MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Top những điều thú vị về quốc gia vừa vượt Lào trở thành nơi được Việt Nam đầu tư nhiều nhất

29-10-2022 - 00:32 AM | Tài chính quốc tế

Top những điều thú vị về quốc gia vừa vượt Lào trở thành nơi được Việt Nam đầu tư nhiều nhất

Top 1: GDP/đầu người năm 2021 đạt gần 72.800 USD.

Thông tin từ Bộ kế hoạch Đầu tư cho biết với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 75,3 triệu USD, Singapore đã vượt Lào trở thành quốc gia được Việt Nam đầu tư nhiều nhất trong 10 tháng đầu năm 2022. Dù chỉ có dân số khoảng 5,8 triệu người nhưng GDP của quốc gia này lên tới 379 tỷ USD trong năm 2021. Đây là nền kinh tế lớn thứ 38 thế giới theo GDP (số liệu năm 2020).

Vì sao Singapore hấp dẫn doanh nghiệp nước ngoài?

Khi nhắc tới Singapore, người ta sẽ ngay lập tức nghĩ đến một thị trường mở rất phát triển với các đặc điểm khác nhau. Thậm chí, nền kinh tế này còn được xếp hạng mở nhất trên thế giới và gần như không tồn tại tình trạng tham nhũng. Đây cũng là nền kinh tế tạo điều kiện cho kinh doanh nhất trên thế giới.

Quốc gia này duy trì thuế suất thấp. Mức thuế thu nhập cá nhân cao nhất ở Singapore là 22% còn mức thuế doanh nghiệp cao nhất là 17%. GDP bình quân đầu người cao hàng đầu thế giới nếu tính theo sức mua tương đương (PPP). Vào năm 2021, GDP/đầu người của Singapore đạt gần 72.800 USD.

Top những điều thú vị về quốc gia vừa vượt Lào trở thành nơi được Việt Nam đầu tư nhiều nhất - Ảnh 1.

Pháp lý và thuế thân thiện với doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng hiện đại và quy trình quản lý đáng tin cậy giúp quốc gia này tạo ra một môi trường thương mại tích cực. Ngoài ra, Singapore có 27 hiệp định thương mại đang còn hiệu lực với nhiều ưu đãi thuế. Đặc biệt, các doanh nghiệp nước ngoài được đối xử bình đẳng như doanh nghiệp trong nước ở Singapore.

Bên cạnh sự “thân thiện”, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài nước, nền kinh tế Singapore cũng có sự đóng góp to lớn của các doanh nghiệp nhà nước. Quỹ đầu tư nhà nước Temasek nắm giữ phần lớn cổ phẩn tại các công ty hàng đầu, chẳng hạn như Singapore Airlines, SingTel, ST Engineering và MediaCorp.

Ngoài ra, vị thế chiến lược, với các cảng biển quan trọng, cũng giúp Singapore hấp dẫn hơn so với các nước láng giềng. Tỷ lệ thương mại trên GDP của Singapore vào năm 2020 là 320%, cao nhất thế giới. Các cảng biển của Singapore cũng nằm trong nhóm những cảng trung chuyển nhộn nhịp nhất.

Dù nhỏ bé những Singapore vẫn có những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh gồm điện tử, hóa chất và dịch vụ. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng hiện đại cùng vị trí chiến lược giúp Singapore được nhiều doanh nghiệp toàn cầu lựa chọn đặt trụ sở vùng. Quốc đảo này cũng khá nổi tiếng với du lịch chữa bệnh, du lịch đô thị hay các hình thức du lịch công tác khác”.

Hành trình lột xác của đảo quốc sư tử

Sau khi tách khỏi Malaysia năm 1965, nền kinh tế Singapore không có gì ngoài khó khăn. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu đã lựa chọn đường lối đúng và đưa quốc đảo vượt lên một cách ngoạn mục. Sau quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng những năm 1960, sự phát triển của Singapore đã đi vào quỹ đạo và sản xuất trở thành động lực.

Vào đầu những năm 1970, Singapore đã đạt được toàn dụng lao động (tình trạng tất cả người trong độ tuổi làm việc đều có việc làm) và đứng cùng hàng ngũ với các nền kinh tế Hồng Kông, Hàn Quốc và Đài Loan trong vị thế con hổ của châu Á. Các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ vẫn là hai trụ cột chính của nền kinh tế có giá trị gia tăng rất cao của Singapore.

Top những điều thú vị về quốc gia vừa vượt Lào trở thành nơi được Việt Nam đầu tư nhiều nhất - Ảnh 2.

Cùng với đó, Singapore cũng đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất giá trị, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử và cơ khí chính xác. Các lĩnh vực khác như thông tin và truyền thông; tài chính và bảo hiểm… cũng bùng nổ. Nằm ở vị trí đặc biệt, với cảng huyết mạch, Singapore không chỉ trở thành trung tâm trung chuyển mà còn đảm trách vai trò trung tâm kinh tế của khu vực và thế giới.

Trong suốt lịch sử của mình, Singapore được hưởng lợi từ các dòng vốn FDI từ các nhà đầu tư toàn cầu. Môi trường đầu tư hấp dẫn cùng nền chính trị ổn định và thuận lợi suốt nhiều thập niên khiến quốc đảo nhỏ bé này vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu của nhiều doanh nghiệp, tổ chức.

Tuy nhiên, quốc gia này rất nghèo tài nguyên, khoáng sản, bao gồm cả tài nguyên đất và nước nên chủ yếu phải phụ thuộc nhập khẩu. Nông nghiệp của Singapore là nông nghiệp công nghệ cao, với nhiều trang trại thủy canh thẳng đứng. Dẫu vậy, quốc gia này vẫn được xếp hạng là một trong những nước có khả năng đảm bảo an ninh lương thực nhất trên thế giới thông qua qua số lượng lớn nhà cung cấp khác nhau.

Do không được thiên nhiên ưu ái, Singapore xác định nguồn nhân lực chính là yếu tố then chốt với sức khỏe của nền kinh tế. Các ngành dịch vụ và sản xuất của nền kinh tế chủ yếu vào lực lượng lao động chuyên nghiệp, cơ chế quản lý, điều hành ưu việt và trình độ khoa học kỹ thuật. Họ cũng nhập khẩu nguồn lao động chất lượng cao từ nước ngoài. Thậm chí, Singapore còn có Bộ Nhân lực, chịu trách nhiệm chính cho nguồn tài nguyên quý báu này.

Dù có tốc độ tăng trưởng cao trong suốt nhiều năm nhưng giai đoạn 5 năm vừa qua (trừ 2020 bị giảm do đại dịch Covid-19), kinh tế Singapore nhìn chung đã tăng trưởng chậm lại. Ngay cả như vậy, chỉ số tự do kinh tế của Singapore vẫn được duy trì ở mức rất cao, thậm chí tiệm cận so với đỉnh. Đến nay, Singapore là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất thế giới, với môi trường pháp lý thân thiện cho doanh nghiệp cùng tỷ lệ thất nghiệp rất thấp.

Nguồn: Tổng hợp

Linh Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên