MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP HCM vững vai trò đầu tàu kinh tế

TP HCM đang trở lại nhanh hơn kỳ vọng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

TP HCM đang trở lại nhanh hơn kỳ vọng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Vượt qua thách thức trong đại dịch, TP HCM đang hội đủ những điều kiện để phát triển mạnh mẽ

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) bình quân hằng năm từ 8%-8,5%. Tuy nhiên, do nhiều lý do mà mức tăng trưởng kinh tế cả nhiệm kỳ đó chưa như kế hoạch.

Vững vàng trước khó khăn

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, TP HCM đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong tình hình có biến động về nhân sự chủ chốt, phải xử lý những vụ việc phức tạp kéo dài. Tuy vậy, TP HCM tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí vươn lên, quyết tâm khắc phục những tồn tại, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Cùng sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực để giữ vững vai trò đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn cả nước.

Đã có 11/14 chỉ tiêu đưa ra tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ X hoàn thành, trong đó 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Công tác quy hoạch, quản lý và phát triển hạ tầng và dịch vụ đô thị thu được nhiều thành tựu thiết thực; văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển. Đặc biệt, năm 2020 trước đại dịch COVID-19, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, đưa ra nhiều giải pháp đúng đắn trong phòng chống dịch cũng như trong việc chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động. Trong thực hiện 7 chương trình đột phá, thành phố đạt nhiều kết quả ấn tượng...

TP HCM đồng thời chủ động nghiên cứu, quyết liệt đeo bám, tranh thủ sự ủng hộ của các cơ quan trung ương để mạnh dạn đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Cùng với đó, chủ động, cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng bằng Quy định số 1374 nhằm từng bước chỉ đạo giải quyết các thông tin phản ánh từ các nguồn thông tin, giải quyết những nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

Việc phát huy dân chủ trong nội bộ và xã hội, chú trọng đổi mới phương thức, nội dung chỉ đạo, điều hành cũng đã góp phần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo động lực mới cho sự phát triển của thành phố.

Các tiền đề quan trọng

TP HCM bước vào nhiệm kỳ 2020-2025 với nhiều khó khăn, thách thức khi là địa phương chịu tổn thất nặng nề nhất của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4. Năm 2021, lần đầu tiên trong lịch sử phát triển, TP HCM bị tăng trưởng âm 6,78%. Song, trong những ngày tháng khắc nghiệt nhất của đại dịch, điều vô cùng ý nghĩa là thành phố vẫn gìn giữ được những giá trị nền tảng, những điểm sáng quý báu.

Một số ngành, lĩnh vực duy trì được tốc độ tăng trưởng khá với kim ngạch xuất khẩu ước tăng 2,8% so với cùng kỳ, tổng thu ngân sách nhà nước trong năm 2021 ước đạt 381.531 tỉ đồng, đạt 104,56% dự toán năm. TP HCM cũng có thêm nguồn lực từ sự chia sẻ của trung ương khi thông qua tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho thành phố năm 2022 là 21% (tăng 3% so với tỉ lệ của 5 năm trước đó).

Khi dịch được kiểm soát, kinh tế thành phố phục hồi nhanh và ấn tượng ngay từ những tháng đầu năm 2022. Theo đó, GRDP quý I/2022 đã tăng 1,88% so cùng kỳ năm 2021 và xuyên suốt 8 tháng qua, các lĩnh vực kinh tế luôn duy trì mức tăng trưởng. Tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) ước thực hiện 311.921 tỉ đồng (đạt 80,69% dự toán năm).

Chính từ tầm nhìn rồi đề ra những giải pháp đem lại hiệu quả cao của lãnh đạo thành phố cũng như sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp đã giúp kinh tế thành phố phục hồi ấn tượng như trên.

Có thể thấy, từ đầu quý IV/2021, TP HCM đã chủ động chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19" theo tinh thần Nghị quyết 128 năm 2021 của Chính phủ để dần mở cửa lại các hoạt động kinh tế - xã hội sau nhiều tháng tạm dừng.

Sẵn sàng để cất cánh

Ngay sau đó, TP HCM xây dựng Chương trình Khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2022-2025 với quan điểm và mục tiêu rõ ràng cho 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn phục hồi (đến hết năm 2022) gồm các nỗ lực khôi phục những đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; giúp những doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất - kinh doanh; tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội và các hoạt động văn hóa - xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19.

Giai đoạn phát triển kế tiếp có mốc thời gian từ năm 2023 đến năm 2025. Giai đoạn này tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; giải quyết các điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố. Trong đó, tập trung mọi nguồn lực để phát huy các thế mạnh của thành phố như Trung tâm Kinh tế, Tài chính; Trung tâm Thương mại - Mua sắm; Trung tâm Dịch vụ logistics; Trung tâm Du lịch; Trung tâm Đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ; Trung tâm Dịch vụ chất lượng cao về y tế, giáo dục; Trung tâm Văn hóa của cả nước và khu vực Đông Nam Á...

Bên cạnh việc chủ động xây dựng chương trình phục hồi để bắt tay khôi phục lại nền kinh tế, thành phố luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao từ trung ương; sự đồng thuận và thống nhất cao của hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

TP HCM xây dựng chủ đề năm 2022 là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp". Với chủ đề này, thành phố xác định kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 là điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn của người dân và doanh nghiệp. Từ đó, khơi thông và phát huy nguồn lực xã hội để phát triển.

Có 19 chỉ tiêu được TP HCM đưa ra trong năm này, trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) đạt 6%-6,5%. Có thể nói việc đưa tốc độ tăng trưởng từ âm 6,78% lên 6%-6,5% sau một năm là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng cho thấy quyết tâm chính trị đưa thành phố trở lại vị trí, vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước.

Hiện nay, TP HCM đang khẩn trương tổng kết Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố đến năm 2020; Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Đây đều là các đầu việc lớn để từ đó tạo khung pháp lý rộng hơn giúp TP HCM phát triển xứng tầm với vị thế và sự kỳ vọng.

TP HCM trở lại nhanh hơn mong muốn, hơn kỳ vọng. Điều này rất đáng mừng, mừng đến phát khóc" - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM về kết quả công tác năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 hồi tháng 3-2022.

Có thể vượt chỉ tiêu tăng trưởng

Cả nhiệm kỳ 2015-2020 chưa đạt chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng đề ra nhưng kinh tế TP HCM trong giai đoạn này vẫn tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện, cơ bản dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo; khoa học - công nghệ. Tốc độ sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016-2019 tăng bình quân 7,72%, giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 6,41%, tỉ trọng kinh tế thành phố đóng góp trên 22% kinh tế cả nước.

5-box

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhận định thành phố có thể vượt chỉ tiêu tăng trưởng. Ảnh: TTBC

Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP tăng liên tục qua các năm; năng suất lao động bình quân của thành phố cao hơn 2,6 lần so với bình quân cả nước. Thu ngân sách thành phố luôn chiếm tỉ trọng lớn nhất cả nước (năm 2019 khoảng 27%).

Trước đà phục hồi của kinh tế thành phố trong 8 tháng đầu năm 2022, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhận định thành phố có thể vượt chỉ tiêu tăng trưởng (GRDP) đã đề ra cho năm nay là 6%-6,5%.

Theo Phan Anh

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên