MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP HCM muốn các dự án trọng điểm được triển khai như Vành đai 3

Với cơ chế Trung ương cho dự án Vành đai 3, TP HCM đã rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư so với cách làm thông thường từ một năm đến một năm rưỡi.

UBND TP HCM vừa có công văn gửi Bộ Xây dựng về hướng dẫn phê duyệt ranh giải phóng mặt bằng trước khi phê duyệt dự án đầu tư để thực hiện trước công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

TP HCM muốn

Dự án nút giao An Phú, TP Thủ Đức với quy mô 3 tầng, tổng mức đầu tư 3.400 tỉ đồng được kỳ vọng giải quyết kẹt xe cửa ngõ phía Đông TP

Theo UBND TP HCM, dự án Vành đai 3 TP HCM được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ thải chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án (tại Nghị quyết 105/2022).

Thực hiện cơ chế này, thành phố đã tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư rất hiệu quả, rút ngắn thời gian so với cách làm thông thường từ một năm đến một năm rưỡi.

Cụ thể, chỉ sau đúng 1 năm kể từ thời điểm dự án được quyết định chủ trương đầu tư, đã tổ chức bàn giao mặt bằng trên 70% để triển khai thi công công trình, vượt tiến độ kế hoạch của Chính phủ.

Việc triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án Vành đai 3 đã trở thành mô hình và dự án kiểu mẫu để tiếp tục nghiên cứu áp dụng cho các dự án thu hồi đất với yêu cầu tiến độ cấp bách trên địa bàn.

Hiện nay, TP HCM đang triển khai các dự án trọng điểm với quy mô lớn như: cao tốc TP HCM - Mộc Bài, Vành đai 4, xây dựng Vành đai 2 - đoạn 1 (đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp), đường Vành đai 2 - đoạn 2 (từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng… 

Đây là các dự án trọng điểm, cấp bách có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng.

Từ đó, UBND TP HCM đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến hướng dẫn việc thực hiện một số công việc trong quá trình chuẩn bị dự án.

Thứ nhất, tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc (thiết kế ranh) giải phóng mặt bằng theo từng giai đoạn (tùy thuộc mức độ phức tạp về kỹ thuật của từng đoạn tuyến) để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng trên sẽ được cập nhật đảm bảo phù hợp dự án đầu tư được duyệt.

Thứ hai, trên cơ sở hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng được duyệt, các địa phương xác định nhu cầu tái định cư để xác định địa điểm, hình thức tái định cư; lập, thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức thực hiện các bước tiếp theo; tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư; triển khai thực hiện việc giải phóng mặt bằng khu tái định cư (nếu có).

Phạm vị áp dụng là các dự án nhóm A, trong đó công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tách thành dự án thành phần trong chủ trương đầu tư dược cấp thẩm quyền phê duyệt.

Tháng 4-2023, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thông báo nêu rõ: Về cho phép thành phố thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án nhóm A (có dự án thành phần giải phóng mặt bằng) tương tự như cơ chế thực hiện dự án Vành đai 3, giao Bộ Xây dựng chủ trì, khẩn trương hướng dẫn cụ thể UBND TP HCM để đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án giao thông trọng điểm của thành phố và báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 năm 2023. Đến nay, UBND TP HCM chưa nhận được hướng dẫn của Bộ Xây dựng về nội dung trên.



Theo Quốc Anh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên