TP HCM siết chặt giãn cách: Người ra đường giảm hẳn
Hiệu quả của các biện pháp siết chặt giãn cách thấy rõ trong ngày đầu áp dụng qua hình ảnh đường phố TP HCM vắng phương tiện, chốt kiểm soát thông thoáng.
- 23-08-2021Đường phố Sài Gòn vắng lặng chưa từng thấy trong ngày đầu siết chặt giãn cách: Không còn bóng shipper, “ai ở đâu ở yên đó”
- 23-08-2021Nghệ An: Siết chặt giãn cách, người dân TP. Vinh 'ai ở đâu ở yên đó', không ra khỏi nhà từ 0h ngày 23/8
- 22-08-2021Đường phố TP HCM đông đúc trước giờ "G" siết chặt giãn cách
Tại quận Gò Vấp (TP HCM) - nơi những ngày trước đó luôn đông đúc người ra đường, ngay trong sáng đầu tiên TP HCM siết chặt giãn cách, các tuyến đường lớn như Quang Trung, Phan Văn Trị, Nguyễn Oanh, Nguyễn Kiệm, Phạm Văn Ðồng,... rất ít xe cộ đi lại.
Hầu hết tuyến đường ở TP HCM trong ngày đầu siết chặt giãn cách xã hội đều vắng phương tiện lưu thông. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Kiểm soát chặt chẽ, xử lý thấu tình đạt lý
Có mặt tại chốt kiểm soát trên đường Nguyễn Kiệm lúc 6 giờ 45 phút ngày 23-8, chúng tôi ghi nhận khoảng 30 người dừng lại giữ khoảng cách và lần lượt xuất trình giấy đi đường mới. Tại chốt này, một cán bộ cầm loa tay liên tục thông báo về quy định mới cũng như hướng dẫn người dân giãn cách sao cho an toàn nhất có thể. Người này cũng không quên nhắc nhở người dân ý thức chấp hành vì mục tiêu chung của cả TP, quyết tâm sớm đưa TP quay trở lại cuộc sống bình thường.
Quan sát cho thấy đa phần người ra đường đều có giấy tờ hợp lệ; riêng các trường hợp bị buộc quay đầu xe về nhà đa phần rơi vào tình cảnh xuất trình giấy đi đường cũ, chờ cơ quan gửi giấy mới nên cơ quan chức năng chỉ nhắc nhở, không bị xử lý vi phạm hành chính. Trao đổi nhanh, đại úy Ðào Phi Hùng, cán bộ Công an quận Gò Vấp, cho biết tại chốt kiểm soát Nguyễn Kiệm, người dân chấp hành tốt hơn rất nhiều, số lượng người ra đường giảm rất mạnh. Ða số người buộc phải quay đầu về nhà đều vui vẻ chấp hành chứ không phản kháng như trước đây. "Tình trạng ùn ứ tại chốt trọng điểm này theo đó không còn" - đại úy Hùng nói.
Sáng cùng ngày, ghi nhận ở quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận, quận 1, 3, 5, 6, 7, 8 (TP HCM), đường phố cũng giảm hẳn phương tiện lưu thông. Các chốt kiểm soát thông thoáng, không xảy ra ùn ứ như những ngày trước. Ðặc biệt, cách xử lý tình huống của lực lượng chức năng cũng thấu tình đạt lý hơn.
Ðơn cử, khi lưu thông đến chốt kiểm tra đường Ðinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), anh Nguyễn Thiên Phúc, tình nguyên viên hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 cho UBND quận Bình Thạnh, trình thẻ tình nguyện viên và giấy xác nhận hỗ trợ chống dịch. Lúc này, lực lượng công an đã giải thích như vậy là không đúng quy định và yêu cầu anh Phúc phải làm thêm giấy đi đường do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quận cấp. "Các anh cũng nói do ngày đầu thực hiện giãn cách triệt để và thấy mình chứng minh được công việc tình nguyện nên chỉ nhắc nhở" - anh Phúc nói và cho hay sẽ lập tức xin giấy đi đường theo hướng dẫn của lực lượng chức năng.
Tại chốt kiểm soát ở đường Lê Ðại Hành (quận 11), một người đàn ông tầm 50 tuổi khi được hỏi lý do ra đường, đã ứa nước mắt nói: "Nay tới hạn nhận lãi tiền gửi tiết kiệm, nhà tôi trông chờ vào ngày này. Nhà tôi ngay đây thôi. Tôi vừa rút tiền xong chạy qua mua thuốc cho mẹ tôi rồi về đây. Không có thuốc, mẹ tôi chết mất". Sau khi trình bày, người đàn ông đưa hình chụp mẹ mình đang nằm cho CSGT xem. Xét đây là trường hợp đặc biệt và nhà người này cũng khá gần sau khi đối chiếu chứng minh nhân dân, CSGT đã nhắc nhở và để người đàn ông trở về cùng túi thuốc trên tay. "Thật tình tôi không muốn vi phạm nhưng do gấp quá. Rất may, các anh đã xem xét thấu tình đạt lý" - người đàn ông chia sẻ trước khi rời đi.
Cũng tại chốt trên đường Lê Ðại Hành, lực lượng chức năng đã kiên quyết lập biên bản vi phạm đối với ông D.G.L (SN 1975, ngụ quận 11) vì lý do ra đường không chính đáng. Ông L. phân trần rằng nhà ở quận 11 và đi giao hàng cho khách nhưng không không xuất trình được giấy đi đường cũng như món hàng cần giao. "Trường hợp cố tình vi phạm thì phải cương quyết xử nghiêm, còn trường hợp bất khả kháng thì phải xem xét để người dân thấy pháp luật tuy nghiêm minh nhưng luôn thấu tình" - một cán bộ ở chốt trên đường Lê Ðại Hành nói.
Trong khi đó, ngay từ sáng sớm 23-8, lực lượng Công an TP Thủ Ðức phối hợp với lực lượng vũ trang vừa được tăng cường tổ chức chốt chặn, kiểm soát người ra đường không được cơ quan chức năng cấp giấy lưu thông tại chốt trên đường Phạm Văn Ðồng, Lê Văn Việt, Phú Châu (TP Thủ Ðức). Tại chốt kiểm soát trên đường Phạm Văn Ðồng, hầu hết những trường hợp khi bị yêu cầu dừng lại kiểm tra đều chấp hành và xuất trình đầy đủ giấy tờ được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp. "Thấy người dân ý thức như vậy, anh em tại chốt rất an tâm. Mong rằng đến ngày 15-9, TP sẽ khống chế được dịch bệnh, khi đó người dân sẽ được thoải mái ra đường" - một cán bộ Công an TP Thủ Ðức nói.
Lực lượng công an, bộ đội kiểm tra người ra đường trên đường Phạm Văn Ðồng, TP Thủ Ðức, TP HCM. Ảnh: SỸ HƯNG
Tiếp tục tuyên truyền, tăng cường kiểm tra
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Ðức, cho hay để siết chặt hơn nữa giãn cách xã hội theo đúng tinh thần "ai ở đâu ở yên đó", lãnh đạo TP Thủ Ðức đã phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều giải pháp để bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19. "TP Thủ Ðức sẽ vào cuộc quyết liệt cùng nhiều lực lượng tăng cường tổ chức chốt chặn, tuần tra hiệu quả; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch; giúp đỡ, hướng dẫn người dân thực hiện tốt việc giãn cách xã hội, sớm đưa TP Thủ Ðức trở về trạng thái bình thường mới, để góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội" - Chủ tịch UBND TP Thủ Ðức nhấn mạnh.
Ông cũng đề nghị lãnh đạo các đơn vị tăng cường hỗ trợ bảo đảm vật tư, trang thiết bị y tế cho các cán bộ, chiến sĩ, lực lượng làm nhiệm vụ được an toàn và bố trí chỗ nghỉ ngơi, bảo đảm sức khỏe trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. "Tôi tin rằng sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả tới đây giữa các lực lượng địa phương và các lực lượng hỗ trợ sẽ bảo đảm hiệu quả công tác siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn TP Thủ Ðức, đạt mục tiêu ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh; bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm, an sinh xã hội cho toàn dân" - Chủ tịch UBND TP Thủ Ðức nói.
Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng Phòng CSGT Ðường bộ - Ðường sắt (PC08, Công an TP HCM), cho hay trong ngày đầu tiếp tục giãn cách xã hội, ý thức chấp hành của người dân rất tốt, bởi đa phần đã nắm được chủ trương của TP nên chấp hành nghiêm. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ chưa nắm rõ thông tin hoặc do cố ý vi phạm nên bị lực lượng CSGT xử lý theo quy định. "Việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 như hiện nay là hết sức cấp bách, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều lực lượng chức năng và đặc biệt là sự ủng hộ, chấp hành của quần chúng nhân dân, thể hiện tinh thần đoàn kết của người dân và chính quyền các cấp" - lãnh đạo PC08 nói.
Về kế hoạch trong những ngày sắp tới, thượng tá Nguyễn Văn Bình cho biết PC08 sẽ chủ động triển khai lực lượng CSGT toàn TP thực hiện nhiều nội dung. Trước hết là tăng cường nắm tình hình trên địa bàn đảm trách, trong đó tập trung kiểm soát các nhóm đối tượng tham gia giao thông trên đường đúng nội dung chỉ đạo của UBND TP về việc tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Lực lượng CSGT đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, các hành vi vi phạm quy định về thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 12 của TP. Ðặc biệt, tăng cường kiểm soát shipper ở khu vực TP Thủ Ðức và các quận, huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn. Ðối với các quận, huyện còn lại, tập trung kiểm soát các tuyến đường, khu vực giáp ranh giữa các quận, huyện bảo đảm shipper không được hoạt động liên quận, huyện.
Ðặc biệt, thượng tá Nguyễn Văn Bình còn nhấn mạnh lực lượng CSGT khi thi hành nhiệm vụ sẽ tích cực tuyên truyền vận động nhân dân, nhất là người dân các tỉnh về TP HCM lao động bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội, tuân thủ quy định.
Ngày 23-8, lực lượng CSGT TP HCM đã xử lý 245 trường hợp vi phạm, trong đó có 119 trường hợp là người giao hàng (shipper), tạm giữ 39 môtô và tuyên truyền, nhắc nhở 13 trường hợp.
Người lao động