TP HCM cấm đường để bắn pháo hoa, lộ trình thay thế ra sao?
Đêm 2-9, TP HCM sẽ tổ chức bắn pháo hoa ở 2 điểm. Điểm tầm cao tại nóc hầm vượt sông Sài Gòn (quận 2) và điểm tầm thấp tại Công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11).
- 23-08-2018TPHCM bắn pháo hoa 2 điểm ngày Quốc khánh 2/9
- 01-05-2018Biển người đổ ra bờ sông Sài Gòn xem bắn pháo hoa
- 28-04-2018Những tuyến đường cấm xe trong đêm bắn pháo hoa mừng lễ 30/4 ở TP HCM
- 15-04-2018Những nơi nào ở TP.HCM bắn pháo hoa dịp lễ 30-4?
Theo kế hoạch tổ chức các hoạt động nhằm kỷ niệm 73 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 của UBND TP HCM, TP sẽ bắn pháo hoa nghệ thuật tại 2 điểm trong đêm Quốc khánh.
Điểm tầm cao tại nóc hầm vượt sông Sài Gòn, quận 2. Điểm tầm thấp tại Công viên văn hóa Đầm Sen, quận 11. Thời gian bắn pháo hoa từ 21 giờ đến 21 giờ 15 đêm 2-9; được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình TP. Kinh phí thực hiện bắn pháo hoa từ các nguồn xã hội hóa.
Để đảm bảo an toàn cho chương trình bắn pháo hoa vào đêm Quốc khánh, Sở GTVT đã tiến hành phân luồng giao thông khu vực Đường hầm sông Sài Gòn.
Theo đó, từ 20 giờ, ngày 2-9 đến 4 giờ, ngày 3-9, cấm xe 2 bánh lưu thông trên một số tuyến đường sau: đường Võ Văn Kiệt: đoạn từ đường Ký Con đến đầu hầm sông Sài Gòn; đường hầm sông Sài Gòn; đường Mai Chí Thọ: đoạn từ hầm sông Sài Gòn đến đường Nguyễn Cơ Thạch.
Kể từ 20 giờ đến 21 giờ 30 ngày 2-9, cấm tất cả các loại phương tiện lưu thông vào các tuyến đường sau: đường Nguyễn Tất Thành: đoạn từ đường Hoàng Diệu đến cầu Khánh Hội; đường Tôn Đức Thắng: đoạn từ Công trường Mê Linh đến cầu Khánh Hội; đường Đồng Khởi: đoạn từ đường Ngô Đức Kế đến đường Tôn Đức Thắng; đường Hải Triều: đoạn từ đường Hồ Tùng Mậu đến đường Nguyễn Huệ; đường Hàm Nghi: đoạn từ đường Hồ Tùng Mậu đến đường Tôn Đức Thắng; đường Nguyễn Huệ: đoạn từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Tôn Đức Thắng; đường Mạc Thị Bưởi và đường Ngô Đức Kế: đoạn từ đường Đồng Khởi đến đường Nguyễn Huệ.
Nhằm hạn chế ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, sở cũng đưa ra lộ trình lưu thông thay thế:
Lộ trình từ quận 1 về quận 2: Võ Văn Kiệt (quận 1) → Ký Con → Trần Hưng Đạo → Phạm Ngũ Lão → Công trường Quách Thị Trang → Lê Lợi → Pasteur → Lý Tự Trọng → Tôn Đức Thắng → Nguyễn Hữu Cảnh → cầu Thủ Thiêm → Nguyễn Cơ Thạch → Mai Chí Thọ (quận 2).
Lộ trình từ quận 1 đi quận 4: đường Tôn Đức Thắng (quận 1)→ Công trường Mê Linh → đường Hai Bà Trưng → đường Nguyễn Du → đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa → đường Nguyễn Thái Bình hoặc đường Nguyễn Công Trứ → đường Calmette → cầu Calmette → đường Đoàn Văn Bơ → đường Hoàng Diệu → đường Nguyễn Tất Thành (quận 4).
Lộ trình từ quận 2 đi quận 1: Mai Chí Thọ (quận 2) → Nguyễn Cơ Thạch → cầu Thủ Thiêm → Nguyễn Hữu Cảnh → Lê Thánh Tôn → Nam Kỳ Khởi Nghĩa → Võ Văn Kiệt (quận 1).
Lộ trình từ quận 4 đi quận 1: đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) → đường Hoàng Diệu → đường Đoàn Văn Bơ → cầu Calmette → đường Calmette → đường Trần Hưng Đạo → đường Phạm Ngũ Lão → Công trường Quách Thị Trang → đường Lê Lợi → đường Pasteur → đường Lý Tự Trọng → đường Tôn Đức Thắng (quận 1).
Sở Giao thông Vận tải cũng lưu ý người dân khi tham gia lưu thông không được phép dừng đỗ xe hoặc tập trung trên cầu Khánh Hội, cầu Móng, cầu Calmette, cầu Ông Lãnh, cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn, cầu Phú Mỹ, các cầu trên tuyến đường Mai Chí Thọ và trên nóc hầm vượt sông Sài Gòn để xem pháo hoa.
Triển lãm ảnh thành quả Cách mạng Tháng Tám
Sáng 31-8, Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày Lễ lớn TP HCM tổ chức khai mạc triển lãm ảnh phát huy thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước tại đường Nguyễn Huệ (quận 1).
Bộ ảnh giới thiệu khái quát hoàn cảnh lịch sử và các phong trào đấu tranh cách mạng của quân và dân ta diễn ra liên tục từ sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 với đỉnh cao là cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiếp đó, cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn dân, toàn quân ta tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập dân tộc, đưa cả nước đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội từ mùa Xuân năm 1975.
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm ảnh
Sau ngày thống nhất, kế thừa, vận dụng và phát huy tinh thần quật khởi của Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc, đặc biệt trong hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo tiền đề tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Các đại biểu tham quan triển lãm ảnh
Cùng thời điểm này, tại đường Đồng Khởi, ban tổ chức cũng trưng bày triển lãm với chủ đề "Việt Nam mến yêu" và "Thành phố mang tên Bác - khát vọng vươn cao". Triển lãm trưng bày những bức ảnh nghệ thuật giới thiệu các di sản thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa thế giới, khu dự trữ sinh quyển thế giới được tổ chức UNESCO công nhận tại Việt Nam; những khoảnh khắc đẹp về đất nước, con người Việt Nam trên mọi miền tổ quốc sau 73 năm đất nước được hòa bình, độc lập và phát triển.
Bên cạnh đó là những thành tựu tiêu biểu về kinh tế, văn hóa, xã hội của TP HCM trong những năm gần đây đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, phát triển chung của cả nước.
Ngoài ra, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng vào sáng 1-9.
Tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân tại các quận, huyện ngoại thành sẽ được tổ chức vào tối 2-9. TP cũng tổ chức cuộc đua xe đạp "Vòng quanhTP" năm 2018.
Người lao động