TP HCM phấn đấu tăng trưởng GRDP từ 6%-6,5% năm 2022
Thành phố từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội vững chắc, an toàn, trọng tâm, trọng điểm.
- 03-12-2021Sang năm 2022, người nghỉ hưu trước năm 1995 sẽ được tăng 7,4% lương hưu
- 02-12-2021Học sinh THPT Hà Nội trở lại trường từ ngày 6/12
- 02-12-202110 địa phương có tốc độ tăng/giảm IIP nhiều nhất: TP. HCM ghi nhận giảm sâu nhất, Ninh Thuận đạt tốc độ tăng cao nhất cả nước
Sau 1,5 ngày làm việc, chiều 2-12, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa XI đã bế mạc.
Từng bước phục hồi kinh tế
Phát biểu bế mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết hội nghị đã xem xét, thảo luận và cơ bản đồng tình chủ đề của TP HCM năm 2022 là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp".
Hội nghị cũng thống nhất về mục tiêu tổng quát và 20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu cùng với 7 nhóm giải pháp và 21 nhiệm vụ cụ thể. "Toàn hệ thống chính trị sẽ tập trung nỗ lực cao nhất phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 từ 6%-6,5%. Đây là mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu cao nhưng thành phố có cơ sở và niềm tin" - ông Nguyễn Văn Nên nói.
Trong các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra cho năm 2022, thành phố vẫn tập trung ưu tiên cho công tác phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19; kiên trì, chủ động, nhất quán với phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả". TP HCM từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội vững chắc, an toàn, trọng tâm, trọng điểm theo chiến lược, kế hoạch và 7 nội dung đã thảo luận thông qua.
Trước mắt, chú trọng triển khai đề án Phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị và 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội để đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm 2022, ưu tiên triển khai các dự án trọng điểm, có tính cấp bách về y tế, giáo dục, nhà ở, kết nối giao thông và chuỗi cung ứng giữa thành phố với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi và Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Lệ trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa XI. Ảnh: QUỐC ANH
Xây dựng và hoàn thiện thể chế
Về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho hay hội nghị đã thảo luận, cơ bản thống nhất các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, với tinh thần "không thay đổi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI đề ra, trên cơ sở điều chỉnh một số nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên phù hợp với yêu cầu tình hình mới". Theo Bí thư Thành ủy, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt là xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung phát triển kinh tế số, chú trọng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất lao động. Tăng cường năng lực quản trị, quản lý đô thị hiện đại, chủ động đề xuất trung ương hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, khơi thông các nguồn lực phát triển.
Điều chỉnh linh hoạt các giải pháp hướng đến mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, trong đó ưu tiên thúc đẩy các nhóm ngành công nghiệp chủ lực, hoạt động xuất khẩu, xây dựng, thương mại, du lịch thông minh. Quán triệt nghiêm túc quan điểm phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế; xây dựng "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh"; phát huy giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình, của cộng đồng và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết.
Hội nghị cũng đã thống nhất với tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND TP HCM về quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc và các nội dung quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ban Cán sự Đảng UBND thành phố tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu về quan điểm lập quy hoạch, lưu ý đánh giá đầy đủ vị trí địa kinh tế - chính trị của TP HCM; bối cảnh và các tác động từ bên ngoài đến sự phát triển của thành phố; các cơ hội liên kết giữa thành phố với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên, với các trung tâm kinh tế biển và với cả nước. Cần phải chủ động phối hợp, cập nhật thông tin bảo đảm tính thống nhất, liên kết, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch và các ngành, lĩnh vực trong vùng, liên vùng, bảo đảm tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia... "Năm 2021, TP HCM tổ chức 3 hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, tập trung chủ yếu vào công tác phòng chống dịch, Hội nghị Thành ủy lần thứ 10 bàn và quyết định những vấn đề rất quan trọng về kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đây là hội nghị chứa đựng nhiều quyết tâm chính trị trong công tác lãnh đạo của thành phố" - Bí thư Thành ủy TP HCM nhấn mạnh.
Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, ông Nguyễn Văn Nên cho biết hội nghị thống nhất đánh giá từ sau Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI đến nay, hệ thống chính trị đã có chuyển biến rất rõ, trước hết là vai trò trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân vô điều kiện; tinh thần đoàn kết, thống nhất, chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đưa nghị quyết vào cuộc sống. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã duy trì nền nếp công tác, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; từng bước lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, triển khai công tác cán bộ theo phương án Đại hội XI; chỉ đạo giải quyết kịp thời nhiều vấn đề tồn đọng.
Bảo đảm trụ cột y tế là hàng đầu
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi xác định các vấn đề đặt ra trong thời gian tới, gồm: xây dựng, kết nối và sử dụng dữ liệu phục vụ phòng chống dịch Covid-19, điều hành kinh tế - xã hội và quản trị thành phố; công tác thông tin, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, phát huy các nguồn lực phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Việc thực hiện chủ đề năm 2021 đã đạt kết quả đáng khích lệ, tạo nền tảng cho năm 2022 và những năm tiếp theo, với các điểm sáng như dù tăng trưởng âm nhưng thành phố vẫn đạt chỉ tiêu thu ngân sách năm 2021. Năm 2022, theo Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi, để thích ứng linh hoạt, thành phố cần thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ: bảo đảm trụ cột y tế là hàng đầu, phục hồi kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; huy động các nguồn lực phát triển. TP HCM sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư ngoài ngân sách; xây dựng và thực hiện đề án quản lý hiệu quả tài sản công, nhà - đất công; thực hiện cổ phần hóa; tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện đối tác công - tư (PPP). Hoạt động đối ngoại tập trung khai thác về chiều sâu hợp tác giữa thành phố và các địa phương, tổ chức quốc tế...
Người lao động