TP HCM: Cơ quan hành chính, doanh nghiệp vẫn làm việc từ 1-4
Các cơ quan hành chính, doanh nghiệp của TP HCM vẫn làm việc bình thường nhưng sẽ giảm số lượng người có mặt trực tiếp để bảo đảm an toàn, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Chiều 31-3, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP để bàn các giải pháp thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1-4.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM, Chỉ thị 16 của Thủ tướng đã nâng cao hơn một mức những chỉ đạo trước đây trước diễn biến phức tạp hơn của dịch bệnh Covid-19.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, công tác phòng chống dịch Covid-19 sẽ không thành công nếu không có sự đồng thuận, đồng lòng của mọi người dân
Nhắc lời Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khi nói về Chỉ thị 16, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng những yêu cầu trên sẽ khiến người dân và doanh nghiệp khó khăn, không thoải mái nhưng tất cả đều chấp hành. Bởi lẽ, công tác phòng chống dịch Covid-19 sẽ không thành công nếu không có sự đồng thuận, đồng lòng của mọi người dân.
Chủ tịch UBND TP HCM cho biết các công việc, chương trình công tác của các cơ quan, đơn vị vẫn phải bảo đảm theo kế hoạch được duyệt; chỉ thay đổi về phương thức làm việc, giao dịch, địa điểm làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức, thời gian áp dụng giải pháp này chỉ trong vòng 15 ngày.
Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu các cơ quan cần duy trì trực lãnh đạo và bộ phận cán bộ làm việc để duy trì hoạt động như bình thường nhưng không quá 1/3 tổng số cán bộ, công chức, viên chức. Đối với những trường hợp đặc biệt, phải có ý kiến của cơ quan cấp trên và báo cáo Chủ tịch UBND TP.
Những người làm việc tại cơ quan phải giữ khoảng cách 2 m. Căn-tin cơ quan cũng phải bảo đảm khoảng cách 2 m, nếu có điều kiện thì mỗi người một bàn.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu các cơ quan nhà nước ngừng giải quyết hồ sơ trực tiếp mà chỉ giải quyết qua mạng. Những trường hợp khẩn cấp thực hiện theo hướng dẫn của Sở Nội vụ.
Đối với vấn đề đi lại, ông Nguyễn Thành Phong cho hay các hoạt động giao thông công cộng như xe buýt, taxi và xe liên tỉnh sẽ ngưng hoạt động theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải. Riêng một số trường hợp đặc biệt như xe công vụ, xe cung cấp lương thực thực phẩm; xe đưa đón công nhân, chuyên gia và xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất được hoạt động. Sở Giao thông Vận tải TP HCM phối hợp với các địa phương kiểm tra, giám sát hoạt động của xe đưa rước khách.
Liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị chủ tịch UBND các quận, huyện phối hợp với LĐLĐ TP HCM vận động, hướng dẫn thực hiện các nội dung của ngành y tế, ký cam kết về việc thực hiện phòng chống dịch Covid-19.
Về cung ứng hàng hóa, TP HCM sẽ cung cấp đủ thực phẩm và nhu yếu phẩm. Sở Công Thương, Saigon Co.op, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn được giao bảo đảm cung ứng đủ thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân; tăng cường hình thức mua sắm trực tuyến. Siêu thị tổ chức để khách hàng mua sắm theo từng nhóm, bảo đảm khoảng cách.
"Nhiều người dân đổ xô đến các siêu thị mua đồ, gây nên tình trạng chen lấn, không bảo đảm khoảng cách an toàn. Các đơn vị cần phối hợp hướng dẫn họ mua hàng theo từng nhóm để giảm áp lực, bảo đảm theo cự ly đã được Bộ Y tế hướng dẫn" - ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu.
Trong khi đó, 24 quận - huyện sẽ hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất thực hiện đúng các biện pháp an toàn phòng chống dịch của Bộ Y tế. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ triển khai chính sách giúp đỡ người vô gia cư, người mất việc do tạm dừng phát hành xổ số. Bệnh viện phải bảo đảm các phương án chống lây lan. Trước đó, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh đề nghị các quận, huyện, đơn vị liên quan tăng cường quản lý những người giao hàng (shiper), mỗi nơi phải đăng ký số lượng, lộ trình nhật ký, biết những địa điểm nào tiếp xúc, người nhận hàng để dễ truy tìm.
Còn Giám đốc Sở Công Thương TP HCM Phạm Thành Kiên cho biết các đơn vị kinh doanh hệ thống siêu thị, cửa hàng trên địa bàn đã có kế hoạch dự trữ, bảo đảm nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Các chợ, siêu thị, cơ sở, cửa hàng kinh doanh dịch vụ, hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu vẫn duy trì hoạt động bình thường sau 0 giờ ngày 1-4 để đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân. "Người dân hạn chế đến các điểm mua bán tập trung để giảm rủi ro lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần khuyến cáo của Bộ Y tế về bảo đảm khoảng cách tối thiểu 2 m giữa 2 người; tích cực mua hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà" – ông Kiên đề nghị.
Sáng nay, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 yêu cầu cả nước "cách ly toàn xã hội" theo nguyên tắc "gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh". Các phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định...
Người lao động