Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất 6 tháng đầu năm: DBC, DGW lập đỉnh lịch sử
Dù thị trường giảm khá mạnh nhưng vẫn có những cổ phiếu đi ngược xu hướng chung.Nhiều cổ phiếu có thanh khoản cao, tăng bằng lần trong 6 tháng đầu năm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua 6 tháng đầu năm với sự đối lập giữa quý I và II. Quý I là sự lao dốc của hầu hết các nhóm cổ phiếu, thậm chí có những phiên VN-Index mất trên 6% khi nhiều mã vốn hoá lớn giảm sàn. Chỉ số tạo đáy vùng 650 điểm và hồi phục trở lại trong quý II. Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/6, VN-Index dừng ở mức 825,11 điểm, giảm 14,14% so với cuối năm 2019. Nhiều cổ phiếu có tính dẫn dắt như SAB mất đến 29,9%, xuống 157.000 đồng/cp, VIC giảm 22,6%, GAS giảm 26,4%... Ở chiều ngược lại, HNX-Index tăng 7,1% lên 109,76 điểm.
Tăng giá
Mặc dù thị trường giảm khá mạnh nhưng vẫn xuất hiện những cổ phiếu đi ngược lại so với xu hướng chung và có sự bứt phá. Trên HoSE, SVT của Công nghệ Sài Gòn Viễn Đông ( HoSE: SVT ) tăng 160% nhưng mức thanh khoản khá thấp, chỉ đạt khoảng 1.000 cổ phiếu/phiên. SVT không có nhiều thông tin hỗ trợ trong 6 tháng qua. Ông Bùi Quang Mẫn, chồng của Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Thu đã mua 134.850 cổ phiếu trong số 500.000 đơn vị đăng ký, nâng lượng nắm giữ lên 363.146 cổ phiếu, tương đương 3,5% vốn. Giao dịch thực hiện qua phương thức thỏa thuận và khớp lệnh, từ ngày 26/5 đến 24/6.
DBC của Dabaco ( HoSE: DBC ) tăng gần 116%, từ 20.577 đồng/cp lên 44.400 đồng/cp. Phiên giao dịch ngày 8/6, DBC đóng cửa ở mức 56.000 đồng/cp, cao nhất từ trước đến nay. Việc giá lợn tăng kỷ lục trong 6 tháng đầu năm đã giúp cho giá cổ phiếu của DBC liên tục tăng nóng suốt thời gian qua.
DGW của Digiworld ( HoSE: DGW ) tăng 66,5% và hiện ở vùng giá cao nhất kể từ khi chào sàn. Trong 6 tháng đầu năm, nhu cầu học tập và làm việc tại nhà trong mùa dịch Covid-19 tăng cao đã giúp cho các mặt hàng như máy tính xách tay và máy tính bảng tăng mạnh. Theo đó, doanh thu quý I của Digiworld tăng 69%, lên 2.311 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 83%, đạt gần 45 tỷ đông.
Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HoSE.
SHB của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội ( HNX: SHB ) tăng gần 142%. Ông Đỗ Vinh Quang, con trai ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB đã mua thành công 35,9 triệu cổ phiếu SHB, tương đương 2,98% cổ phần từ ngày 15/1 đến 3/2 theo phương thức khớp lệnh. Trong khoảng thời gian thực hiện giao dịch, cổ phiếu SHB dao động quanh mức giá 6.000-6.500 đồng/cp và tăng mạnh sau đó.Đối với HNX, DST của Đầu tư Sao Thăng Long ( HNX: DST ) tăng 525%, từ mức giá 800 đồng/cp lên 5.000 đồng/cp. Năm 2020, công ty đặt kế hoạch doanh thu đạt 120 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với thực hiện năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 6,5 tỷ đồng so với mức lỗ 6,5 tỷ đồng của năm trước.
DNM của Tổng Công ty cổ phần Y tế Danameco ( HNX: DNM ) tăng 365% nhờ hưởng lợi từ dịch Covid-19. Danameco chuyên sản xuất khẩu trang, trang phục chống dịch… sản phẩm có nhu cầu cao trong thời buổi dịch bệnh bùng phát. Quý I, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 8,2 tỷ đồng, tăng 650%, tương đương với mức lãi cả năm 2019.
Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HNX. |
Tại UPCoM, WTC của Vận tải thủy – Vinacomin ( UPCoM: WTC ) tăng 300% dù mức thanh khoản chỉ đạt 100 cổ phiếu/phiên. Tương tự, các cổ phiếu khác như THR của Đường sắt Thuận Hải ( UPCoM: THR ), RAT của Vận tải và Thương mại Đường sắt ( UPCoM: RAT ) hay V11 của Xây dựng số 11 ( UPCoM: V11 ) đều tăng trên 100% nhưng trong tình trạng đóng băng về thanh khoản và không có nhiều thông tin hỗ trợ.
Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất UPCoM. |
Giảm giá
Thị trường hồi phục trong quý II nhưng chưa thể trở lại thời điểm cuối năm 2019, nhiều cổ phiếu vẫn có mức giảm khá mạnh. Trên HoSE, VRC của Bất động sản và Đầu tư VRC ( HoSE: VRC ) giảm 61,6%. Cổ phiếu này giảm mạnh từ cuối năm 2019, sau khi công ty công bố báo cáo tài chính quý IV/2019 với doanh thu năm 2019 giảm hơn 71% so với năm trước, chỉ đạt 10,6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ gần 24 tỷ đồng, giảm 91,3% so với cùng kỳ.
Theo sau là TNI của Tập đoàn Thanh Nam ( HoSE: TNI ) với 59,5%, giảm từ 10.600 đồng/cp xuống 4.290 đồng/cp. Cổ phiếu này không có nhiều biến động trong 5 tháng đầu năm và chỉ giảm mạnh trong tháng 6. Trong 22 phiên giao dịch của tháng 6 thì có đến 17 phiên cổ phiếu TNI giảm sàn.
DPG của Đạt Phương ( HoSE: DPG ) cũng giảm khá mạnh với 43,6%. Trước tình hình giá cổ phiếu giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm, Đạt Phương đã thực hiện mua 1,5 triệu cổ phiếu quỹ tương đương với 3,33% vốn điều lệ. Thời gian thực hiện từ 18/3 đến 16/4.
Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HoSE. |
Đối với HNX, V21 của Vinaconex 21 ( HNX: V21 ) giảm mạnh nhất với 81,8%. Tiếp theo sau là PCG của Đầu tư và Phát triển Gas Đô Thị ( HNX: PCG ), LM7 của Lilama 7 ( HNX: LM7 ) lần lượt giảm 74,6% và 74,2%. Những cổ phiếu này đều có thanh khoản thấp, thường xuyên không xuất hiện giao dịch.
Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HNX. |
Trên UPCoM, LMH của Landmark Holding ( UPCoM: LMH ) giảm 91,8%. Ngày 19/6, gần 25,63 triệu cổ phiếu LMH đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM hủy niêm yết và giao dịch trên UPCoM. Nguyên nhân đến từ việc kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2019 của công ty - thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.
SGO của Dầu thực vật Sài Gòn ( UPCoM: SGO ) giảm 75%. SGO bị hạn chế giao dịch trên UPCoM từ cuối năm 2019 do công ty chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn đến tình trạng bị huỷ niêm yết và chậm công bố thông tin quá 45 ngày so với thời gian quy định chung đối với báo cáo tài chính năm 2019 đã được kiểm toán.
SPP của Bao bì Nhựa Sài Gòn ( UPCoM: SPP ) giảm 73,7%. SPP đã bị huỷ niêm yết bắt buộc trên HNX từ 22/5. Phiên giao dịch cuối cùng trên HNX vào 21/5. Công ty đứng trước nguy cơ bị phá sản. Trước đó, ngày 31/3 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 với khoản lỗ hơn 720 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 31/12/2019, công ty có hơn 736 tỷ đồng vay và nợ ngắn hạn, trong đó Ngân hàng BIDV - chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa là chủ nợ lớn nhất với gần 400 tỷ đồng.
Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất UPCoM. |
Người đồng hành