TP.HCM: 80.000 hộ dân bị thu hồi đất và hơn 111.000ha đất nông nghiệp bị tác động bởi bảng giá đất điều chỉnh
Bảng giá đất điều chỉnh của TP.HCM nếu áp dụng sẽ có 80.000 hộ dân bị thu hồi đất để làm các dự án, được bồi thường với giá tốt hơn, dự kiến từ khi thông qua đến hết ngày 31/12/2025. Đồng thời, hơn 111.000 ha đất nông nghiệp tại TP.HCM cũng sẽ chịu tác động.
Ngày 28/8, tại cuộc họp giao ban báo chí, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, TP.HCM đang xem xét ban hành bảng giá đất mới nhằm thực hiện quy định Luật Đất đai 2024.
Theo đó, có 4 phương án được TP.HCM đưa ra xem xét, lựa chọn việc áp dụng bảng giá đất mới. Một là giữ nguyên mức cũ; hai là áp dụng mức giá nhà nước quy định đã nhân hệ số K (hệ số sử dụng đất); ba là giữ mức cũ và cập nhật giá đất tái định cư; bốn là xây dựng bảng giá đất mới hài hòa lợi ích các bên.
Thời gian áp dụng dự kiến từ khi thông qua đến hết ngày 31/12/2025.
Hiện bảng giá đất này đã qua các bước xây dựng dự thảo, tiếp nhận góp ý, thực hiện các hội nghị phản biện. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, bổ sung chỉnh sửa, trình UBND TPHCM ban hành.
Trên thực tế, để thực hiện chủ trương từng bước đưa giá đất tiệm cận giá thị trường, thời gian qua, TP.HCM đã bước đầu áp dụng giá đất cụ thể (giá thị trường) để tính bồi thường các dự án hạ tầng khu vực ngoại thành như dự án đường Vành đai 2, 3.
Chẳng hạn, giá đất tại vị trí đường song hành quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn) theo giá nhà nước là 3,5 triệu đồng/m2 nhưng thực tế UBND TP.HCM đền bù hơn 39,5 triệu đồng/m2. Đây cũng là một trong những cơ sở để TP.HCM xây dựng bảng giá đất mới phù hợp hơn với thực tế.
Bảng giá đất chỉ phản ánh giá đất giao dịch thực tế trên thị trường. Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai cao hay thấp thì cơ quan chức năng sẽ phối hợp, báo cáo UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh mức thu, tỷ lệ thu cho phù hợp.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng thông tin, bảng giá đất điều chỉnh nếu áp dụng sẽ có 80.000 hộ dân bị thu hồi đất để làm các dự án được bồi thường với giá tốt hơn.
Cùng với đó là khẳng định, bảng giá đất điều chỉnh không tác động đến việc định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án bất động sản, nhà ở thương mại do các dự án này được tính theo phương pháp thặng dư. Giá đất nông nghiệp đã được điều chỉnh phù hợp với thực tế nên các khoản được trừ của nhà đầu tư sẽ phù hợp hơn so với trước đây.
Trước đó, trong Hội nghị tham vấn đại biểu HĐND thành phố về bảng giá đất điều chỉnh theo Luật Đất đai 2024 vào chiều 20/8, hộ gia đình, cá nhân sở hữu gần 111.091 ha đất nông nghiệp ở 9 quận, huyện, TP Thủ Đức (TP HCM) cũng sẽ bị tác động nếu bảng giá điều chỉnh được áp dụng.
Cụ thể, theo dự thảo bảng giá điều chỉnh được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM lấy ý kiến, giá đất tại nhiều địa bàn có xu hướng tăng trung bình 5-10 lần, một số địa phương thuộc khu vực ngoại thành và vùng ven dự kiến điều chỉnh 15-50 lần so với hiện tại (chưa nhân hệ số K điều chỉnh giá đất 3,5 lần). Sở cũng cho rằng nếu tính cả hệ số K, so với Quyết định 02 của thành phố, giá đất tăng khoảng 2,5 lần và bằng 70% mặt bằng thị trường.
Nhiều đại biểu tham dự cho rằng, bảng giá đất điều chỉnh tăng quá cao sẽ tác động đến người dân muốn chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở, đặc biệt các huyện ngoại thành. Nhóm bị tác động nữa là những người làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (sổ đỏ). Họ sẽ phải đóng tiền sử dụng, phí trước bạ... cao hơn nhiều.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM ý kiến, hơn 110.090 ha đất nông nghiệp ở 9 địa phương sẽ chịu tác động khi bảng giá đất điều chỉnh áp dụng. Do đó, trong báo cáo tác động, Sở Tài nguyên và Môi trường cần làm rõ số hộ gia đình, người dân bị ảnh hưởng, chi phí tăng lên so với trước là bao nhiêu. Cần làm rõ các tiêu chí để người dân thấy được mức độ tác động của bảng giá đất và có sự chuẩn bị.
Ngoài ra, theo thống kê đất đai năm 2023 của TP.HCM, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất được phân thành 3 nhóm. Trong đó, 9 quận, huyện và TP Thủ Đức có tổng diện tích đất nông nghiệp gần 110.091 ha. Cụ thể, quận 12 (1.133 ha), Tân Phú (27,9 ha), Bình Tân (854 ha), huyện Nhà Bè (4.624,1 ha). Ngoài ra, huyện Củ Chi có 31.127,7 ha đất nông nghiệp, Hóc Môn hơn 5.235 ha), Bình Chánh là 16.555 ha, Cần Giờ và TP Thủ Đức lần lượt hơn 46.975 và 4.558 ha.
7 quận có đất nông nghiệp nhưng không bị ảnh hưởng do thuộc ranh dự án gồm quận 6, 7, 8, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình. 6 quận khác cũng không chịu tác động là quận 1, 3, 4, 5, 10 và Phú Nhuận, do tại đây không còn diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn.