TP HCM khẩn cấp khống chế dịch tả heo châu Phi
Công an TP, Bộ Tư lệnh TP, Lực lượng TNXP... cũng phải chuẩn bị lực lượng sẵn sàng vào cuộc, phối hợp với các đoàn kiểm tra hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi tại TP HCM.
- 13-06-2019Thu mua lợn sạch, cấp đông thịt để đối phó dịch tả lợn châu Phi
- 12-06-2019Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp
- 12-06-2019Dùng nguồn vượt thu ngân sách để hỗ trợ người chăn nuôi do dịch tả lợn châu Phi
UBND TP HCM vừa có công văn khẩn gửi các sở ngành chuyên môn và UBND 24 quận, huyện về kế hoạch khống chế, không để lây lan dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn TP.
Theo đó, UBND TP yêu cầu UBND quận-huyện phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai rà soát, kiếm tra tình hình dịch bệnh trên địa bàn; kịp thời phát hiện ổ dịch để triển khai các biện pháp cách ly, khu trú, bao vây xử lý khống chế ổ dịch, ngăn chặn việc đưa heo bệnh, sản phẩm thịt heo ra khỏi vùng có dịch để tiêu thụ, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Khuyến cáo cơ sở, các trại, hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn sinh học, tiêu độc sát trùng vệ sinh thú y trong chăn nuôi.
Tăng cường hoạt động các chốt kiểm dịch tạm thời trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc trên địa bàn; kiểm soát chặt việc kinh doanh thịt heo, sản phẩm thịt heo và phụ phẩm tại các chợ truyền thống, chợ tự phát, chợ tạm.
Cơ quan chức năng kiểm tra thịt heo ở chợ Hóc Môn (Ảnh: Quang Liêm)
Từ nguồn gốc lây lan ở nhiều địa phương trong cả nước cho thấy việc sử dụng thức ăn thừa, con người và phương tiện vận chuyển mang mầm bệnh là các nguyên nhân phổ biến lây lan dịch tả heo châu Phi.
Do đó, UBND TP đề nghị UBND quận-huyện khuyến cáo các hộ chăn nuôi không sử dụng thức ăn thừa để nuôi heo; ngưng toàn bộ hoạt động thăm viếng đối với người bên ngoài vào trại chăn nuôi; yêu cầu thương lái đến mua heo phải thay ủng, toàn bộ phương tiện để bên ngoài và được tiêu độc, khử trùng kỹ lưỡng.
Cục Quản lý thị trường TP lưu ý các Đội Quản lý thị trường quận - huyện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về vận chuyển, kinh doanh heo và sản phẩm thịt heo trên địa bàn.
Công an TP, Bộ Tư lệnh TP, Lực lượng TNXP... cũng phải chuẩn bị lực lượng sẵn sàng vào cuộc, phối hợp với các đoàn kiểm tra hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi tại TP.
Riêng UBND quận 9, nơi xảy ra dịch bệnh đầu tiên, cần phải xử lý tiêu hủy heo bệnh và heo tiếp xúc mầm bệnh; khoanh vùng ổ dịch; an toàn sinh học trong chăn nuôi; kiểm soát vận chuyển heo và sản phẩm thịt heo; giám sát và cảnh báo dịch bệnh.
UBND TP đã thành lập chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời để ngăn chặn nguy cơ xảy ra dịch tả heo Châu Phi (và kiểm soát dịch bệnh động vật trên địa bàn TP). Cụ thể là chốt kiểm dịch động vật Bình Thuận đặt tại khu vực ngã ba Bình Thuận (góc Tân Tạo, Bình Chánh), đường dẫn cao tốc Trung Lương, gần trạm thu phí thuộc khu phố 2, thị Trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh.
TP HCM hỗ trợ người chăn nuôi có heo mắc dịch tả heo châu Phi
UBND TP cũng chấp thuận thực hiện hỗ trợ cho người chăn nuôi có heo mắc bệnh, heo nghi mắc bệnh lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả heo châu Phi buộc phải tiêu hủy để phòng, chống dịch bệnh động vật lây lan, kể cả khi xuất hiện dịch bệnh nhưng chưa được công bố dịch.
Cụ thể, đối với lợn con, lợn thịt các loại, hỗ trợ với mức tối thiểu 80% giá thị trường tại thời điểm và tại địa phương có dịch bệnh xảy ra. Đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác thì hỗ trợ với mức từ 1,5 đến 2 lần so với mức hỗ trợ các loại lợn khác tại thời điểm có dịch bệnh. UBND TP cũng chấp thuận chi bồi dưỡng cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh tả heo Châu Phi trên địa bàn TP.
Người lao động