TP HCM đề nghị tăng nhiều loại phí
Lý do tăng phí, lệ phí theo UBND TP HCM là mức thu hiện tại thấp, không còn phù hợp với điều kiện kinh tế TP.
- 06-12-2017Bộ Tài chính từng lưu ý vị trí trạm thu phí Cai Lậy
- 04-12-2017Thủ tướng quyết tạm dừng thu phí BOT Cai Lậy 30 ngày
- 04-12-2017Rạng sáng BOT Cai Lậy thu phí, tài xế lại phản đối
Sáng nay (7-12), kỳ họp thứ 6 HĐND TP HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ tiến hành thảo luận 30 tờ trình của UBND TP. Đáng chú ý trong 30 tờ trình có nhiều tờ trình đề nghị tăng mức phí, lệ phí ở nhiều lĩnh vực.
Thu không đủ bù
Đầu tiên phải kể đến tờ trình về mức thu lệ phí đăng ký cư trú trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn TP có 3 danh mục lệ phí đăng ký cư trú. Cụ thể: Mức thu đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú cả hộ hoặc một người nhưng không cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú là 10.000 đồng (quận), 5.000 đồng (huyện). Mức thu cấp lại, đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú là 15.000 đồng (quận), 7.500 đồng (huyện). Riêng cấp đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú theo yêu cầu của chủ hộ vì một lý do nhà nước thay đổi địa giới hành chính, tên đường phố, số nhà là 8.000 đồng (quận), 4.000 đồng (huyện). Mức thu đính chính các thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú là 5.000 đồng (quận), 2.500 đồng (huyện).
Vì thu không bù đủ chi nên UBND TP HCM trình hàng loạt tờ trình đề nghị tăng mức phí Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Với tờ trình này, UBND TP kiến nghị HĐND TP bỏ nội dung thu đối với trường hợp "cấp đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú theo yêu cầu của chủ hộ vì một lý do nhà nước thay đổi địa giới hành chính, tên đường phố, số nhà" và "trường hợp đính chính các thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú". Đồng thời bổ sung 3 nội dung thu lệ phí mới là "cấp mới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú cho hộ gia đình, cho cá nhân; điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và gia hạn tạm trú". Các nội dung thu khác vẫn giữ nguyên.
Mức thu mới dự kiến như sau: mức thu đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú cả hộ hoặc một người nhưng không cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú là 10.000 đồng (quận), 5.000 đồng (huyện). Mức thu cấp mới, cấp lại, cấp đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú cho hộ gia đình, cho cá nhân là 15.000 đồng (quận), 8.000 đồng (huyện). Mức thu điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú là 5.000 đồng (quận), 3.000 đồng (huyện). Mức thu gia hạn tạm trú là 10.000 đồng (quận), 5.000 đồng (huyện). UBND TP nhìn nhận việc bổ sung và điều chỉnh mức thu là cần thiết và phù hợp quy định tại Luật Phí và Lệ phí; Nghị định 120 năm 2016 của Chính phủ và Thông tư 250 năm 2016 của Bộ Tài chính.
Ngoài ra, UBND TP còn trình tờ trình về quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn TP. Mức thu hiện tại theo Quyết định 52 năm 2016 của UBND TP: nhà ở riêng lẻ của nhân dân là 50.000 đồng/giấy phép; công trình khác là 100.000 đồng/giấy phép; gia hạn là 10.000 đồng/giấy phép. UBND TP cho biết với mức thu hiện nay không thể bù đắp chi phí phục vụ công việc thu lệ phí cấp giấy phép xây dựng. Do đó, UBND TP đề xuất mức lệ phí mới. Cụ thể nhà ở riêng lẻ của nhân dân là 75.000 đồng/giấy phép; công trình khác là 150.000 đồng/giấy phép; gia hạn, cấp lại, điều chỉnh là 15.000 đồng/giấy phép. Mức thu mới này tăng 1,5 lần so với mức cũ. Mức thu mới mà UBND TP đề xuất bằng với Hà Nội, Khánh Hòa, Phú Yên, Bến Tre, Hưng Yên, Tây Ninh, Cà Mau, Quảng Ngãi.
Đặc biệt, TP đề nghị tăng giá vào cửa ở hàng loạt bảo tàng, bởi theo UBND TP, mức thu hiện nay được áp dụng từ năm 2005, so với mặt bằng giá cả đã quá lạc hậu và thấp hơn hầu hết các bảo tàng trong nước; đồng thời chưa đúng với Thông tư 250 của Bộ Tài chính. Do đó, UBND TP đề nghị tăng phí tham quan đối với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh lên 40.000 đồng/lượt/người; Bảo tàng TP, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Lịch sử tăng lên 30.000 đồng/lượt/người… Toàn bộ số tiền phí thu được để lại cho các bảo tàng, phục vụ tái đầu tư, phát triển bảo tàng.
Không thể chậm hơn
Đại biểu Cao Thanh Bình, Phó trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP, cho biết các tờ trình liên quan đến điều chỉnh mức phí, lệ phí là thực hiện theo Luật Phí và Lệ phí. Theo ông Bình, đáng lý ra những tờ trình này phải thông qua tại kỳ họp tháng 12-2016 hoặc trễ lắm là kỳ họp tháng 7-2017 bởi Luật Phí và Lệ phí có hiệu từ ngày 1-1-2017.
UBND TP HCM đề nghị tăng phí tham quan tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh lên 40.000 đồng/lượt/người Ảnh: HOÀNG TRIỀU
"Luật Phí và Lệ phí quy định những loại phí, lệ phí trên thuộc thẩm quyền HĐND quyết định nhưng cũng nêu rõ khung cụ thể, cho tăng theo khung nào. Tôi thấy khi UBND TP đề xuất tăng cũng đã rà soát các tỉnh - thành lân cận. Ngoài ra, cũng tham khảo ý kiến của MTTQ, các đoàn thể để xem xét tác động ảnh hưởng đến người dân" - ông Bình nói. Ông Bình nhận định các mức tăng trên là cơ bản phù hợp khi đã tính toán các yếu tố an sinh xã hội, đánh giá tác động đến đời sống người dân. Các trường hợp hộ nghèo, khó khăn đều có chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, đợt này UBND TP cũng trình rất nhiều tờ trình trợ cấp cho nhiều đối tượng để bảo đảm chính sách an sinh. "Tôi thấy khi đề xuất tăng, UBND TP cũng đã thận trọng hết sức, tính toán kỹ; xác định đối tượng nào cần tăng, đối tượng nào cần hỗ trợ nên rất công bằng, sẽ kéo khoảng cách giàu nghèo của TP lại gần hơn" - ông Bình nói.
Trong khi đó, đại biểu Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP, nhìn nhận khi UBND TP trình tăng phí, lệ phí cũng rất cân nhắc điều kiện của TP, điều kiện sống của người dân và đối tượng tác động.
Theo bà Châu, việc tăng này không thể chậm hơn. Bởi bấy lâu nay các khoản trong nguồn ngân sách và khoản thu của TP có thể chịu đựng được, bù lỗ. Tuy nhiên, với tình hình vật giá, sự phát triển ngày càng cao, đòi hỏi về chất lượng cũng phải tăng. Nếu không tăng thì không đủ tái đầu tư phát triển. "Mức thu đã quá lỗi thời. Tất nhiên quá trình tăng cũng có miễn giảm. Tất cả đều cân nhắc, bàn bạc" - bà Châu nói và cho hay trong quá trình triển khai, HĐND TP sẽ tiếp tục giám sát cũng như mặt trận sẽ phát huy vai trò giám sát và phản biện của mình.
Hộ nghèo được miễn nhiều loại phí, lệ phí
Theo UBND TP HCM, trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng; bố, mẹ, vợ (hoặc chồng) của liệt sĩ, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, con dưới 18 tuổi của thương binh sẽ được miễn lệ phí đăng ký cư trú.
Với tờ trình về quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp giấy phép xây dựng, đối tượng được miễn gồm trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng. Đối tượng được giảm gồm tổ chức, cá nhân tham gia dịch vụ công trực tuyến cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ. Mức giảm thu bằng 50% mức thu. Còn trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật, hộ nghèo theo quy định Luật Phí và Lệ phí sẽ được miễn phí tham quan bảo tàng; trẻ em từ 6 đến 16 tuổi, sinh viên và học sinh đang học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam, người cao tuổi... được giảm 50%.
Người lao động