TP HCM: Doanh thu bán lẻ tháng 5-2022 cao kỷ lục trong vòng 4 năm nay
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 5-2022 ước đạt 57.757 tỉ đồng, tăng 3,08% so với tháng trước và tăng 13,8% so với tháng 5-2021.
- 04-12-2020Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 11 tăng 13,2%
- 01-07-2020Doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng vẫn tăng bất chấp dịch Covid-19
- 29-05-2020Bình thường hóa kinh tế hậu giãn cách xã hội, doanh thu bán lẻ và du lịch tháng 5 tăng mạnh so với tháng trước
Tại buổi họp báo chiều 9-6, Sở Công Thương TP HCM cho biết doanh thu bán lẻ tại TP HCM bật tăng mạnh mẽ sau 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19.
Theo Sở Công Thương TP HCM, việc triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại TP, đặc biệt là việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP HCM giai đoạn 2022-2025, đã tác động tích cực đến phát triển sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2022.
Hầu hết các ngành, lĩnh vực đều trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 5-2022 ước đạt 57.757 tỉ đồng, tăng 3,08% so với tháng trước và tăng 13,8% so với tháng 5-2021. Xét về số tuyệt đối, đây là mức doanh thu chiếm tỷ trọng lớn nhất (60%) trong khu vực dịch vụ; đồng thời là tháng có quy mô doanh thu bán lẻ lớn nhất kể từ tháng 1-2019.
Lũy kế 5 tháng năm 2022, doanh thu bán lẻ ước đạt 275.967 tỉ đồng, tăng 8,1% so cùng kỳ (5 tháng đầu năm 2021 tăng 9,5%). Doanh thu các nhóm hàng tăng khá như: lương thực, thực phẩm (ước đạt 49.575 tỉ đồng, tăng 14,2%); vật phẩm văn hóa, giáo dục (ước đạt 4.590 tỉ đồng, tăng 14,9%); gỗ và vật liệu xây dựng (ước đạt 6.781 tỉ đồng, tăng 8,5%); ôtô các loại (ước đạt 11.767 tỉ đồng, tăng 14,3%)…
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết những con số trên đã cho thấy sự phục hồi trong hoạt động thương mại – dịch vụ của TP HCM.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, phát biểu tại cuộc họp báo
Nhìn chung, 5 tháng đầu năm 2022, hàng hóa dồi dào nhưng sức mua còn yếu, tiêu thụ của người dân vẫn chủ yếu tập trung vào hàng hóa thiết yếu. Xu hướng tăng giá của nhiều loại hàng hóa và lạm phát kỳ vọng có thể khiến người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu.
"Sức mua của người dân và doanh nghiệp vẫn chưa mạnh như trước dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp TP HCM đang phải tiết giảm tất cả chi phí để giảm giá thành và giữ giá. TP cũng tiếp tục hỗ trợ các DN tiếp cận vốn vay để ổn định sản xuất..." - ông Hoàng Vũ thông tin.
Sở Công Thương TP HCM sẽ tiếp tục theo dõi tình hình cung-cầu, giá cả thị trường, phát huy công cụ bình ổn thị trường, tổ chức kết nối doanh nghiệp phân phối với các nguồn hàng hóa tại từng địa phương, đồng thời triển khai các chương trình khuyến mại tập trung nhằm tăng cường kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, góp phần khôi phục và phát triển sản xuất - kinh doanh.
Người lao động