MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Top 10 ngành công nghiệp trọng điểm có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao nhất 10 tháng đầu năm 2022

Top 10 ngành công nghiệp trọng điểm có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao nhất 10 tháng đầu năm 2022

Theo Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2022 của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 10 tháng năm 2022 tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê cho biết, sản xuất công nghiệp trong tháng 10 tiếp tục phục hồi, ước tăng 3% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước do các doanh nghiệp đã chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất.

Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 5,7%; ngành khai khoáng tăng 6,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,5%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 15,7% .

Tính chung 10 tháng năm 2022, IIP ước tăng 9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 3,8%). Đóng góp vào mức tăng trưởng chung, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6% (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,1%), đóng góp 7,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Bên cạnh đó, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,8%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,6%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 5%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Xét trong ngành công nghiệp trọng điểm, một số ngành có chỉ số IIP tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Top 10 ngành công nghiệp trọng điểm có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao nhất 10 tháng đầu năm 2022 - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Cụ thể, sản xuất đồ uống có chỉ số IIP tăng 31,5% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao nhất trong các ngành công nghiệp trọng điểm trong 10 tháng đầu năm. Đứng thứ 2 là sản xuất trang phục có chỉ số IIP tăng 19,2% so với cùng kỳ. Đứng thứ 3 là sản xuất da và các sản phẩm có liên quan có chỉ số IIP tăng 17,7% so với cùng kỳ.

Tiếp theo là ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu cùng có chi số IIP tăng 17,5% so với cùng kỳ. Ở vị trí thứ 5 là ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế), sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện tăng với chỉ số IIP tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngoài ra, các ngành như sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu; sản xuất thiết bị điện; sản xuất phương tiện vận tải khác; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải, tái chế phế liệu đều có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao.

Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành công nghiệp trọng điểm giảm như sản xuất kim loại giảm 1,5%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 5,4%.

Anh Ngọc

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên