MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP HCM chuyển đổi số để tạo đột phá

07-01-2023 - 17:35 PM | Kinh tế số

Cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của doanh nghiệp. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của doanh nghiệp. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Triển khai chính quyền số, TP HCM sẽ giảm số lượng các dịch vụ công rời rạc, thủ công và nâng cao độ hài lòng cho người dân

Trong những năm gần đây, đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số (CĐS) luôn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của TP HCM. Thành phố đặt ra tầm nhìn đến năm 2030, trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, các doanh nghiệp (DN) số và sự thịnh vượng, văn minh của xã hội số.

Cổng dịch vụ công trực tuyến duy nhất

Thực hiện triển khai chương trình CĐS và đề án Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh đến năm 2025, TP HCM đã đưa vào vận hành "Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP HCM" tại địa chỉ https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn, trên cơ sở hợp nhất cổng dịch vụ công trực tuyến và các phần mềm một cửa điện tử rời rạc trên toàn địa bàn thành phố.

Theo đó, các cá nhân, DN, tổ chức sẽ được xác minh và cấp một tài khoản duy nhất để thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với tất cả dịch vụ hành chính công các cấp trên một cổng duy nhất. Hệ thống sẽ cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 đối với các thủ tục đủ điều kiện, trong đó có nhiều dịch vụ công thiết yếu, sử dụng xác thực, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) thành phố Lâm Đình Thắng cho biết chiến lược triển khai chính quyền số TP HCM sẽ giảm số lượng các dịch vụ công rời rạc, thủ công và nâng cao độ hài lòng cho người dân bằng cách tập trung sử dụng hiệu quả dữ liệu, ứng dụng các công nghệ phù hợp để hỗ trợ giải quyết kịp thời các yêu cầu xử lý thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi. "Bảo đảm mọi người dân và DN tiếp cận tiện ích của các dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện trên cơ sở hạ tầng thông tin số rộng khắp" - Giám đốc Sở TT-TT Lâm Đình Thắng khẳng định.

Đưa tiện ích đến người dân, doanh nghiệp

Với mục tiêu thực hiện nhanh, hiệu quả việc CĐS, hoàn thiện chính quyền số gắn kết với xây dựng thành phố thông minh, công tác CĐS năm 2022 của thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực. TP HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành vấn đề số hóa 4 loại sổ hộ tịch gồm: đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử và đăng ký nhận cha, mẹ, con, với tổng số khoảng 12 triệu hồ sơ.

TP HCM đã triển khai và tích hợp dữ liệu về hệ thống thoát nước; hệ thống chiếu sáng đô thị; hệ thống công viên cây xanh; xử lý nước thải; dữ liệu hạ tầng giao thông (cầu, đường, tín hiệu giao thông); dữ liệu điện lực; dữ liệu bản đồ địa chính, địa hình; dữ liệu quy hoạch đô thị về kho dữ liệu dùng chung của thành phố. Thành phố đang tổ chức thử nghiệm chia sẻ và khai thác dữ liệu nền thông tin địa lý tỉ lệ 1:2000, 1:5000 khu vực TP Thủ Đức. Hiện tại, dữ liệu nền thông tin địa lý gồm 87 lớp dữ liệu (nền địa lý, cơ sở đo đạc, dân cư, giao thông, thủy văn, địa hình, phủ bề mặt, biên giới địa giới).

Đặc biệt, TP HCM đã phát triển nhiều ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ người dân và DN. Điển hình như Cổng thông tin 1022 tiếp nhận và giải đáp thông tin với sự tham gia của 86 đơn vị và 625 đầu mối xử lý là chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng. Đây là kênh giao tiếp giữa chính quyền với người dân để tiếp nhận thông tin phản ánh trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như: hạ tầng kỹ thuật đô thị (điện, cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, viễn thông...), tài nguyên - môi trường, trật tự đô thị, tiếng ồn đô thị...; ý kiến, góp ý, hiến kế của người dân gửi đến lãnh đạo để xây dựng và phát triển thành phố. Ngoài ra, còn có hệ thống tổng đài khẩn cấp liên thông 113 - 114 - 115 và phòng chống thiên tai phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. Bên cạnh đó, thành phố đang tích cực triển khai chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh (smartphone) có kết nối internet cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.

Trong năm 2022, thông qua hệ thống giám sát, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (cùng với thiết bị kỹ thuật của một số tổ chức, cá nhân và thông tin, hình ảnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội), CSGT TP HCM đã phạt nguội 111.473 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Qua đó, xử phạt gần 40 tỉ đồng. Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt đang thực hiện phạt nguội theo quy trình 6 bước: Thu thập hình ảnh vi phạm (từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc từ tổ chức, cá nhân cung cấp...); trích xuất hình ảnh; lập hồ sơ vi phạm, in thông báo; phát hành thông báo cho chủ phương tiện; phối hợp với chủ phương tiện giải quyết vụ việc vi phạm; cập nhật kết quả xử lý và kết thúc hồ sơ. Lãnh đạo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt cho biết việc triển khai áp dụng biện pháp phạt nguội đã hỗ trợ tích cực cho lực lượng CSGT trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức, CĐS là xu thế tất yếu, TP HCM quyết định đi theo con đường phát triển, đổi mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ và CĐS đóng vai trò quan trọng. "Để đạt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 25% GRDP, thành phố đang đẩy mạnh toàn diện tiến trình CĐS nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn" - ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.

Thứ 3 cả nước về chỉ số chuyển đổi số

Theo Giám đốc Sở TT-TT Lâm Đình Thắng, đánh giá của Techinasia năm 2019 cho thấy Việt Nam sở hữu một trong những hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng nhanh nhất thế giới và TP HCM nằm trong tốp 200 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu với thứ hạng 179 trong năm 2021, tăng 21 bậc so với năm 2020. Tháng 8-2022, Bộ TT-TT đã đánh giá, xếp hạng TP HCM đứng thứ 3/63 tỉnh, thành về kết quả CĐS năm 2021, tăng 2 hạng so với năm 2020.

P.Anh

Theo Phan Anh - Ý Linh

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên