Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Có mã tăng hơn 100%
Index rơi vào trạng thái 'xanh vỏ đỏ lòng' khiến cho nhà đầu tư tỏ ra thận trọng.Nhiều cổ phiếu thanh khoản kém tăng hơn 70%.Cổ phiếu BDF của Giày Bình Định tăng mạnh nhất với 109,6% từ 8.300 đồng/cp lên 17.400 đồng/cp
Thị trường tuần từ 23-27/3, VN-Index dừng ở mức 696,06 điểm, tương ứng giảm 1,92% so với tuần trước. HNX-Index giảm 4,36% xuống 97,35 điểm.
Tâm lý của nhà đầu tư tỏ ra thận trọng khi VN-Index xuất hiện tình trạng 'xanh vỏ đỏ lòng', dòng tiền chỉ tập trung vào các cổ phiếu trụ. Đặc biệt nhóm cổ phiếu họ 'Vin' có biến động mạnh khi 2 phiên đầu tuần, cả 3 cổ phiếu VIC, VHM và VRE đều giảm sàn. Các ngày sau đó đều hồi phục mạnh với 2 phiên tăng trần liên tiếp của VIC và một phiên tăng trần của VHM và VRE. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VIC đóng cửa ở mức 86.800 đồng/cp, tăng 5,2% so với tuần trước, VHM giảm 6% xuống 60.000 đồng/cp, VRE không có sự thay đổi khi đứng giá ở mức 20.400 đồng/cp.
Ngoài ra, cổ phiếu BVH cũng có diễn biến tương tự khi giảm sàn phiên đầu tuần nhưng tăng trần 3 phiên liên tiếp sau đó. BVH dừng ở mức 38.000 đồng/cp, tăng 9,5% so với đầu tuần.
Gây thất vọng nhất trong nhóm cổ phiếu VN30 là MWG khi giảm đến 18% so với tuần trước, đóng cửa ở mức 63.300 đồng/cp. Các cổ phiếu khác như HPG giảm gần 13% xuống 16.200 đồng/cp, TCB giảm 7,78%, VPB giảm 7,13%, PNJ giảm 5,6%,…góp phần gây áp lực lên các chỉ số.
Đứng đầu trong danh sách giảm giá sàn HoSE là QCG của Quốc Cường - Gia Lai (HoSE: QCG) với 30,1%. Tuần vừa qua, cổ phiếu QCG có trọn vẹn 5 phiên giảm sàn liên tiếp, từ 8.830 đồng/cp xuống 6.170 đồng/cp. Tính rộng ra thì QCG đã giảm sàn 7 phiên liên tiếp, trước đó QCG có một đà tăng mạnh với 15 phiên trần liên tiếp từ 4.000 đồng/cp lên 10.200 đồng/cp.
Đứng thứ 2 là cổ phiếu TCR của Gốm sứ Taicera khi giảm 30% xuống 2.260 đồng/cp. Cổ phiếu TCR cũng có trọn vẹn 5 phiên giảm sàn liên tiếp. Nguyên nhân có thể đến từ việc TCR sẽ bị chuyển từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo từ ngày 26/3, do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2019 là 8,13 tỷ đồng và lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2019 của công ty là 131,29 tỷ đồng. Cổ phiếu PIT của Xuất nhập khẩu Petrolimex cũng giảm 30% với 5 phiên giảm sàn liên tiếp.
Trên sàn HNX, diễn biến cũng không khá hơn sàn HoSE, nhiều cổ phiếu giảm trên 30%. Trong đó cổ phiếu MBG của Tập đoàn MBG giảm mạnh nhất với 40% (HNX: MBG) , từ 9.000 đồng/cp xuống 5.400 đồng/cp. Nếu tính từ vùng đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng 12/2019 với 56.310 đồng/cp thì cổ phiếu MBG đã giảm đến 90,4%.
Tại sàn UPCoM, giảm giá mạnh nhất là cổ phiếu UCT của Đô thị Cần Thơ (UPCoM: UCT) với 40%. Đây là lần đầu tiên UCT xuất hiện giao dịch kể từ khi niêm yết trên sàn UPCoM từ 15/11/2016. Và theo quy định khi cổ phiếu không có giao dịch trên 25 phiên giao dịch liên tiếp, trong ngày đầu tiên giao dịch trở lại, biên độ dao động giá được áp dụng là ± 40% so với giá tham chiếu. UCT hoạt động chính trong lĩnh vực thu gom vận chuyển và xử lý rác thải với cổ đông lớn là UBND TP Cần Thơ nắm giữ lên đến 92,26%.
Đứng ngay sau là cổ phiếu NNQ của Trung tâm Giống Nông – Lâm nghiệp Quảng Nam (UPCoM: NNQ) với mức giảm 39,7%. Đây cũng là lần đầu tiên cổ phiếu NNQ xuất hiện giao dịch kể từ khi niêm yết trên sàn UPCoM hồi cuối tháng 2, trùng với thời điểm Chủ tịch HĐQT Tăng Thượng Lâm đăng ký mua 83.800 cổ phiếu với thời gian dự kiến từ 25/3 đến 23/4. Trước đó, ông Lâm nắm giữ hơn 902.500 cổ phiếu (tương đương 70,44%). Trung tâm Giống Nông – Lâm nghiệp Quảng Nam là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Quảng Nam. Công ty chủ yếu cung cấp giống cây lương thực như lúa, ngô; các loại giống cây trồng, vật nuôi và hoạt động dịch vụ kỹ thuật, tư vấn quy hoạch, lập dự án về cây trồng, vật nuôi và nấm.
Đa số các cổ phiếu giảm giá mạnh sàn UPCoM đều nằm trong diện đóng băng thanh khoản.
Vẫn có cổ phiếu tăng hơn 100%
Dù thị trường mới chỉ bất đầu ổn định lại sau những phiên bán tháo trước đó nhưng nhiều cổ phiếu đã có đà tăng mạnh trong tuần vừa qua. Các cổ phiếu này thường có thanh khoản thấp hoặc có câu chuyện riêng trong việc hỗ trợ giá.
Cổ phiếu tăng mạnh nhất trên thị trường tuần qua thuộc về mã BDF của Giày Bình Định (UPCoM: BDF) với mức tăng 109,6% từ giá 8.300 đồng/cp lên 17.400 đồng/cp. Cổ phiếu BDF thường xuyên không có thanh khoản. Tuy nhiên mức tăng của BDF có thể mạnh như trên là nhờ vào việc biên độ của phiên 23/3 lên đến 40% do trước đó cổ phiếu này không xuất hiện giao dịch trong 25 phiên liên tiếp.
Cổ phiếu tiếp theo cũng tăng mạnh trên sàn UPCoM là SCC của Đầu tư thương mại Hưng Long tỉnh Hoà Bình (UPCoM: SCC) với 85%. Thanh khoản của SCC cũng thuộc diện gần như không có khi khối lượng khớp lệnh trung bình chỉ khoảng 100 cổ phiếu/phiên.
Ở sàn HoSE, cổ phiếu ABS của Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận (Bitagco, HoSE: ABS) tăng mạnh nhất với 39,5%. Trong cả 5 phiên giao dịch tuần này, ABS đều tăng trần. ABS chính thức niêm yết trên sàn HoSE ngày 18/3 và liên tục tăng trần từ đó đến nay, từ giá 12.950 đồng/cp lên 20.650 đồng/cp sau 8 phiên.
Còn ở sàn HNX, cổ phiếu DNY của CTCP Thép DANA - Ý (HNX: DNY) tuần thứ 2 liên tiếp đứng đầu danh sách khi tăng 33,3% lên 2.400 đồng/cp bất chấp việc công ty đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định. Nguyên nhân đến từ việc lũy kế cả năm 2019, công ty lỗ 313 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tới cuối năm là 329 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ (270 tỷ đồng).
NDH