TP HCM: Người dân sắp hết khổ vì bản vẽ!
Ngoài hàng ngàn trường hợp bị "treo" sổ hồng khi xây nhà nhỏ hơn giấy phép xây dựng, tại TP HCM, người dân đi làm thủ tục hoàn công cũng bị bản vẽ hiện trạng nhà đất "hành xác"
Vừa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liên với đất (sổ hồng), ông Nguyễn Văn Khánh (quận Bình Thạnh) chia sẻ: "Tìm đúng chỗ lo bản vẽ hoàn công là được việc ngay"...
Gian nan vì bản vẽ
Ông Khánh kể sau 2 tháng chờ đợi làm các thủ tục hoàn công căn nhà, ông lên bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính quận Bình Thạnh để nhận sổ hồng nhưng được phản hồi: bản vẽ hoàn công sai nên phải điều chỉnh. "Tôi thuê đơn vị có chức năng đo đạc theo đúng quy định, vẽ theo hiện trạng nhà đất. Thế mà lúc đi nhận sổ hồng thì cán bộ nói về thuê vẽ lại bản vẽ hoàn công. Thuê vẽ lại tốn 2 triệu đồng nhưng biết chắc có nộp vào nữa cũng bị trả. Tôi dò hỏi và tìm được một công ty dịch vụ và thuê họ làm, thế là nhận được sổ hồng" - ông Khánh nói.
Ông Khánh vẫn còn may mắn hơn trường hợp mà Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND TP HCM Lê Minh Đức chia sẻ tại buổi khảo sát của Ban Pháp chế tại Sở Xây dựng về công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai và xây dựng trên địa bàn thành phố. Theo ông Đức, trước đây, ở quận Thủ Đức cũ, có người dân phản ánh bị trả hồ sơ tới 5 lần do bản vẽ hoàn công không đúng. Sau đó, người này được "mách" tới công ty khác để thuê lập bản vẽ mới xong thủ tục hoàn công. "Từ việc này, người ta mới đặt câu hỏi là công ty đo đạc với địa phương có quan hệ như thế nào? Tại sao các công ty khác vẽ thì người dân nộp không được chấp nhận còn công ty này thì được?" - ông Lê Minh Đức đặt câu hỏi.
Nói về thủ tục hoàn công, nhiều người cũng rơi vào cảnh dở khóc dở cười vì xây nhà nhỏ hơn giấy phép xây dựng. Ông Phan Thanh Vũ (ngụ quận Tân Bình) làm hồ sơ gửi đến chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận này đề nghị cấp sổ hồng. Vào thời điểm tháng 9-2019, khi làm hồ sơ hoàn công thì diện tích xây dựng chỉ nhỏ hơn giấy phép xây dựng gần 0,3 m2. Nguyên nhân ông Vũ lùi phần tường phía trước vào một chút là để mở rộng lối đi cho hàng xóm. Và ông không ngờ điều này khiến 3 năm qua, ông chưa thể hợp thức hóa ngôi nhà. Theo thống kê của Văn phòng Đăng ký đất đai - Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, đến cuối năm 2020, thành phố có khoảng 5.000 trường hợp tương tự.
Người dân làm thủ tục cuối cùng để được cấp sổ hồng khó khăn là thế nhưng ngay khâu đầu là xin giấy phép xây dựng thì không phải ai cũng "thuận buồm xuôi gió". Qua kiểm tra tình hình cải cách hành chính năm 2022, bà Hồ Thị Quyên, Trưởng Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng UBND TP HCM, cho biết trong quá trình kiểm tra cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại các quận, huyện đã nhận thấy vấn đề khó hiểu là sự chênh lệch rất lớn về tỉ lệ hồ sơ đúng hạn, trễ hạn. Có những đơn vị 100% hồ sơ cấp giấy phép xây dựng đúng hạn, có những đơn vị tỉ lệ hồ sơ trễ hạn rất cao, thậm chí trên 50%. "Không rõ đặc thù của từng địa phương như thế nào vì chênh lệch quá lớn như vậy?" - bà Quyên đặt vấn đề khi làm việc với Sở Xây dựng.
Ba năm qua, ông Phan Thanh Vũ không thể hợp thức hóa ngôi nhà do diện tích xây dựng nhỏ hơn giấy phép 0,3 m2
Giải pháp đột phá
Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Huỳnh Thanh Khiết lý giải rằng đối với một số quận nội thành, việc cấp phép xây dựng đơn giản nhưng những quận, huyện khác lại khó khăn hơn. Như quận 2 trước đây thì cấp phép xây dựng cực kỳ khó khăn vì chưa rõ pháp lý đất và một số nội dung khác.
Ông Tống Đức Tiến - Trưởng Phòng Cấp phép xây dựng - Sở Xây dựng thành phố - chỉ rõ: "Nguyên nhân sâu xa là nhận thức của cán bộ, chuyên viên trong nghiên cứu và cập nhật quy định pháp luật về xây dựng. Hiện nay, các địa phương giải quyết việc này hầu như theo thói quen, "nếp cũ" mà ngại nghiên cứu quy định mới".
Để khắc phục những vướng mắc, ông Tiến cho biết đơn vị sẽ nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố cho phép người dân sử dụng bản vẽ đo đạc trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được cơ quan cấp phép xây dựng bản vẽ thể hiện dạng sơ đồ khi cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Lê Trần Kiên cho rằng sử dụng 1 bản vẽ kết hợp cấp phép xây dựng và thủ tục cấp giấy chủ quyền được xem là thủ tục có thể nói là đột phá trong cải cách hành chính. "Sở Xây dựng đã lập biểu mẫu kết hợp giữa cấp phép xây dựng với thủ tục hoàn công nhà đất cho người dân để bảo đảm chỉ cần 1 bản vẽ là làm xong thủ tục cấp phép và thủ tục hoàn công sau này" - ông Kiên nói.
Liên quan nội dung trên, các Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc cũng đã ký kết văn bản thống nhất chia sẻ dữ liệu trong khối đô thị để phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý nhà nước, từ đó đẩy nhanh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Về giải quyết thủ tục hoàn công, cấp sổ hồng cho người dân, ông Lê Trần Kiên cho hay: "Nội dung này đã triển khai 2 năm qua. Tuy nhiên, thực tế có những cái khó. Tôi cũng rất thông cảm với các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai. Ở đây có một số văn phòng thực hiện thủ tục hoàn công khi phối hợp với Phòng Quản lý đô thị và đội thanh tra xây dựng địa bàn nên cơ bản ổn. Nhưng cũng có một số văn phòng rất băn khoăn". Vì vậy, sau khi tham khảo ý kiến Bộ Xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng đã thống nhất phương án và gửi ý kiến chính thức về quy trình thực hiện thủ tục hoàn công đến Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường để phối hợp giải quyết.
"Thủ tục hoàn công cho công trình xây dựng nhỏ hơn giấy phép xây dựng ngoài khu vực quy hoạch chi tiết 1/500 chắc chắn sẽ được xử lý sớm bởi lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Xây dựng đã thống nhất qua trao đổi, chỉ còn thống nhất một lần nữa bằng văn bản và báo cáo UBND thành phố" - ông Kiên khẳng định.
Người dân không cần lập bản vẽ
Ông Tống Đức Tiến cho biết sơ đồ phục vụ việc cấp phép xây dựng bảo đảm chỉ tiêu theo đồ án quy hoạch đối với lô đất như: chỉ giới đường đỏ xây dựng, mật độ xây dựng, chiều cao công trình, số tầng cao... Dữ liệu được số hóa để phục vụ công tác quản lý và giải quyết các thủ tục liên quan về sau. Theo ông Tiến, Sở Xây dựng đã đề xuất quy định cơ quan cấp phép xây dựng là đơn vị thể hiện sơ đồ, người dân không cần lập bản vẽ. Mục tiêu của sơ đồ này là thể hiện các chỉ tiêu xây dựng chứ không đi sâu vào nội dung bên trong. Trước đây, việc điều chỉnh bên trong được xem là xây dựng sai phép, gây khó khăn cho người dân thì sau này không coi là sai phép nữa. Cơ quan chức năng chỉ quản lý khung bên ngoài theo các chỉ tiêu đã được cấp phép và thể hiện rõ trên sơ đồ. Sau đó, người dân sẽ sử dụng sơ đồ này để nộp hồ sơ hoàn công, xin cấp sổ hồng.
TS Đinh Thế Hiển:
Thay đổi để dẹp "xin - cho"
Chính sách mà Sở Xây dựng nghiên cứu và sắp đề xuất lên UBND thành phố phù hợp với nguyện vọng của người dân, là một bước chuyển động tốt tiến tới sự chuẩn mực trong quản lý nhà nước để phát triển nhà ở, thị trường bất động sản. Vấn đề xây dựng - hoàn công nhà ở hiện nay nhiều khi tạo nên cơ chế "xin - cho". Nhà nước chỉ cần quản lý những chỉ số quy hoạch chính như mật độ xây dựng, chiều cao công trình, số tầng… là bảo đảm. Còn đi sâu vào chi tiết nội thất, cầu thang... lại là quản lý quá sâu và không thuyết phục, từ đó tạo ra sự nhũng nhiễu.
Nếu chính sách này được đưa vào cuộc sống sẽ giúp người dân nhanh chóng hợp thức hóa tài sản. Tài sản được đi vào cuộc sống, phục vụ nhu cầu của người dân và giúp "giải phóng" được những vấn đề cản trở phát triển đô thị.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM:
Tôn trọng quyền chủ nhà
Trước nay, việc điều chỉnh nội thất, cầu thang, giếng trời… bị coi là xây dựng sai phép, đã làm khổ dân. Trong ranh đất của người dân, trong nội bộ căn nhà mà bắt buộc mọi thứ phải đúng 100% theo bản vẽ thiết kế là rất khó. Bởi khi xây nhà sẽ sinh ra việc thay đổi, từ bản vẽ nhiều khi ra thực tế lại khác. Cơ quan quản lý nên tôn trọng quyền vốn có của chủ nhà. Công trình đó là tài sản của người dân thì họ có quyền quyết định thiết kế nội thất và được tôn trọng. Các trường hợp xây dựng nhà nhỏ hơn giấy phép xây dựng cần được giải quyết hoàn công và cập nhật hiện trạng nhà đất vào giấy chứng nhận, không nên bắt người dân làm thủ tục nhiêu khê.
Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP Thủ Đức:
Ủng hộ đơn giản hóa thủ tục
TP Thủ Đức đang thực hiện cấp phép xây dựng trực tuyến 100%. Người dân nộp hồ sơ online, sau đó thanh toán trực tuyến và nhận giấy phép trực tuyến. Tất cả đều dùng chữ ký số và sau đó giấy phép được công khai để người dân cùng theo dõi và giám sát. TP Thủ Đức ủng hộ chủ trương đơn giản hóa thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong quá trình xin phép, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý giám sát hoạt động xây dựng.
Người lao động