TP. HCM, Bình Dương, Hậu Giang... tập trung vào hoạt động đầu tư nào trong tuần qua?
Trong khi TP. HCM đưa ra những cam kết về tập trung hỗ trợ nhà đầu tư vào công nghiệp phụ trợ và trung tâm tài chính, Hậu Giang đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp và logistics 5 năm 2021 - 2025 nhằm đạt những mục tiêu như tốc độ tăng trưởng (GRDP) lĩnh vực công nghiệp giai đoạn này bình quân 12,28%/năm; cơ cấu kinh tế của ngành công nghiệp tăng từ 20,24% năm 2020 lên 25,29% năm 2025...
- 17-04-2021Lotte dự kiến đóng cửa Lotteria ở Việt Nam do kém hiệu quả?
- 16-04-2021WB: Bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam đầu năm 2021 có gì mới?
- 16-04-2021Tổng thống Biden đề cử ông Marc Knapper làm tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam
- 16-04-2021CEO dự án điện khí 6 tỷ USD chỉ ra điểm lạ của PCI 2020
Cam kết hỗ trợ nhà đầu tư vào công nghiệp phụ trợ và trung tâm tài chính TP. HCM
Ngày 14/4/2021, tại TP. HCM, Chủ tịch UBND thành phố đã nhấn mạnh trong cuộc họp với các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại TP. HCM rằng công nghiệp hỗ trợ là một trong những ngành được định hướng phát triển chiến lược của TP. HCM.
Đặc biệt, khi các nhà đầu tư đầu vào ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất khi tiếp cận nguồn lực đất đai, cũng như thuế nhập khẩu đầu tư tài sản cố định, theo Luật Đầu tư 2020.
Bên cạnh đó, TP. HCM còn có chính sách hỗ trợ lãi vay theo Nghị quyết 16/2018/NQ-HĐND (hết hạn vào 31/12/2020). "Thành phố đã trình HĐND Thành phố để gia hạn thời gian thực hiện chính sách. Trong thời gian tới, chính sách hỗ trợ sẽ được định hướng mở rộng hơn" ông Nguyễn Thành Phong thông báo.
Ngoài ra, hiện thành phố đang xây dựng đề án thành lập trung tâm tài chính Việt Nam, đặt tại Thủ Thiêm, Thành phố Thủ Đức. "Nhà đầu tư quan tâm về đầu tư hạ tầng hoặc công nghệ dịch vụ tài chính cao cấp cho trung tâm tài chính sẽ được hưởng ưu đãi theo Luật Đầu tư 2020. Ngoài ra, đầu tư vào lĩnh vực tài chính vĩ mô cũng được hưởng ưu đãi thêm phù hợp chính sách tùy theo quy mô từng dự án ", ông Nguyễn Thành Phong nói.
Nhà máy nước vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng tại Bình Dương được đưa vào hoạt động
Ngày 15/4, Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (BIWASE) đã đưa Dự án Nhà máy nước Tân Hiệp, công suất tăng thêm 100.000 m3/ngày đêm vào hoạt động. Sau hơn 1 năm tìm hiểu và đàm phán, BIWASE đã đạt được thỏa thuận và ký hợp đồng vay 16 triệu USD đồng tài trợ của ADB và JICA bằng tín chấp, không qua bảo lãnh của Chính phủ, để đầu tư nâng công suất nhà máy nước Tân Hiệp (TP mới Bình Dương) thêm 100.000 m3/ngày đêm.
Đến nay, dự án mở rộng Nhà máy nước Tân Hiệp công suất tăng thêm 100.000 m3/ngày đêm đã hoàn thành, nâng tổng công suất cấp nước lên 250.000 m3/ngày đêm, góp phần cung cấp nước đầy đủ cho khu vực Thành phố mới Bình Dương, thị xã Bến Cát và vùng lân cận, nâng cao dịch vụ cấp nước theo hướng thành phố thông minh, hiện đại.
Dự án được chia làm 3 gói thầu chính gồm: Công trình thu – trạm bơm nước thô quy mô 600.000m3/ngày đêm; tuyến ống nước thô D1500mm với quy mô 300.000m3/ngày đêm và Nhà máy xử lý công suất 100.000 m3/ngày đêm.
Hạng mục đầu tiên của dự án là trạm bơm nước thô được khởi công hồi tháng 5/2019. Trong năm 2020, Việt Nam cũng như thế giới chịu tác động sâu sắc của đại dịch Covid - 19, nhiều hoạt động bị ngưng trệ. Tuy nhiên, với quyết tâm và nỗ lực cao của BIWASE, dự án vẫn được triển khai để khi hoàn thành tỉnh Bình Dương có thể đón luồng sóng đầu tư mới, nắm bắt cơ hội khi đại dịch được kiểm soát tốt.
Hậu Giang đầu tư trên 113.000 tỷ đồng thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp và logistics
Vừa qua, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp và logistics tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021 - 2025.
Mục tiêu tỉnh Hậu Giang đặt ra là tốc độ tăng trưởng (GRDP) lĩnh vực công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 12,28%/năm; cơ cấu kinh tế của ngành công nghiệp tăng từ 20,24% năm 2020 lên 25,29% năm 2025; giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 12,95%/năm, quy mô ngành công nghiệp đạt 77.626 tỷ đồng vào năm 2025.
Trên địa bàn tỉnh hình thành 3 trung tâm logistics lớn gồm: Trung tâm logistics Mekong, Khu trung tâm logistics Hậu Giang, Trung tâm Logistics Nông sản xuất khẩu Hậu Giang. Mời gọi đầu tư các trung tâm logistics tiềm năng tại: Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, Cụm công nghiệp kho tàng bến bãi Tân Tiến, Trung tâm logistics tại cụm công nghiệp Tân Thành.
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp và logistics tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021 - 2025 là trên 113.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương trên 14.678 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 4.378 tỷ đồng và vốn tư nhân ( doanh nghiệp ) trên 94.000 tỷ đồng.