MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tốt nghiệp 7 năm mà không trả nổi tiền thuê nhà: Nghèo có thể do xuất thân không tốt, vận may kém nhưng để nghèo quá lâu chắc chắn là lỗi của bạn!

10-10-2018 - 11:53 AM | Sống

Trước ba mươi tuổi mà nghèo thì ngoài năng lực, vấn đề còn nằm ở vận may. Nhưng sau ba mươi tuổi mà vẫn nghèo thì mọi thứ đã trở nên nghiêm trọng.

Chồng tôi gọi điện nói rằng phải tiếp khách nên không về nhà ăn cơm, tôi vội hẹn bạn thân đi ăn hải sản. Giờ đang là đầu mùa hè, tìm một nơi thoáng đãng ngoài trời ăn hải sản nướng tươi ngon, hương vị đó tuyệt hơn ăn ở nhà hàng năm sao rất nhiều.

Vừa ngồi xuống, bạn thân đã liếc mắt ra hiệu với tôi, tôi nhìn theo ánh mắt của cô ấy thì thấy một đôi nam nữ đang nhỏ giọng tranh cãi.

Chàng trai nói: "Anh xin em cho anh thêm một cơ hội, đừng chia tay được không?"

Cô gái tỏ vẻ rất kiên nhẫn: "Em đã cho anh rất nhiều cơ hội rồi, năm nay em đã ba mươi tuổi, em không đợi được nữa, bọn mình chia tay đi!"

Chàng trai đau khổ cầu xin, thái độ rất đau thương nhưng cô gái không hề động lòng, khuôn mặt hờ hững lạnh nhạt.

Bạn thân vụng trộm nói với tôi: "Xưa toàn thấy phụ nữ cuồng si đàn ông phụ lòng, giờ lại là đàn ông níu kéo phụ nữ tuyệt tình."

Tôi ra hiệu bảo cô ấy nghe tiếp, chàng trai vẫn tiếp tục cầu xin, cô gái vẫn không hề động lòng.

Rốt cuộc chàng trai mất hết kiên nhẫn, hét lên: "Rốt cuộc em có yêu anh không? Anh chỉ xin em một cơ hội thôi, em lại vội đi lấy chồng giàu thế ư? Nếu anh giàu thì em có làm vậy không? Phụ nữ bây giờ toàn người thực dụng thế à? Vậy tình cảm của chúng ta là gì, là gì hả!"

Các vị khách khác ồ ạt quay đầu nhìn cô gái kia với ánh mắt khiển trách, nhưng cô ấy chẳng chịu yếu thế: "Tôi đã biết anh nghèo ngay từ đầu, nếu ham tiền thì tôi đã chẳng bao giờ yêu anh. Tôi yêu anh mười năm, chúng ta cũng tốt nghiệp bảy năm rồi, trong bảy năm qua tôi cho anh bao nhiêu cơ hội nhưng kết quả thế nào? Bây giờ đến tiền thuê nhà chúng ta cũng sắp không trả nổi nữa, tôi không thấy chúng ta có tương lai. Dù anh nói thế nào thì lần này tôi cũng muốn chia tay."

Cô gái ấy nói xong thì đứng dậy đi thẳng, chàng trai kia cầm chai bia trên bàn câm phẫn đập xuống đất: "Tại sao? Tại sao? Không lẽ người nghèo thì không có quyền được yêu?"

Tốt nghiệp 7 năm mà không trả nổi tiền thuê nhà: Nghèo có thể do xuất thân không tốt, vận may kém nhưng để nghèo quá lâu chắc chắn là lỗi của bạn! - Ảnh 1.

Những người khác bắt đầu xì xào bàn tán, tôi và bạn thân cũng không ngoại lệ. Tôi cứ tưởng rằng bạn thân sẽ thông cảm cho chàng trai này, ngờ đâu cô ấy lại nhìn theo bóng lưng khuất dần của cô gái kia: "Xin chúc mừng, cuối cùng cô ấy cũng có một quyết định chính xác là bỏ quách thằng cha nghèo mạt kiếp này đi."

Tôi tức giận lườm cô ấy: "Cậu không thông cảm cho người ta à?" Bạn thân tôi hừ lạnh: "Thông cảm gì chứ? Vậy cũng phải xem người đó thế nào, tớ không bao giờ thông cảm cho một kẻ nghèo mạt kiếp."

Tôi cười, cốc đầu cô ấy: "Tích khẩu đức đi người ơi, trên đời lúc nào chẳng có người giàu người nghèo, đừng mắng người ta nghèo mạt rệp nữa."

Bạn thân vẫn không chịu nhường: "Cậu không nghe thấy à? Hai người họ đã tốt nghiệp bảy năm rồi, mà đến tiền thuê nhà cũng sắp không trả nổi. Một người đàn ông chỉ cần nghiêm túc một chút, chăm chỉ một chút, chú tâm một chút, thì trong bảy năm đã tích cóp đủ tiền mua một căn nhà nhỏ từ lâu rồi. Tới giờ anh ta vẫn nghèo kiết xác thì đây không còn là vấn đề nghèo hay không nữa, mà là thái độ với cuộc sống, thậm chí là vấn đề nhân phẩm, mới dẫn đến việc bây giờ anh ta còn là một kẻ vô tích sự, đến bạn gái cũng rời xa anh ta. Người đáng thương ắt có điểm đáng trách, trước đây thấy người khác nghèo, tớ cũng sẽ thông cảm, nhưng tớ dần nhận ra, người ta nghèo không phải tại số, mà tại chính bản thân người đó."

Tôi không khỏi gật đầu, bạn thân nói rất có lý.

"Hầu hết người nghèo đều lấy cha mẹ, lấy xuất thân của mình ra để bao biện. Xuất thân của mỗi người không giống nhau, nên điểm xuất phát của mỗi người cũng khác nhau, sự khác biệt này tồn tại một cách khách quan. Nhưng nếu không cần cực kỳ giàu có, chỉ cần đủ ăn đủ mặc thì cố gắng một chút là làm được thôi. Bảy năm là quá đủ để một người đàn ông đứng vững trong xã hội, thậm chí có thành tựu nhất định.

Nghèo thì phải cố gắng thay đổi hiện trạng, phải ra sức tìm cơ hội, phải vững vàng đi từng bước. Trước ba mươi tuổi mà nghèo thì ngoài năng lực, vấn đề còn nằm ở vận may. Nhưng sau ba mươi tuổi mà vẫn nghèo thì mọi thứ đã trở nên nghiêm trọng. Nếu nói con người không thể chọn xuất thân, vậy học thức và năng lực chỉ cần cố gắng là có thể đạt được. Nếu cứ khăng khăng đổ lỗi cho cha mẹ thì chỉ khiến người ta có thêm một điểm xấu – vô trách nhiệm! Người cứ nghèo mãi chỉ có hai vấn đề: Chí lớn tài mọn hoặc dày ăn mỏng làm, người như vậy thì sẽ nghèo mãi thôi."

Tốt nghiệp 7 năm mà không trả nổi tiền thuê nhà: Nghèo có thể do xuất thân không tốt, vận may kém nhưng để nghèo quá lâu chắc chắn là lỗi của bạn! - Ảnh 2.

Tôi không khỏi nhớ tới một người họ hàng, từ năm hai mươi mấy tuổi anh ta đã tuyên bố mình phải nổi bật hơn người, làm rạng danh tổ tông. Cha mẹ và vợ anh ta nghe vậy thì rất vui mừng, ai nấy đều ủng hộ anh ta. Sau đó anh ta bắt đầu kinh doanh, nửa năm sau thua lỗ mất trắng. Anh ta nói với cha mẹ và vợ: "Lần này con không gặp may, lần sau chắc chắn con sẽ thành công." Cả nhà lại lấy hết vốn liếng ra để anh ta tiếp tục lập nghiệp, lần này lại thua lỗ hết. Cha mẹ và vợ anh ta không chịu nổi nữa, bèn khuyên anh ta an phận tìm việc, nuôi gia đình cho tốt đi đã!

Nhưng nghe mọi người khuyên vậy, anh ta bèn kêu lên: "Con muốn làm việc lớn, kiếm nhiều tiền, không thể đi làm công cho người ta được. Đám chủ đó là cái thá gì chứ, sau này gặp con bọn họ cũng phải cúi đầu nịnh nọt."

Cứ vạ vật như vậy suốt năm năm, việc chẳng thành mà tiền cũng chẳng có, bao nhiêu của cải đều mất hết. Nhưng anh ta không kiểm điểm lại bản thân, mà còn oán trách người khác không tinh mắt nên không cho mình cơ hội, hoặc trách móc ông trời không có mắt nên không ban tài vận cho anh ta. Người thân lại khuyên anh ta yên phận tìm việc, đừng làm khổ mọi người nữa, nhưng anh ta vẫn cố chấp: "Tìm việc? Việc gì xứng với con? Mời con làm giám đốc con cũng chẳng thèm, với khả năng của con thì làm Chủ tịch tính còn là phí đấy."

Dần dần mọi người xung quanh đều mặc xác anh ta, giờ anh ta đã hơn 50 tuổi, vẫn là loại vô tích sự như xưa, ngày ngày than trời than đất. Cha mẹ hơn 80 tuổi của anh ta cũng đành cần rằng chịu đựng, người vợ tầm tuổi anh ta mắc đủ chứng bệnh vì phải làm việc quần quật để nuôi nấng hai con. Nhưng anh ta vẫn cho rằng tất cả là tại số, gặp ai cũng chém gió nói dóc, bây giờ tới cô con gái cũng không để ý đến anh ta nữa.

Quanh tôi cũng có kha khá người yêu những chàng trai nghèo, bọn họ nghĩ đây mới là tình yêu chân thành, thứ tình yêu không thể bị vấy bẩn bởi tiền tài được. Tình cảm hoạn nạn có nhau thì mới lâu dài, ai nấy đều phấn đấu quên mình, định bụng cùng bạn trai tạo ra tương lai tốt đẹp. Nhưng giờ nhìn lại, có mấy đôi đã chia tay đường ai nấy đi, mấy đôi khác cũng chỉ gắng gượng yêu nhau. Còn những người có thể sống trong cảnh "một mái nhà tranh hai trái tim vàng" thì tôi gần như không thấy.

Vì cuộc sống là hiện thực, nên dù tình yêu có thuần túy tới đâu thì cuộc sống cũng cần có cơ sở tiền tài vật chất, chúng ta có thể thỏa mãn nhu cầu tinh thần bằng tình yêu, nhưng sinh con, nuôi con, mọi thứ đều không thể thiếu vật chất. Nhất là sau khi có con, bản thân khổ có thể cắn răng chịu đựng, nhưng lại luôn mong con cái có thể sống tốt hơn một chút. Cụm "tốt hơn một chút" này phải dựa vào kinh tế, thấy con mình ăn, mặc không bằng con người ta thì làm sao hạnh phúc nổi cơ chứ?

Nhưng những nguyên nhân này cũng chưa đủ để khiến những phụ nữ đã bước vào hôn nhân muốn ly hôn, bởi vốn dĩ họ không chọn những người đàn ông ấy vì tiền.

Tốt nghiệp 7 năm mà không trả nổi tiền thuê nhà: Nghèo có thể do xuất thân không tốt, vận may kém nhưng để nghèo quá lâu chắc chắn là lỗi của bạn! - Ảnh 3.

Phần lớn phụ nữ từng lấy đàn ông nghèo nói với tôi rằng: "Tôi chẳng chê anh ta nghèo, nhưng tôi không thể chịu được việc anh ta không có chí tiến thủ, tôi thấy cuộc sống như vậy không có tương lai."

Hơn nữa đàn ông không có chí tiến thủ thường rất lười, một người vừa lười trong sinh hoạt vừa lười trong công việc, đừng mong anh ta chăm chỉ làm việc nhà, bởi vậy lấy một người như vậy thì chẳng khác nào hầu hạ lão phật gia.

Ngoài ra những người đàn ông này còn có một đặc điểm: Rất thích vu vạ cho người phụ nữ của mình. Chỉ cần người phụ nữ tỏ ra khó chịu với anh ta, anh ta sẽ tức điên lên: "Sao hả? Khinh tôi à? Sao cô lại tầm thường vậy hả? Giờ tôi mới biết cô là loại người như thế đấy, hám lợi, háo danh, chẳng có ưu điểm gì hết."

Nếu người phụ nữ kia không chịu nổi nữa mà rời bỏ, anh ta sẽ than thở khắp nơi: "Tôi yêu cô ấy lắm, nhưng bao nhiêu năm tình cảm cũng chẳng địch lại sự mê hoặc của tiền tài, vì tôi nghèo nên cô ấy mới bỏ tôi mà đi."

Thế là những người không hiểu rõ mọi chuyện sẽ ra sức chỉ trích người phụ nữ, mắng cô ấy vô tình vô nghĩa. Dù cô gái ấy – sau khi dâng hiến tình yêu và cả tuổi thanh xuân của mình, sống vô số ngày nghèo khổ - cũng chỉ đổi lại được những lời nhận xét bản thân ham tiền háo danh, vô tình vô nghĩa.

Đàn ông nghèo nhất thời không đáng sợ, ai vừa tốt nghiệp chẳng nghèo, các cụ cũng có câu "Đừng chê thiếu niên nghèo" đấy thôi. Mà đáng sợ là loại đàn ông có tính cách và tư duy bần cùng.

Một người đàn ông luôn tỏ ra tôn sùng tình yêu, luôn nói rằng thiếu bạn thì anh ta không sống nổi, nhưng lại không chịu cố gắng vươn lên để cho bạn một tương lai tốt đẹp hơn, vậy bạn hãy bỏ quách anh ta đi cho xong!

* Trích cuốn sách "Bạn đắt giá bao nhiêu?"- Tác giả Vãn Tình.

Theo Mai Lâm

Trí thức trẻ

Trở lên trên