TP HCM có 12 năm để thêm 200 km đường sắt
Ngoài gần 20 km đường sắt đã có, đến 2035, TP HCM phải hoàn thành 200 km nữa mới đáp ứng yêu cầu phát triển.
- 01-08-2023Lấy đâu ra 25 tỷ USD làm đường sắt đô thị ở TPHCM?
- 31-07-2023Thị phần vận tải đường sắt ngày càng giảm sút, chính sách ưu đãi chưa được triển khai
- 27-07-2023Trước 5/8, hoàn thành đề xuất lập Ban chỉ đạo đầu tư đường sắt tốc độ cao
Chiều 31-7, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM phối hợp Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM, Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố tổ chức tọa đàm với chủ đề "Kết luận số 49 và Nghị quyết số 98 - Cơ hội và thách thức cho đường sắt đô thị TP HCM".
Tàu metro tuyến Bến Thành - Suối Tiên chạy thử vào tháng 4-2023
Cách làm phải đột phá, khác biệt
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hiển, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM, cho biết ngày 28-2, Bộ Chính trị có Kết luận 49 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong kết luận có nội dung chỉ đạo hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP HCM vào năm 2035.
Như vậy, 12 năm tới đây, ngoài gần 20 km đã có, TP HCM phải hoàn thành các tuyến đường sắt còn lại với chiều dài khoảng 200 km, chưa kể nhiều tuyến sẽ bổ sung vào đồ án quy hoạch chung sắp tới để phù hợp với yêu cầu phát triển.
Về quy hoạch, hệ thống đường sắt đô thị TP HCM gồm 8 tuyến đường sắt đô thị (MRT); 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (LRT). Tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị TP HCM khoảng 220 km với tổng vốn đầu tư ước tính hơn 25 tỉ USD.
Ông Hiển cũng đánh giá Nghị quyết 98/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM vừa được Quốc hội thông qua là cơ hội vô cùng lớn đối với TP HCM. Trong đó lĩnh vực hạ tầng giao thông trọng yếu, nhất là đường sắt đô thị có điều kiện bứt phá nhằm hiện thực hóa Kết luận số 49.
Ông Hoàng Ngọc Tuân, quyền Giám đốc Ban Chuẩn bị Đầu tư (thuộc Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM), đồng tình Kết luận số 49 của Bộ Chính trị là cơ hội lịch sử cho ngành đường sắt, cho TP HCM và sự phát triển của cả nước. Việc thực hiện kết luận này, theo ông Hoàng Ngọc Tuân, giúp TP HCM tiến nhanh trên còn đường trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu và người dân có chất lượng cuộc sống cao.
Quyền Giám đốc Ban Chuẩn bị Đầu tư cho biết trong 20 năm qua, TP HCM làm gần xong 20 km tuyến đường sắt đô thị, trong khi đó, Kết luận số 49 yêu cầu hoàn thành 200 km còn lại trong 12 năm tới. Như vậy, bước chuẩn bị dự án diễn ra khoảng từ 4-5 năm và bước thực hiện dự án còn 7-8 năm.
"Đây có thể nói là thách thức cực kỳ lớn. Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho TP HCM là phải có cách tiếp cận và cách làm hoàn toàn mới, đột phá và khác biệt" - ông Tuân nói.
Nhiều ý kiến đóng góp cho sự phát triển của đường sắt tại TP HCM được đưa ra trong tọa đàm
Đa dạng nguồn lực
Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, để thực hiện Kết luận số 49 thì đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao. Ông đề xuất TP HCM nhanh chóng xây dựng đề án tổng thể với tên gọi Đề án đầu tư hệ thống đường sắt đô thị TP HCM. Đề án này phải bao gồm toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị chứ không chỉ là 1-2 tuyến.
Tiến sĩ Trần Du Lịch đặt vấn đề để không phải gánh nợ từ vốn vay ODA thì hình thức dùng trái phiếu quốc tế, vay thương mại để thực hiện là phù hợp nhất. Như vậy, nguồn vốn đầu tư sẽ hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí so với các dự án metro đã làm bằng nguồn vốn ODA.
Ngoài ra, quốc hội không chỉ cho chủ trương mà cần cho luôn cơ chế thì TP HCM mới có thể triển khai thành công đề án này.
"Quốc hội phải cho cơ chế như cơ chế huy động vốn, chọn thầu, chọn mua sắm tất cả thiết bị... thì mới làm được. Nếu không thì khi Quốc hội cho chủ trương rồi nhưng triển khai sẽ vướng nghị định này, vướng thông tư nọ, vướng luật kia sẽ rất khó làm" - ông Trần Du Lịch nói.
Bà Phạm Thị Huệ Linh, Giám đốc Trung tâm quy hoạch (thuộc Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia - Bộ Xây dựng) đề nghị có sự nghiên cứu, rà soát để tìm ra được quỹ đất có tiềm năng tạo ra những giá trị lớn. Việc này cần dựa trên một số nguyên tắc. Trong đó, nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm ra những quỹ đất có tiềm năng phát triển TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng sức chở lớn và tốc độ nhanh). Đồng thời, ưu tiên đầu tư cho những vùng đông dân cư đã và đang tập trung nhiều việc làm.
Còn theo bà Lê Ngọc Thùy Trang, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM, bên cạnh việc xem vốn ngân sách là nguồn vốn mang tính chất động lực, làm đòn bẩy thúc đẩy đầu tư phát triển thì TP HCM nên nghiên cứu các cơ chế, chính sách để đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội hóa, đa dạng các nguồn lực để phù hợp với mỗi giai đoạn, phân kỳ của dự án.
"Nghị quyết 98 sẽ phát huy hiệu quả các công cụ chính sách nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Từ đó, góp phần đáp ứng nhu cầu của thành phố về phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, trong đó có phát triển mạng lưới đường sắt đô thị" - bà Trang đánh giá.
Kế hoạch chi tiết
Để đạt được mục tiêu của kết luận 49/KL-TW, TP HCM cần thực hiện với lộ trình cụ thể. Theo đó, thông qua Đề án phát triển Hệ thống đường sắt đô thị TP HCM vào năm 2024. Năm 2025 hoàn thành xây dựng mô hình tổ chức, quản lý nguồn nhân lực. Năm 2028 hoàn thành quy hoạch, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị. Cũng trong năm này, hoàn thành thu xếp nguồn lực tài chính khoảng 25 tỉ USD cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị cũng như công tác chuẩn bị đầu tư toàn bộ hệ thống.
Việc tổ chức thi công, cung cấp vật tư thiết bị được thực hiện từ năm 2028 và hoàn thành vào năm 2035.
Người lao động