Top 10 địa phương có tỷ suất di cư cao nhất cả nước: Bắc Ninh cao hơn cả ở TP. HCM
Theo Tổng cục Thống kê, ở khu vực Đông Nam Bộ, cứ 1.000 người thì có 80 người nhập cư, tỷ lệ cao nhất cả nước và Đồng bằng Nam Bộ là nơi có tỷ suất xuất cư cao nhất, với 44 trên 1.000 dân.
- 25-06-2022Lương tối thiểu vùng tăng từ 1/7 ảnh hưởng như thế nào đến tiền đóng BHXH?
- 25-06-2022Tập đoàn Australia đề xuất đầu tư khoảng 3 tỷ cho dự án điện gió ngoài khơi tại Hải Phòng
- 25-06-2022Đóng đủ 20 năm BHXH rồi nghỉ hưu, người lao động nhận được những khoản tiền nào?
Tỷ suất nhập cư là số người từ đơn vị lãnh thổ khác (nơi xuất cư) nhập cư đến một đơn vị lãnh thổ trong kỳ nghiên cứu, được tính bình quân trên 1000 dân của đơn vị lãnh thổ đó (nơi nhập cư).
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2019, khu vực Đông Nam Bộ có tỷ suất nhập cư cao nhất với 80,3‰, tức là cứ 1.000 dân thì có khoảng 80 người là người nhập cư, gấp 15 lần khu vực thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc.
Nguồn: GSO
Bình Dương là địa phương có tỷ suất nhập cư cao nhất với hơn 217‰, tức là cứ 1.000 người thì có 217 người là dân nhập cư. Xếp thứ 2 là Bắc Ninh với tỷ suất 106,82‰. Sau đó là TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu và Thái Nguyên. Những tỉnh, thành phố này đều tập trung nhiều các khu công nghiệp, cơ hội việc làm cao nên thu hút nhiều người nhập cư.
Trong khi đó, các tỉnh, thành có số người rời địa phương trên 1.000 người cao nhất cả nước đều nằm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, như Cà Mau, Sóc Trăng hay An Giang. Trong đó, địa phương có tỷ suất xuất cư cao nhất là Sóc Trăng, cứ 1.000 người thì có khoảng 80 người xuất cư.
Nguồn: GSO
An Giang là tỉnh có xếp thứ 2 về tỷ suất xuất cư. Cứ 1.000 dân ở đây thì có khoảng 78 người là người từ nơi khác đến sinh sống và làm việc. Xếp sau đó là Hậu Giang với tỷ suất gần 73‰. Một số địa phương khác cũng có tỷ suất xuất cư cao là Cà Mau, Đồng Tháp, Bạc Liệu, Kiên Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre.
Ngoài ra, Kết quả điều tra dân số và nhà ở 2019 của Tổng cục Thống kê cũng thống kê tỷ suất di cư thuần, thể hiện sự chênh lệch giữa tỷ suất nhập cư và xuất cư.
Theo đó, trong năm 2019, chỉ có 12 tỉnh, thành phố có tỷ suất di cư thuần dương, tức là tỷ suất người nhập cư nhiều hơn tỷ suất người xuất cư. Trong đó, Bình Dương là địa phương có tỷ suất di cư thuần cao nhất với 200,38‰. Tỉnh Sóc Trăng có tỷ suất di cư thuần âm cao nhất với 75,0‰, tức là số người nhập cư trên 1.000 người ít hơn 75 người so với số người nhập cư.
Kết quả điều tra cũng chỉ ra giữa di cư và đô thị hóa có mối quan hệ chặt chẽ. Người nhập cư từ 5 tuổi trở lên chiếm 12,3% dân số của các đô thị. Áp lực nhập cư đối với đô thị đặc biệt là lớn nhất, cứ 1000 người sống tại các đô thị đặc biệt thì có tới gần 200 người là người nhập cư, cao gấp 2,7 lần mức chung của cả nước.