MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP HCM đã chi hàng chục triệu USD cho khởi nghiệp sáng tạo

Trong vòng 2 năm nay, TP HCM đã có nhiều chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp. Tổng cộng, TP đã chi khoảng 90 triệu USD ngân sách cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Sáng 26-6, Diễn đàn Kết nối Startup Việt trong và ngoài nước do Bộ Ngoại giao và UBND TP HCM phối hợp tổ chức đã thu hút khoảng 400 đại biểu trong và ngoài nước. Đây là sự kiện kết nối "Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Mỹ và Việt Nam" do Bộ Ngoại giao tổ chức ở Mỹ hồi tháng 12-2017.

Chia sẻ với các đại biểu, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân thừa nhận một trong những điểm yếu của TP là sự kết nối giữa khoa học và DN còn hạn chế. Vì vậy, sự có mặt của các chuyên gia, nhà đầu tư… trong diễn đàn hôm nay sẽ giúp cho TP mạnh hơn, khắc phục nhược điểm.

TP HCM đã chi hàng chục triệu USD cho khởi nghiệp sáng tạo - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ các đại biển tham gia diễn đàn

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, thực trạng này đã kéo dài 40 năm nay và chỉ có thể khắc phục bằng cách đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học công nghệ cho DN có thói quen đặt hàng nhà khoa học nghiên cứu, làm cho giới khoa học đào tạo và DN tìm đến nhau. Con đường thứ 2 là ngay từ khi thành lập DN mới đã có sự kết hợp giữa công nghệ và kinh doanh, nếu kết hợp được khoa học và kinh doanh sẽ là lợi thế cho DN.

"Câu hỏi đặt ra là vì sao TP phải quan tâm khởi nghiệp sáng tạo khi thu nhập đầu người rất thấp, chỉ khoảng 2.300 USD/người. Không phải đợi dân thật đông mới làm khởi nghiệp sáng tạo mà là chuẩn bị công nghệ tốt, kết nối tài chính… Nhiều nước ở châu Á có nền tảng giống Việt Nam nhưng đã làm được. Chúng ta đã có chương trình của Chính phủ, TP nhưng chỉ khi nào nhà khoa học coi đó là chương trình của mình và làm quyết liệt thì sẽ thành công" – Bí thư Nhân cho biết.

TP HCM đã chi hàng chục triệu USD cho khởi nghiệp sáng tạo - Ảnh 2.

Bí thư Nhân cho biết: "Giữa khởi nghiệp sáng tạo và khởi nghiệp thường có 4 mức khác nhau"

Cũng theo ông Nhân, giữa khởi nghiệp sáng tạo và khởi nghiệp thường có 4 mức khác nhau: 1. khởi nghiệp bằng công nghệ, sản phẩm truyền thống; 2. sản phẩm vẫn truyền thống nhưng công nghệ có đổi mới; 3. sản phẩm mới nhưng công nghệ không mới; 4. sản xuất hoặc cung cấp sản phẩm dịch vụ mới buộc phải sử dụng công nghệ mới. Diễn đàn này sẽ bàn về mức thứ 4 trên cơ sở chọn sản phẩm mới có thể hướng đến thị trường thế giới và gắn với khoa học công nghệ mới.

Trong vòng 2 năm nay, TP HCM đã có nhiều chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp. Tổng cộng, TP đã chi khoảng 90 triệu USD ngân sách cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

TP HCM đã chi hàng chục triệu USD cho khởi nghiệp sáng tạo - Ảnh 3.

Toàn cảnh diễn đàn kết nối Startup Việt

Báo cáo của Sở Sở Khoa học Công nghệ cho thấy trong hơn 2 năm TP đã có hơn 20 đối tác nước ngoài liên kết hỗ trợ, 24 cơ sở ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 12 không gian khởi nghiệp... và hơn 760 startup đã hình thành. Các startup ở TP thời gian qua tuy phát triển hơn so với các địa phương khác nhưng về kích cỡ và chiều sâu còn nhiều cái phải bàn.

Hiện các startup tập trung vào lĩnh vực ICT, nông nghiệp, giáo dục đào tạo… Hầu hết các DN mới thành lập trên dưới 1 năm, đang trong giai đoạn đánh giá thị trường, số mở rộng kinh doanh còn hạn chế. Vốn khởi nghiệp cho startup dưới 1 tỉ đồng chiếm gần 60% cho thấy vốn khởi nghiệp rất thấp, gần 50% startup chưa được tài trợ, 31% đang tìm nhà đầu tư để tài trợ.

Cơ hội kết nối startup Việt

Diễn đàn "Kết nối Startup Việt trong và ngoài nước" diễn ra trong 2 ngày 26 và 27-6 với sự tham gia của khoảng 400 đại biểu trong và ngoài nước gồm lãnh đạo các bộ, ngành, TP, các doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp...

Diễn đàn là dịp để các startup Việt trong và ngoài nước, các nhà đầu tư, các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, định hướng cho các DN khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam; kết nối các startup của người Việt ở trong và ngoài nước với nhau và với các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư tiềm năng, các quỹ đầu tư. Đây cũng là dịp tạo cơ hội để các Startup của người Việt ở trong và ngoài nước giao lưu, trao đổi trực tiếp với các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam về những thuận lợi, khó khăn, nhu cầu hỗ trợ để phát triển.

Các đại biểu sẽ tập trung thảo luận 3 chủ đề: "Giai đoạn đầu của khởi nghiệp", "Phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp" và "Đưa Startup Việt ra với thế giới". Đồng thời, diễn đàn cũng là cơ hội để các Startup trình bày ý tưởng, và các chuyên gia sẽ góp ý kiến tư vấn, định hướng phát triển sản phẩm và phát triển doanh nghiệp, gọi vốn đầu tư...


Theo Thanh Nhân - Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên