MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2019: Viettel giành ngôi quán quân, Vinamilk bị VNPT soán ngôi á quân

25-09-2019 - 13:52 PM | Doanh nghiệp

Ngày 24/9, Công ty Tư vấn thương hiệu Mibrand Việt Nam kết hợp với Brand Finance chính thức công bố bảng danh sách Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2019.

Trong lần xếp hạng thứ năm này, tổng giá trị của 50 thương hiệu dẫn đầu đạt 18,9 tỉ USD, tăng 19% so với danh sách trước đó.

Trong 10 thương hiệu dẫn đầu, có các tên tuổi quen thuộc như Viettel, VNPT, Vinamilk, Vinhomes, Sabeco, MobiFone, ViettinBank, VinaPhone, BIDV và Petrolimex. Các thương hiệu top 10 tạo nên 68% giá trị thương hiệu của bảng xếp hạng top 50 nói chung.

Năm nay, Viettel tiếp tục dẫn đầu danh sách với giá trị thương hiệu hơn 4,3 tỉ USD, vượt trội hơn hẳn phần còn lại của danh sách. Đặc biệt so với 2018, định giá thương hiệu của ông lớn ngành viễn thông đã tăng tới 54%.

Trong khi đó, từ vị trí số 2, Vinamilk đã phải nhường ngôi cho một đại diện khác của ngành viễn thông là VNPT. Định giá thương hiệu của VNPT năm nay được ghi nhận ở mức 1,68 tỷ USD, tăng gần 26% so với 2018. Còn Vinamilk có mức định giá giảm nhẹ khoảng 15%, từ 1,9 tỷ USD xuống 1.61 tỷ USD.

Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2019: Viettel giành ngôi quán quân, Vinamilk bị VNPT soán ngôi á quân - Ảnh 1.

Top 10 thương hiệu Việt Nam giá trị nhất 2019

Xét theo lĩnh vực, các thương hiệu thuộc nhóm ngành viễn thông đang chiếm 38% tổng giá trị thương hiệu trong top 50, sau đó đến ngành thực phẩm (15%) và ngành ngân hàng (11%). Các ngành bia, bất động sản và bán lẻ đóng góp lần lượt là 8%, 7% và 5%.

Ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành Brand Finance Châu Á Thái Bình Dương cho biết việc định giá thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp thiết lập lộ trình hợp lý để tối đa hóa lợi nhuận, thu hẹp khoảng cách giữa marketing và tài chính chính.

"Chúng tôi hiểu tầm quan trọng của thiết kế, quảng cáo và marketing nhưng chúng tôi cũng tin rằng mục đích cuối cùng và quan trọng nhất của các thương hiệu là kiếm tiền. Đó là lý do tại sao chúng tôi kết nối các thương hiệu với lợi nhuận ròng", ông Samir Dixit chia sẻ.

Được biết, Brand Finance tính toán giá trị các thương hiệu trong bảng xếp bằng "phương pháp Chiết khấu Phí bản quyền". Phương pháp này ước tính doanh số tương lai được tạo ra từ thương hiệu và tính toán tỷ lệ phí bản quyền trả cho việc sử dụng thương hiệu, tức là công ty muốn sử dụng thương hiệu sẽ phải trả bao nhiêu tiền – với giả định rằng thương hiệu không thuộc sở hữu của công ty đó.

Theo Hồng Lam/Trí thức trẻ

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên