MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Top 9 câu chuyện nổi bật nhất ngành TMĐT và logistics Việt Nam năm 2020, dù bạn bán hay mua hàng online cũng cần biết

10-12-2020 - 11:20 AM | Doanh nghiệp

Top 9 câu chuyện nổi bật nhất ngành TMĐT và logistics Việt Nam năm 2020, dù bạn bán hay mua hàng online cũng cần biết

Covid là "điểm nhấn" nổi bật nhất tác động đến ngành TMĐT Việt Nam trong năm qua, bởi không chỉ ngành TMĐT, mà toàn bộ đời sống kinh tế xã hội đều bị ảnh hưởng.

1. COVID VÀ THAY ĐỔI THÓI QUEN MUA SẮM, MẶT HÀNG MUA SẮM

Không có ứng cử viên nào sáng giá hơn Covid, bởi không chỉ ngành TMĐT, mà toàn bộ đời sống kinh tế xã hội đều bị ảnh hưởng bởi Covid.

Tuy nhiên, với TMĐT thì ảnh hưởng có lẽ là theo chiều hướng tích cực. Trong nhiều năm trời, ngành TMĐT cố gắng giảm giá, khuyến mại để khuyến khích người dùng mua theo 1 phương thức mới, tuy nhiên hiện TMĐT mới chỉ chiếm chưa tới 10% tổng giá trị thương mại của cả nước, một con số còn cần khích lệ.

Nhưng Covid vụt tới, người dân phải hạn chế tiếp xúc, hạn chế ra đường và làm việc ở nhà. Vì thế những cửa hàng offline dần trở lên vắng khách, thậm chí đóng cửa, sang nhượng, TMĐT lên ngôi là điều tất yếu.

Top 9 câu chuyện nổi bật nhất ngành TMĐT và logistics Việt Nam năm 2020, dù bạn bán hay mua hàng online cũng cần biết - Ảnh 1.

Trong thời điểm giãn cách xã hội, các đơn vị TMĐT cho biết họ hầu như ít tăng trưởng, mà người dùng chuyển nhu cầu từ thời trang, hàng gia dụng, sang các mặt hàng y tế, phòng dịch. Tuy nhiên, giữ được sự phát triển ngang với bình thường, trong khi hàng loạt đơn vị kinh doanh khác phải đóng cửa đã là một điều khá may mắn.

Sau dịch, ngành TMĐT cũng vẫn có sự tăng trưởng, do một bộ phận người dùng đã quen dần và trở nên thích thú với việc mua hàng online, nhận ship tận nhà. Cũng không thể không kể đến những khuyến mại không ngừng nghỉ và các lễ hội sale 9.9, 10.10, 11.11… được hầu hết các sàn TMĐT tung ra để hút khách.

2. LUỒNG VỐN NGOẠI ĐỔ MẠNH VÀO TMĐT VÀ LOGISTICS

Năm nay tiếp tục là 1 năm các tay chơi ngoại quốc gia tăng nguồn vốn đổ vào thị trường Việt Nam.

Định giá lên tới 88 tỷ USD, tăng trưởng gấp 4 lần chỉ sau 3 năm, ông lớn Sea tiếp tục đổ tiền vào Shopee bằng hàng loạt khuyến mại. Báo cáo tài chính của Sea cho thấy mảng game tiếp tục có lời lớn, duy trì động cơ tăng trưởng cho doanh nghiệp và hứa hẹn Shopee còn rất nhiều tiền để tiếp tục cuộc chơi.

Ở mảng Logistics, các doanh nghiệp nước ngoài tăng mạnh sự hiện diện tại Việt Nam và đầu tư hàng loạt tiền vào xây dựng hạ tầng lẫn chiết khấu cho đối tác để giành thị phần.

Hai tên tuổi nổi lên là J&T của Indonesia và Best Inc của Thái Lan. J&T đã có mặt một số bưu cục ở Việt Nam lác đác từ 2 năm trước. Tuy nhiên, năm nay hãng mới chứng tỏ mình là một tay chơi đáng gờm khi liên tục khuyến mại, giảm giá khi người mua mua sắm trên Shopee và các đơn vị khác. Ngoài ra, J&T cũng chi không ít tiền cho truyền thông với các chiến dịch quảng cáo lớn trên các nền tảng như TikTok.

Một giám đốc chi nhánh của một đơn vị vận tải lớn chia sẻ, với giá của J&T đưa ra, không nhà vận chuyển nào ở Việt Nam có thể "làm" được. Hàm ý là đơn vị này đốt tiền cực kỳ mạnh tay, trợ giá nhiều tới mức không có nhà vận chuyển nào dám đua theo. Trên thực tế, ngành vận chuyển liên tỉnh vốn đã có mức margin "mỏng như dao cạo" nên nếu đua giảm giá theo J&T, các nhà vận chuyển không những chỉ lỗ hoạt động, mà còn không đủ tiền duy trì vận hành.

Best Inc thì vào cuộc im ắng hơn và mới chỉ trong năm nay, nên hãng này ngoài việc khuyến mại ở một số thời điểm ngắn và bán nhượng quyền thì cũng chưa chứng tỏ được gì nhiều. Tuy nhiên, lịch sử rất dễ lặp lại như câu chuyện J&T, sau khi xây dựng được hạ tầng kho bãi và tuyến tải đường trục, biết đâu Best lại chơi "khô máu" như J&T và đem đến cho người dùng nhiều khuyến mại hot.

3. SỰ LÊN NGÔI CỦA SHOPEE VÀ CUỘC BÁM ĐUỔI CỦA CÁC SÀN TMĐT

Nếu như năm 2019, Shopee mới chỉ nhỉnh hơn 3 sàn đứng sau là Lazada, Tiki và Sendo, thì qua năm 2020 Shopee đã cho thấy sự vượt trội. Theo thống kê của iPrice về lượng truy cập web, thì con số của Shopee bằng 3 sàn đứng sau cộng lại.

Top 9 câu chuyện nổi bật nhất ngành TMĐT và logistics Việt Nam năm 2020, dù bạn bán hay mua hàng online cũng cần biết - Ảnh 2.

Tình hình có thể nhận thấy rõ hơn khi có nhiều tin đồn đoán về sự sáp nhập "tỉ đô" của 2 sàn Sendo và Tiki. Tuy nhiên, càng gần về cuối năm thì thoả thuận này càng có vẻ xa vời, và đâu đó xuất hiện thông tin Tiki sẽ nhận thêm vòng đầu tư mới từ JD để tiếp tục cuộc chiến với Shopee.

Sau vài năm "dập dềnh", Lazada cũng đang cho thấy việc trở lại đường đua trước khi quá muộn với việc bổ nhiệm hàng loạt nhân sự lãnh đạo mới, cũng như thay đổi một số vị trí chủ chốt mảng vận chuyển LeL.

Sự vượt trội của Shopee cũng khiến các đơn vị vận chuyển liên tỉnh trở nên yếu thế. Giờ đây với vị thế là sàn chiếm tới hơn 60% dung lượng vận chuyển qua các sàn TMĐT, Shopee dễ dàng dùng lợi thế của mình để thỏa thuận mức giá thấp hơn với các đơn vị vận chuyển. Ở chiều ngược lại, thay vì phải giảm giá cho nhiều sàn, thì một vài đơn vị vận chuyển như J&T chỉ cần giảm giá mạnh ở Shopee là có lượng đơn lớn để nuôi hệ thống.

4. CÁC SÀN TMĐT ĐẨY MẠNH SHIP HỎA TỐC, SHIP NHANH

Nếu như trước kia chỉ Tiki coi trọng việc ship nhanh 2h, thì giờ đây các sàn khác như Shopee, Lazada cũng đẩy mạnh việc giao hàng trong ngày, 2 – 4 tiếng.

Shopee giao nhanh có khá nhiều lựa chọn, đầu tiên là dùng đội vận chuyển riêng của sàn là Shopee Express, giao trong khoảng 4 tiếng. Hai là dùng shipper của công ty liên kết NowShip và Grab Express, giao trong khoảng 2 tiếng từ lúc shipper nhận hàng từ shop.

Top 9 câu chuyện nổi bật nhất ngành TMĐT và logistics Việt Nam năm 2020, dù bạn bán hay mua hàng online cũng cần biết - Ảnh 3.

Lazada thì vận hành qua đội LeL của sàn và liên kết với AhaMove, để ship nhanh từ 2 đến 3 tiếng.

Thực tế thì thị phần ship hoả tốc nội thành trên các sàn còn khá khiêm tốn so với ship hàng truyền thống. Tuy nhiên, một bộ phận khách hàng có thu nhập khá giờ đây cũng đang rất coi trọng việc có ship nhanh 2h là tiêu chí để sử dụng dịch vụ, vì gần như nhu cầu của họ được đáp ứng ngay lập tức. Giống như việc họ mua hàng trực tiếp từ các shop trong nội thành, và các shop này gọi AhaMove hay GrabExpress để giao hàng vậy. Vì thế, cuộc cạnh tranh ship nhanh hoả tốc hứa hẹn sẽ càng gay gắt hơn trong tương lai.

5. NHIỀU ÔNG LỚN NGOÀI NGÀNH BẮT ĐẦU LẤN SÂN TMĐT

Năm nay, do ảnh hưởng của Covid, nhiều đơn vị bị sụt doanh thu ở mảng kinh doanh chính, vì thế việc lấn sân sang mảng TMĐT là một kênh giúp họ duy trì doanh thu và động lực tăng trưởng.

Dễ thấy nhất là Grab, khi thị trường chở người sụt giảm mạnh trong giai đoạn giãn cách, và doanh thu mảng giao đồ ăn, giao hàng còn nhỏ, chưa thể bù đắp, thì Grab đã mạnh tay thử nghiệm nhiều dịch vụ liên quan TMĐT ở Việt Nam. Đó là Đi chợ hộ GrabMart, liên kết với nhiều siêu thị (BigC) và cửa hàng thực phẩm để vận chuyển đồ ăn tới cho người dùng và Trợ lý Grab Assistant, giúp người dùng mua các món đồ theo ý thích.

Cùng "tông" với Grab, là Be, Baemin, AhaMove với một số dịch vụ như Đi chợ, Mua hộ phục vụ phần nào nhu cầu mua đồ tạp hoá, siêu thị, đồ y tế, phòng dịch của người dân và đáp ứng nhu cầu ở nhà tối đa để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Top 9 câu chuyện nổi bật nhất ngành TMĐT và logistics Việt Nam năm 2020, dù bạn bán hay mua hàng online cũng cần biết - Ảnh 4.

Ở mảng thanh toán, MoMo cũng hợp tác với Co.opmart để giúp người dùng của siêu thị này có thể mua hàng hoá ngay trên ví MoMo. Với lợi thế 20 triệu người dùng, MoMo đang là điểm đến cho một vài chuỗi bán lẻ, siêu thị để chuyển đổi số, nhất là trong mùa dịch cần phải triển khai bán hàng nhanh chóng. Cổng thanh toán VnPay cũng nhanh chân ra mắt tính năng VnShop, giúp người dùng của các ngân hàng có thể mua một số hàng hoá. Điểm đặc biệt là VnPay có mối liên kết với khá nhiều ngân hàng lớn tại Việt Nam, vì thế VnShop hiện giờ cũng có mặt ở khá nhiều app của ngân hàng.

6. ĐẠI CHIẾN THỊ TRƯỜNG GIAO ĐỒ ĂN

Tưởng như năm 2019 thị trường giao đồ ăn đã sốt nóng, nhưng câu chuyện 2020 còn trở nên bùng nổ hơn nữa.

Top 9 câu chuyện nổi bật nhất ngành TMĐT và logistics Việt Nam năm 2020, dù bạn bán hay mua hàng online cũng cần biết - Ảnh 5.

Đầu tiên là với sự gia nhập thị trường của Baemin, ứng dụng tới từ Hàn Quốc. Được người trong ngành đánh giá khá cao vì vận hành ổn định, phát triển dịch vụ đồng đều chứ không dựa vào tăng trưởng quá nóng. Baemin dần chiếm được thị phần TPHCM trước khi tiến quân ra Hà Nội vào hồi giữa năm, sau đúng 1 năm vận hành tại TPHCM. Giờ đây hình ảnh xế Baemin đứng xếp hàng trước các quán ăn "hot" không còn là lạ lẫm, và dần cạnh tranh với hình ảnh xế GrabFood hay NowFood trước đây.

Được sự đầu tư mạnh mẽ của Sea và sự chung tay của các đơn vị khác trong cùng tập đoàn như Shopee, AirPay, NowFood hồi đầu năm tung ra khá nhiều chương trình khuyến mại, freeship để giành lại thị trường từ GrabFood và Baemin.

Sau một thời gian giảm bớt khuyến mại để tập trung vào việc cân bằng kinh doanh mùa dịch, GrabFood dần để thị phần rơi vào tay Now và Baemin, hiện cuộc chiến tập trung chủ yếu ở 2 đối thủ này, nhưng nhiều khả năng GrabFood sẽ quay trở lại mạnh mẽ, sau khi "bình định" thị trường gọi xe.

Go-Jek thì sau việc đổi tên, cũng hoạt động khá cầm chừng cả mảng Ride lẫn Food ở 2 thành phố lớn, giờ đây người ta nhận thấy khá ít màu áo đỏ trên các cung đường.

7. CÁC CHUỖI KINH DOANH OFFLINE LỚN ĐẨY MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ

Covid khiến các chuỗi bán lẻ với hệ thống cửa hàng lớn buộc phải chuyển đổi số mạnh mẽ. Do cửa hàng phải đóng cửa, các chuỗi này tận dụng nhân viên để bán hàng online và ship hàng, giúp doanh nghiệp duy trì trong mùa dịch. Dù rằng doanh thu bán online chưa thể nhiều, và doanh số cũng không so sánh được so với trước dịch, nhưng đó gần như là cửa duy nhất để các doanh nghiệp sống sót.

Top 9 câu chuyện nổi bật nhất ngành TMĐT và logistics Việt Nam năm 2020, dù bạn bán hay mua hàng online cũng cần biết - Ảnh 6.

Sau giãn cách xã hội, khi thói quen mua sắm của người dân thay đổi như đã đề cập trên, các chuỗi offline tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số. Những nỗ lực chuyển đổi số của Highlands Coffee, Co.opmart còn được hỗ trợ bởi các đơn vị khác như MoMo, ZaloPay. Các ví này sở hữu một lượng lớn người dùng, và nhìn thấy cơ hội thâu tóm một số lượng lớn người dùng khác ở các chuỗi bán lẻ. Ngoài ra, việc hợp tác được với các chuỗi lớn, cũng giúp các ví gia tăng lợi thế cạnh tranh và thu hút người dùng, nhất là trong hoàn cảnh cuộc chiến Ví điện tử cực kì khốc liệt như hiện nay.

8. QUẢNG CÁO FACEBOOK, GOOGLE KHÓ KHĂN, NHIỀU DOANH NGHIỆP CHUYỂN SANG CÁC NỀN TẢNG KHÁC HOẶC CÁC SÀN TMĐT 

Tuy chính sách quảng cáo của Facebook siết chặt dần theo từng năm, nhưng năm nay ông lớn khá mạnh tay với thị trường Việt. Một số chuyên gia đưa ra nhận định nguyên do là do năm nay có bầu cử Tổng thống Mỹ, nên Facebook "thà giết nhầm còn hơn bỏ sót", và lý do khác là do các tài khoản hack, quảng cáo chùa (invoice) ở Việt Nam diễn ra tràn lan, nên Facebook cũng phải mạnh tay hơn.

Hệ quả là nhiều người dùng bình thường cũng kêu ca về việc tài khoản quảng cáo Facebook bị khoá, bị xoá không lý do. Và thời gian nhận trả lời, trợ giúp từ đội ngũ hỗ trợ Facebook cũng chậm hơn, liên quan tới số lượng yêu cầu trợ giúp nhiều, và lý do dịch bệnh làm giảm năng suất của đội ngũ này.

Một hệ quả khác, là quảng cáo "đông y" gồm các thuốc chữa các bệnh như trĩ, sỏi thận, cao huyết áp… bị dẹp ở Facebook, liền chuyển sân sang Youtube, khiến người dùng nhức đầu với hàng loạt quảng cáo "Nhà tôi 3 đời chữa…" cứ mỗi 10 phút xem video.

Sự mạnh tay của Facebook, sự chèn ép của các đơn vị "đông y" khiến cho người kinh doanh buôn bán nhỏ gặp khó khăn khi chạy quảng cáo trên 2 nền tảng lớn này. Ngoài ra, những người buôn bán nhỏ, quảng bá sản phẩm qua tài khoản cá nhân cũng chịu ảnh hưởng mạnh vì Facebook tự động nhận diện các bài rao bán, hạn chế lượt hiển thị ở các bài này, ép họ chuyển qua rao tin ở "Market Place".

Top 9 câu chuyện nổi bật nhất ngành TMĐT và logistics Việt Nam năm 2020, dù bạn bán hay mua hàng online cũng cần biết - Ảnh 7.

Vì mảnh đất Facebook không còn dễ dàng, nhiều người phải chuyển qua các mạng quảng cáo nội, Tiktok hay chuyển hẳn qua kinh doanh trên các sàn TMĐT như Shopee, Lazada. Cũng chính từ đó, các lớp học kinh doanh trên sàn TMĐT cũng nở rộ, thu hút hàng đông đảo học viên, dù học phí không hề rẻ.

9. TĂNG THUẾ VAT, CÁC HÃNG VẬN CHUYỂN CÔNG NGHỆ TĂNG CƯỚC 

Hiện chưa có thông tư hướng dẫn, nhưng nghị định 126/2020 quy định một số điều về thuế có hạn áp dụng từ 5/12/2020, nên các doanh nghiệp như Grab, Baemin đã tăng giá dịch vụ của mình.

Điều này đã dẫn đến việc hàng trăm tài xế Grab tắt ứng dụng và đình công, quây kín trụ sở công ty này ở Hà Nội và TPHCM, cũng như diễu hành quanh một số khu vực nội thành.

Top 9 câu chuyện nổi bật nhất ngành TMĐT và logistics Việt Nam năm 2020, dù bạn bán hay mua hàng online cũng cần biết - Ảnh 8.

Việc tăng thuế VAT dẫn tới gián tiếp đẩy các doanh nghiệp tăng giá vận chuyển có thể ảnh hưởng khá nhiều tới việc buôn bán trong nội thành.

Các shop ngoài việc tăng giá ship, hoặc bù lỗ có thể sẽ phải chuyển sang tự đi ship, dùng ship "ruột", dùng ship gọi trên group tìm ship. Bởi ngoài việc tăng giá do thuế VAT, mùa cuối năm các ứng dụng ship hàng cũng thường tự nhân giá cước, do thiếu xế, tắc đường.

Theo Hoàng Sửu

Trí thức trẻ

Trở lên trên