TP HCM mở đường riêng cho xe buýt, liệu có khả thi?
Sau thời gian thí điểm việc mở làn đường riêng cho xe buýt ở TP HCM, người dân và chuyên gia giao thông bày tỏ băn khoăn về tính hiệu quả của dự án.
Nhiều người dân sinh sống tại TP HCM bày tỏ không đồng tình với ý tưởng mở làn đường riêng cho xe buýt.
Đa phần người dân đều cho rằng, việc áp dụng này không phù hợp với TP HCM vì đường xá của thành phố đặc biệt khu vực trung tâm rất chật chội, còn những khu vực vùng ven áp dụng không hiệu quả.
Xe buýt chen chúc với các phương tiện khác tại trung tâm TPHCM. |
Chị Hoàng Cẩm Nhung, người dân Quận 3 chia sẻ: "Với tình trạng phương tiện lưu thông như hiện nay tại TP HCM đã rất đông đúc, nên phải nhường thêm một tuyến đường cho xe buýt là không khả thi”.
Cùng chung quan điểm, chị Trần Bảo Ngọc, ngụ quận Bình Thạnh cho rằng: “Việc thực hiện tạo một làn đường riêng cho xe buýt có thể dẫn đến kẹt xe trầm trọng hơn, thêm việc ý thức người dân chưa cao có thể sẽ đi vào làn xe buýt”.
Trước đó, 2 tuyến đường được Sở Giao thông Vận tải TP HCM chọn thí điểm làn đường dành riêng cho xe buýt là đường Điện Biên Phủ (từ vòng xoay Lý Thái Tổ, quận 10 đến chân cầu Sài Gòn, quận 2) và Võ Thị Sáu (từ vòng xoay Dân Chủ, Quận 3 đến Đinh Tiên Hoàng, Quận 1).
Theo Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, nếu kết quả của việc thí điểm thành công thì cơ quan chức năng sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai làn dành riêng cho xe buýt trên đường Trường Chinh, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi, Xa lộ Hà Nội, Phạm Văn Đồng…
Nói về việc mở làn đường riêng cho xe buýt, một số chuyên gia giao thông cho rằng các nước tiên tiến đã triển khai để khuyến khích người dân bỏ xe cá nhân, sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng.
Tuy nhiên, việc triển khai đồng loạt tại TP HCM thời điểm này chưa phù hợp do tỷ lệ diện tích dành cho giao thông ở TP HCM và Việt Nam nói chung thấp hơn nhiều so với các nước.
Đó là chưa kể đặc trưng của TP HCM là phần lớn các con đường có chiều rộng dưới 8m, việc mở làn dành riêng cho xe buýt rất dễ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Tiến sỹ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông cho biết: “Cần phải khảo sát lượng xe trong giờ, trong ngày ra sao, rồi có thể cho xen vô một số loại xe cho đi chung, thậm chí xe hai bánh đi chung tại những giờ nhất định”.
Nhìn từ bài học làn đường riêng cho xe buýt nhanh tại Hà Nội cũng như kinh nghiệm từng triển khai đề án cải thiện môi trường hoạt động của xe buýt trên tuyến điểm Sài Gòn - Bình Tây, có lẽ việc triển khai việc mở làn đường riêng cho xe buýt trên diện rộng cần được ngành giao thông vận tải TP HCM cân nhắc, tính toán thật kỹ trước khi quyết định.
VOV