều hành theo quy định của pháp luật để niêm yết trên thị trường chứng khoán, song lại gặp vấn đề chưa đảm bảo quy định hành chính. Do đó, kế hoạch lên sàn HoSE vẫn chưa được thực hiện trong năm 2022.
VIB theo sau với mức tăng 32,8%. Báo cáo tài chính quý I/2023 của ngân hàng cho thấy, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt xấp xỉ 2.700 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 4.900 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 19%. Tổng tài sản của VIB đạt hơn 357.000 tỷ đồng vào cuối tháng 3.2023, tăng trưởng 4,2% so với đầu năm. Ngày 30/06/2023, giá đóng cửa của VIB ở mức 19.650đ/cổ phiếu.
Cổ phiếu STB của Sacombank đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng với tăng trưởng 32,4%. Theo chia sẻ của Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng, ông Dương Công Minh, tại đại hội cổ đông thường niên Sacombank năm 2023, ngân hàng đã đáp ứng phần lớn yêu cầu của việc tái cơ cấu. Vấn đề liên quan đến số cổ phần của nhóm ông Trầm Bê vẫn đang tồn đọng. Sacombank đã trình phương án mua lại số cổ phiếu đó từ Ngân hàng Nhà nước để bán đấu giá và xử lý dứt điểm vấn đề. Sau khi xử lý xong, hoàn tất tái cơ cấu, ngân hàng có thể chia cổ tức.
5 cổ phiếu ngân hàng còn lại trong bảng xếp hạng top 10 ngân hàng có mức tăng trưởng giá cổ phiếu cao nhất từ đầu năm đến nay đó là TPB (32,1%); BVB (26,6%); SHB (25,6%); TCB (25,1%); VCB (25%).
Trong nhóm big 4 (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) hiện chỉ có mã VCB của Vietcombank là lọt top 10 cổ phiếu có tăng trưởng thị giá mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm. Đáng chú ý, kết thúc tháng 6/2023, cổ phiếu VCB đã đạt mốc 100.000đ/cổ phiếu, đưa vốn hóa ngân hàng vượt qua cả Deutsche Bank của Đức. Trong khi BID của BIDV chỉ tăng khoảng 12,3%; CTG của VietinBank chỉ tăng 8,3%.
Tại chương trình “Tiêu điểm chứng khoán cuối tuần: Chiến lược đầu tư 6 tháng cuối năm 2023”, do công ty chứng khoán MB (MBS) tổ chức mới đây, ông Hoàng Công Tuấn, kinh tế trưởng MBS rằng năm nay thị trường chứng khoán sẽ vẫn tăng trưởng và có thể đạt mốc 1.160 điểm (± 15 điểm) vào cuối năm.
Với riêng nhóm ngân hàng, chuyên gia từ MBS cho rằng các động thái giảm lãi suất điều hành sẽ tạo dư địa cho việc hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp hơn, qua đó cải thiện nhu cầu tín dụng. Ngoài ra, hành động trên của Ngân hàng Nhà nước cũng giúp cho biên lợi nhuận thuần của các ngân hàng có khả năng cải thiện trong nửa cuối năm. Nhìn chung, ngành ngân hàng trong năm 2023 có thể có sự phân hóa, khi các nhà băng có bộ đệm dự phòng, chất lượng tài sản tốt sẽ có được lợi thế vững chắc hơn trước những khó khăn của nền kinh tế trong năm nay.
“Ngân hàng và chứng khoán là một trong những ngành được hưởng lợi từ việc hạ lãi suất. Nhà đầu tư chỉ cần chờ những nhịp chỉnh tốt để mua những cổ phiếu đầu ngành thuộc những lĩnh vực này thì sẽ được hưởng quả ngọt”, ông Hoàng Công Tuấn đánh giá.
Nhịp sống Thị trường