MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP HCM vừa phê duyệt ranh giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 3

Đường Vành đai 3 đoạn đi ngang tỉnh Bình Dương - Ảnh Hoàng Triều

Đường Vành đai 3 đoạn đi ngang tỉnh Bình Dương - Ảnh Hoàng Triều

Việc phê duyệt được ranh, cắm cọc là mốc tiến độ quan trọng làm cơ sở thực hiện các công việc tiếp theo trong thực hiện Dự án đường Vành đai 3 như: lập đồ án điều chỉnh các quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi vừa ký quyết định phê duyệt Hồ sơ thiết kế cắm cọc (thiết kế ranh) giải phóng mặt bằng Dự án thành phần 1: Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua thành phố (bao gồm cầu kênh Thầy Thuốc) thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM.

Việc phê duyệt được ranh, cắm cọc là mốc tiến độ quan trọng làm cơ sở thực hiện các công việc tiếp theo như lập đồ án điều chỉnh các quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, xác định nhu cầu tái định cư, bám sát tiến độ tổng thể của dự án đã được đề ra.

Theo quyết định, Dự án thành phần 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM có phạm vi giải phóng mặt bằng gồm 2 đoạn, trong đó đoạn 1 dài hơn 14,7km từ điểm giáp với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đến điểm cuối giáp nút giao Tân Vạn.

Đoạn 2 dài 32,6km đi qua huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, điểm đầu giáp cầu Bình Gởi (huyện Củ Chi), điểm cuối ở đoạn hết cầu kênh Thầy Thuốc (huyện Bình Chánh).

Sau khi phê duyệt thiết kế ranh, Chủ tịch UBND TP HCM giao chủ đầu tư khẩn trương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng TP Thủ Đức và các huyện có dự án đi qua tổ chức cắm cọc, bàn giao hồ sơ ranh giải phóng mặt bằng.

Chủ đầu tư phối hợp với Sở Quy hoạch và Kiến trúc cùng đơn vị liên quan tiến hành các thủ tục điều chỉnh các đồ án quy hoạch bị ảnh hưởng, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Dự án đường vành đai 3 TP HCM dài hơn 76km đi qua 4 địa phương TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 6-2022 và Chính phủ thông qua nghị quyết triển khai đầu tư.

Dự án có 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện 2 dự án bao gồm xây lắp và giải phóng mặt bằng. Theo kế hoạch, các địa phương phải nỗ lực để khởi công dự án vào giữa năm 2023 và hoàn thành phần cao tốc vào năm 2025.

Theo Phan Anh

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên